"Quốc hội luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách"
Dịch COVID-19: Tâm lý 'xả hơi' không đáng có ở mỗi người Hà Nội / Không 'đóng cửa' giao thông trong bất cứ cấp độ nào của dịch
Sáng nay, 20/10, tại Hội trường Diên Hồng, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội khóa XV Vương Đình Huệ, Quốc hội đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ hai theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.
Dự phiên khai mạc tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và các vị khách quốc tế.
Trước khi khai mạc kỳ họp, 7 giờ sáng cùng ngày, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các vị đại biểu Quốc hội dự phiên khai mạc tại điểm cầu Nhà Quốc hội đã vào Lăng đặt vòng hoa, viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đại diện các đoàn đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Sau đó, Quốc hội tiến hành Phiên họp trù bị để thông qua chương trình kỳ họp. Trước khi diễn ra lễ khai mạc, Quốc hội đã dành 1 phút mặc niệm đồng bào tử vong; cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì dịch COVID-19.
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra sau khi Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII thành công tốt đẹp; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng đồng bào, chiến sỹ cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết kỳ họp lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn. Nền kinh tế toàn cầu hồi phục nhưng đang chậm lại và có sự phân hóa rõ rệt giữa các quốc gia, khu vực, chủ yếu do khác biệt mức độ và quy mô bao phủ vắc xin; sự đứt gãy của các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài hơn so với dự báo, sức ép lạm phát và rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng.
Ở trong nước, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư với biến chủng mới, lây lan rất nhanh và nguy hiểm hơn, diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó kiểm soát đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân. Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế Quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 2,5% - 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đã đề ra (khoảng 6%).
Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán thiếu ổn định, có thời điểm tăng nóng; nợ xấu ngân hàng tăng. Một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn; nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp ở TP.HCM và các địa bàn kinh tế trọng điểm. Việc làm, đời sống người lao động bị ảnh hưởng rất nặng nề; công tác an sinh xã hội có lúc, có nơi còn bất cập cùng với việc giãn cách kéo dài đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trước những thách thức và chồng chất khó khăn, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở; dưới sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đồng hành, chủ động, linh hoạt của Quốc hội; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ, tin tưởng của Nhân dân và sự hỗ trợ của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tuy không đạt so với kế hoạch đề ra, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định; nông nghiệp tăng trưởng khá và vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế và ổn định xã hội; xuất khẩu hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo; an sinh, phúc lợi xã hội được chú trọng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Chúng ta dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
“Quốc hội biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; trân trọng, cảm ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Qua gian nan, thử thách, truyền thống đoàn kết, yêu nước, thương nòi, khí phách anh hùng, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, đất nước ta lại càng phát huy cao độ hơn bao giờ hết”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ sâu sắc với những tổn thất, mất mát nặng nề về người và của, những khó khăn mà Nhân dân ta đã phải gánh chịu trong đại dịch COVID-19 vừa qua; tri ân, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh sức khỏe và tính mạng của bản thân, cống hiến hết mình, xung kích vào cả những địa bàn là tâm dịch rất nguy hiểm vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sinh mệnh, sức khỏe, cuộc sống bình yên của Nhân dân và sự phát triển bền vững, trường tồn của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian giữa hai kỳ họp, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung làm việc ngày đêm, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan hữu quan, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhanh nhạy, kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết rất quan trọng, cho phép Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện nhiều nội dung khác với quy định của luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19 và nhiều chính sách quan trọng, thiết thực để huy động nguồn lực, hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với tổng số tiền lên đến gần 100.000 tỷ đồng.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do một đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách để theo dõi và giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ và việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần quan trọng cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách; bước đầu thể hiện là một Quốc hội hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Theo chương trình đã được thông qua, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 5 dự án luật. Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.
Quốc hội xem xét việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021-2025 và một số nội dung quan trọng khác.
Quốc hội cũng sẽ dành thời gian phù hợp tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; Kiểm toán Nhà nước, các báo cáo của Chính phủ về: Công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021; xem xét các Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Ngoài ra, nhiều báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước… đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, kết hợp thảo luận cùng các nội dung liên quan.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; triển khai có hiệu quả chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; với tinh thần liên tục đổi mới, quyết tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phương châm chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa trên cả ba phương diện: Lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, không quản ngại vất vả, làm việc ngoài giờ, làm thêm vào ngày nghỉ, đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan; bám sát thực tiễn cuộc sống, thường xuyên lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để tập trung chuẩn bị tốt nhất các nội dung cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
“Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, trên cơ sở thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình, đồng thời xuất phát từ lợi ích cao nhất của đất nước, quốc gia và dân tộc, tham gia đầy đủ các phiên họp toàn thể của Quốc hội, các cuộc họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của các Tổ và Đoàn đại biểu Quốc hội, để nghiên cứu kỹ lưỡng, phản ánh khách quan, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề trọng tâm, thời sự mà cử tri cả nước quan tâm và biểu quyết, quyết định các vấn đề rất quan trọng thuộc nội dung chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, góp phần làm nên thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của Nhân dân và cử tri cả nước. Với tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi