An Giang kỷ niệm 190 năm hình thành và phát triển
An Giang: Bố trí 33 chiếc phà trọng tải lớn phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp lễ 2/9 / Hậu Giang: Vẫn chưa tìm được nhà thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế
Tối ngày 22/11, tại quảng trường Trương Nữ Vương (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) Tỉnh ủy An Giang tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh An Giang và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 22/11 hàng năm là "Ngày truyền thống tỉnh An Giang".
An Giang nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 22/11 hằng năm là ngày truyền thống tỉnh.
Báo cáo những thành tựu kinh tế, xã hội sau 190 năm thành lập tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: Suốt chiều dài lịch sử khai phá vùng đất An Giang, từ buổi đầu mở mang bờ cõi, đến nay An Giang là vùng đất biên thùy trọng yếu phía Tây Nam của Tổ quốc.
Chiến tranh kết thúc, An Giang lại đối mặt với nhiều khó khăn như: Tháo gỡ bom, mìn; phục hóa những vùng đất bỏ hoang; xây dựng lại nhà cửa, trường học, trạm y tế…; phát triển nông nghiệp, ổn định cuộc sống người dân. Năm 1980, An Giang có chủ trương sáng tạo, phù hợp lợi ích của người dân là thực hiện cơ chế giá trong mua bán sản phẩm nông nghiệp.
Qua thực tế thị trường, tỉnh điều chỉnh chủ trương “mua cao bán cao” thành “mua đúng bán đúng”. Sau đó, thực hiện Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”, tỉnh chủ trương đưa đất về hộ nông dân, biến “hộ nông dân thành hộ sản xuất cơ bản”.
Cùng với đó, những chủ trương, chính sách trên đã giúp giải phóng sức sản xuất, tạo bước ngoặt quan trọng cho sản xuất nông nghiệp phát triển mới. Từ vùng đất còn nhiều hoang hóa nhanh chóng phục hồi, phát triển; nông dân bội thu trong sản xuất, đời sống nâng lên rõ rệt.
“Từ tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực, đến năm 1988 sản lượng lúa của An Giang vượt qua mức 1 triệu tấn; đến năm 1994 vượt mức 2 triệu tấn và hiện nay đạt trên 4 triệu tấn. An Giang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực, trung bình mỗi năm xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước”, ông Bình nói.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: An Giang là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, văn hoá - xã hội và quốc phòng - an ninh quan trọng ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Từ khi thành lập tỉnh vào năm 1832 đến nay, trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, hòa vào dòng chảy chung của dân tộc, người dân An Giang luôn phát huy truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động; đoàn kết, nhân ái, giản dị, thuỷ chung trong cuộc sống, đã chiến đấu anh dũng bảo vệ quê hương, bảo vệ phên dậu biên cương của Tổ quốc và xây dựng quê hương An Giang ngày càng phát triển.
Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi lễ.
Theo ông Trần Tuấn Anh, việc thành lập tỉnh An Giang năm 1832 có ý nghĩa to lớn trong quá trình mở mang bờ cõi và phát triển đất nước ta dưới thời vua Minh Mạng. Từ đây, lịch sử vùng đất An Giang chuyển sang trang sử mới, đầy tự hào, tiếp bước cha ông tiếp tục lập nên những chiến công to lớn trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, xây dựng và phát triển quê hương đất nước. Từ một tỉnh thiếu lương thực, An Giang đã có nhiều đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo, rau màu và thủy sản, từng bước vươn lên dẫn đầu cả nước về sản xuất lương thực, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Cũng tại buổi lễ, ông Trần Tuấn Anh đã chia sẻ một số vấn đề để An Giang vượt qua thử thách, tận dụng cơ hội mới để phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Cụ thể, An Giang giống như nhiều tỉnh khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có nền kinh tế dựa nhiều vào nông nghiệp, phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, thời gian qua vẫn chủ yếu sử dụng lao động phổ thông để mở rộng quy mô phục vụ tăng trưởng kinh tế.
“Mô hình này đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Để tiếp tục phát triển và có đóng góp to lớn hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước và cho chính tỉnh nhà, An Giang cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng thâm dụng công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo, hài hòa với thiên nhiên…”, ông Trần Tuấn Anh lưu ý.
Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Anh lưu ý thêm, An Giang là tỉnh có dân số đông, với đồng bào nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau cùng sinh sống, có nhiều lễ hội, di tích lịch sử, văn hoá, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Do đó, cùng với phát triển kinh tế, tỉnh phải chú trọng lĩnh vực văn hóa - xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.
Đồng thời, tỉnh có đường biên giới thủy, bộ tiếp giáp với Campuchia, An Giang có vai trò đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSCL và cả nước.
Qua đó, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu, An Giang cần kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đồng thời, tăng cường công tác đối ngoại, thực hiện tốt chương trình hợp tác với các tỉnh biên giới Campuchia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo