Tin tức - Sự kiện

"Tăng tuổi nghỉ hưu không vì một mục tiêu nào đó"

DNVN - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung đã chia sẻ với báo chí như vậy tại cuộc họp báo Công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 11 luật đã được Quốc hội khóa XIV, thông qua tại kỳ họp thứ 8, trong đó có Bộ Luật Lao động 2019.

Việt Nam trở thành nước có dân số siêu già vào năm 2050 / Cần đấu giá biển số đẹp trên Cổng dịch vụ công quốc gia

Tại cuộc họp báo, giới thiệu về Luật Lao động 2019, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, bộ luật gồm 17 chương, 220 điều, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng, sẽ có khoảng 14 nghị định, 1 nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ và 7 thông tư của Bộ LĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật.
Bộ Luật có 3 nội dung sửa đổi, bổ sung lớn: Một là, Bộ luật đã mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với cả NLĐ có quan hệ lao động và NLĐ không có quan hệ lao động. Hai là, BLLĐ sửa đổi phù hợp hơn với các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Ba là, Bộ luật Lao động đã đảm bảo phù hợp tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản.
Một trong những nội dung quan trọng của Bộ Luật Lao động 2019 được dư luận quan tâm, đó là tuổi nghỉ hưu. Theo luật này, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình chậm. Theo đó, tuổi nghỉ hưu chung trog điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ ở tuổi 60 (vào năm 2035) theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng đối với nữ và mỗi năm tăng 4 tháng đối với nam kể từ năm 2021.
Một số đơn vị báo chí hỏi người đứng đầu Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội về việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình chậm sẽ tác động như thế nào đến lương hưu của NLĐ? Số tiền quỹ BHXH hàng năm sẽ tăng thêm bao nhiêu?

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung.
Tăng tuổi nghỉ hưu là thực hiện đa mục tiêu
Theo ông Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thực hiện thể chế nghị quyết 28 của TƯ về cải cách chính sách BHXH. Thực ra, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đang là xu hướng của hầu hết các quốc gia, nhất là những quốc gia đang già hóa dân số. Cách đây mấy ngày, sau khi nước ta thông qua Bộ Luật Lao động, một số quốc gia thông qua Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đến học tập, trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam về vấn đề này.
"Tuy nhiên, đối với tuổi nghỉ hưu, tôi đã một vài lần chia sẻ với báo chí rằng điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ dàng đối với bất kỳ quốc gia nào. Năm 2010, nước Anh bắt đầu cải cách chính sách điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Việc Quốc hội thông qua Luật Lao động 2019 thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn Nhà nước, thể hiện tầm nhìn dài có tính chất chiến lược để đi tắt đón đầu tình trạng già hóa dân số", ông Đào Ngọc Dung đánh giá.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Phải nói rằng, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là thực hiện đa mục tiêu, chứ không phải vì một mục tiêu nào đó. Theo đó, việc điều chỉnh trước hết vì tăng trưởng kinh tế, thứ 2 là giải quyết việc làm cho giới trẻ, thứ ba là thích ứng với già hóa dân số, thứ tư để đảm bảo sự phát triển, bảo toàn và phát triển bền vững quỹ BHXH và thứ 5 đảm bảo rút dần khoảng cách chênh lệch về giới và tiến tới độ tuổi nghỉ hưu của nam - nữ có thể công bằng.
Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, từ đa mục tiêu như vậy phải kèm theo sửa đổi bộ luật này thì phải sửa đổi nhiều luật liên quan đến quyền của người nghỉ hưu và người được hưởng chế độ hưu.
Trước mắt, năm 2021, phải rất khẩn trương sửa đổi Luật BHXH, Luật Việc làm để hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ngay cả việc Nghị quyết 28 đưa ra 11 nội dung cải cách Luật BHXH thì bản thân bộ luật này mới chỉ giải quyết đc 1 khâu, đó là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Cũng liên quan đến tuổi nghỉ hưu phải điều chỉnh, ví dụ giảm thời gian đóng BHXH, hiện nay chúng ta quy định là 20 năm. Bình quân cả nước hiện nay là 19,8 năm thì một người khi nghỉ hưu chỉ hưởng đủ 10 năm thôi, còn 9 năm 8 tháng thì "ăn nhờ" thế hệ sau. Như vậy, phải điều chỉnh 10 nội dung nữa trong Luật BHXH. Ví dụ từ 20 năm có thể rút xuống còn 15 năm để tăng số lượng tham gia BHXH và tiến tới có thể là 10 năm theo 3 nguyên tắc: đóng - hưởng, bình đẳng và chia sẻ.
"Trong tuổi nghỉ hưu, có một câu rất quan trọng, trước đây nói "có thể nghỉ hưu ở độ tuổi này", còn nay dùng từ "có quyền" nghỉ hưu sớm hơn hoặc muộn hơn mức trần quy định, nhưng quyền này có thể tiến tới sau này quy định bằng Luật BHXH, anh có thể nghỉ hưu trước 5 năm, thậm chí 10 năm nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì phải chờ. Tất cả thông lệ quốc tế đều như vậy. Cũng có thể khuyến khích người chưa đủ tuổi nghỉ hưu nhưng có thể đóng bổ sung 1 lần để đủ tuổi nghỉ hưu và hưởng luôn. Từ "quyền" ở đây là rất linh hoạt", ông Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Tách lương công chức, viên chức với lương hưu từ 2021
Về lương, từ ngày 01/01/2021 tinh thần chung là tách lương công chức, viên chức khác hẳn và không liên hệ gì với lương hưu. Cụ thể, lương hưu lấy từ BHXH, còn lương công chức, viên chức do Nhà nước trả. Còn lương doanh nghiệp thì do chủ sử dụng lao động chi trả. Theo cách này, lương hưu sẽ lấy từ quỹ BHXH và như vậy hoàn toàn có thể phân loại, có những đối tượng người nghỉ hưu sẽ được quan tâm cao hơn, chẳng hạn lương của người nghỉ hưu trước năm 1993 rất thấp, càng nghỉ hưu về những năm trước càng khó khăn. Do đó, tới đây, chắc chắn chúng ta phải điều chỉnh lương hưu theo cách đó.
Về quỹ lương hưu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, mục tiêu của chúng ta khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cộng với BHXH là nhiều ng tham gia BHXH hơn. Với bộ luật này, không chỉ dừng lại ở 20 triệu người tham gia đóng BHXH hiện nay mà sẽ mở rộng thêm ra 34,5 triệu người, đồng thời muốn khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động để số lượng đóng BHXH tăng lên, kể cả đóng BHXH tự nguyện. Khi đó điều quan trọng nhất là người già khi về hưu có thụ hưởng từ BHXH. Đây là 1 trong 2 trụ cột quan trọng nhất trong hệ thống an sinh của người lao động.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm