Tin tức - Sự kiện

Bắc Trung Bộ thích ứng biến đổi khí hậu - Bài 1: Những tín hiệu phức tạp, đáng lo ngại

Khu vực Bắc Trung Bộ thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như lũ, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, sương muối, hạn hán, bão, xâm nhập mặn… Dù chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong những năm qua nhưng một số địa phương trong khu vực đã "biến nguy thành cơ", xuất hiện mô hình ứng phó, thích ứng hiệu quả.

Vì sao nhiều công chức chưa nhận được lương theo mức mới từ ngày 1/7? / Việt Nam dẫn đầu bảng xếp hạng tăng trưởng trên thế giới

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài 4 bài viết chủ đề: "Bắc Trung Bộ thích ứng biến đổi khí hậu".

Chú thích ảnh
Mưa lớn trên diện rộng đã gây ngập lụt một số tuyến đường và chia cắt giao thông ở khu vực biên giới địa bàn hai huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: TTXVN phát

Bài 1: Những tín hiệu phức tạp, đáng lo ngại

Là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hằng năm, vùng Bắc Trung Bộ đón nhận hàng chục cơn bão lớn, nhỏ. Đặc biệt, theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan như, mưa đá, dông lốc, hạn hán... Tính chất, cường độ các cơn bão ngày càng trở nên nguy hiểm, không chỉ gây ngập lụt, mưa lớn cục bộ mà còn gây ra lũ quét, sạt lở đất, đe dọa tính mạng và tài sản người dân cũng như hạ tầng, môi trường.

Xu hướng phức tạp, khó dự đoán

Theo thống kê của Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, từ năm 2015-2022, trung bình mỗi năm, vùng Bắc Trung Bộ có khoảng 9-10 cơn bão, 3-4 cơn áp thấp nhiệt đới, khoảng 22-23 đợt không khí lạnh, 9-10 đợt nắng nóng, 17-18 trận dông, tố, lốc, mưa đá…Riêng năm 2023, mặc dù mưa bão không nhiều nhưng các loại hình thời tiết cực đoan đã xuất hiện với những chỉ số kỷ lục. Điển hình, nắng nóng xuất hiện nhiều nơi với nhiệt độ cao nhất vượt giá trị lịch sử trong vòng 40 năm qua như: huyện Tương Dương (Nghệ An) 44,2 độ C, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) 43,2 độ C... Đặc biệt, các loại hình thời tiết cực đoan có xu hướng phức tạp, khó dự đoán xuất hiện ngày càng nhiều, gây hậu quả nặng nề.

Cụ thể, chỉ chưa đầy một tuần lễ trong tháng 10/2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình liên tiếp xuất hiện 2 trận lũ lịch sử lớn nhất trong 100 năm qua. Toàn bộ vùng đồng bằng thuộc các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh trên lưu vực sông Nhật Lệ đều bị ngập sâu, có nơi lên tới 4-5m. Theo thống kê, mưa lũ làm hơn 100 nghìn ngôi nhà bị ngập; 25 người chết; nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Nhiều tuyến đường giao thông, các công trình đê, kè thủy lợi bị hư hỏng nặng, sản xuất bị đình trệ…ước tính tổng thiệt hại khoảng 3.500 tỷ đồng trong đó nông nghiệp thiệt hại gần 1.800 tỷ đồng.

Tại Nghệ An, những năm gần đây liên tục ghi nhận hiện tượng thời tiết cực đoan. Đơn cử trận lũ quét tại xã Tà Cạ, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn vào tháng 10/2022. Chỉ kéo dài trong 3 giờ nhưng cơn lũ đã làm một người chết, cuốn trôi 56 nhà dân, hàng trăm ngôi nhà, nhiều công trình, trụ sở cơ quan nhà nước bị hư hỏng… thiệt hại ước tính hơn 200 tỷ đồng. Đầu tháng 4/2024, lần đầu tiên mưa đá, dông lốc xuất hiện trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu. Nếu như những năm trước, loại hình thời tiết này chỉ xuất hiện ở các địa phương vùng núi, những năm gần đây đã xuất hiện ở các huyện đồng bằng, trung du.

Ông Lê Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ cho biết, năm 2024 được dự báo là năm các loại hình thiên tai có xu hướng phức tạp và khó dự báo. Bởi, đây là năm có sự chuyển pha ENSO từ trạng thái El Nino sang La Nina. El Nino sẽ suy yếu vào tháng 4-6/2024, chuyển nhanh sang La Nina trong khoảng tháng 7-8/2024. Theo dự báo, trong những năm tới, dưới tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết nóng lên toàn cầu khiến sự gia tăng cả về tần suất cũng như cường độ của thiên tai như bão, lũ, hạn hán, hiện tượng El Nino và La Nina… Đáng nói, trước đây, các loại hình thiên tai diễn ra theo mùa, nay xuất hiện quanh năm, kể cả trong những tháng được xem là hiếm khi xuất hiện.

Cần thiết lập hệ thống cảnh báo sớm

Là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, tuy nhiên, hệ thống cảnh báo sớm thiên tai tại vùng Bắc Trung Bộ hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, chưa có chức năng cảnh báo theo thời gian thực nên chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Theo ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban ChỉhuyPhòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, trong tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, dị thường, việc dự báo, cảnh báo sớm các thông tin về thời tiết, khí hậu để chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, sẵn sàng chung tay ứng phó, khắc phục thiên tai là rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn. Tuy nhiên, hiện nay, việc dự báo định lượng mưa, lũ quét, sạt lở đất... trên khu vực hẹp vẫn còn hạn chế. Tại một số đơn vị, trang thiết bị phục vụ công tác dự báo còn thiếu về số lượng và chất lượng.

Tại Quảng Bình, dù là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nhưng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai nơi đây chưa được đồng bộ, khiến việc thông tin đến người dân còn chậm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho địa phương. Một số nguyên nhân gây ra tình trạng này là do thiếu vốn đầu tư, trang thiết bị hiện đại, thiếu hợp tác và hội nhập quốc tế…

Ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉhuy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc do ngân sách hàng năm không đủ để bố trí. Vị trí đặt các trạm quan trắc khí tượng thủy văn tự động thường ở khu vực vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, công tác duy tu bảo dưỡng, khắc phục sự cố kịp thời gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, về lâu dài, ông Trần Xuân Tiến đề xuất cần sự quan tâm đầu tư và hỗ trợ từ phía Trung ương, các ban, ngành, đơn vị, nhà tài trợ trong và ngoài nước.

Tại Thanh Hóa, tháng 8/2019, trận lũ quét kinh hoàng ở bản Sa Ná, huyện Quan Sơn khiến 12 người chết và mất tích cũng bởi không có thiết bị cảnh báo sớm để chủ động phòng tránh.

Ông Lương Văn Mơ, bản Sa Ná cho biết, khi nhìn thấy nước lũ từ trên cao ập về, ông cố gọi và ra hiệu cho những gia đình ở phía dưới. Tuy nhiên, do khoảng cách khá xa nên họ không nhìn thấy, không nghe thấy. Nếu lúc đó ông có tù và hoặc trống để đánh báo hiệu cho các hộ phía dưới thì thiệt hại về người, tài sản sẽ không lớn đến vậy.

Từ thực tế trên cho thấy, việc đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo đầu nguồn suối có bản làng sinh sống là cần thiết. Khi lũ ống, lũ quét, sạt lở xảy ra, hệ thống báo động để người dân kịp chạy lũ. Tuy nhiên, trong tình thế chưa có kinh phí để trang bị hệ thống quan trắc, cảnh báo hiện đại, chính quyền địa phương nên trang bị tù và, kẻng, trống cho những hộ đầu nguồn sông, suối kịp thời báo động khi có lũ về. Giải pháp này không tốn nhiều kinh phí nhưng phát huy hiệu quả cao và dễ áp dụng cho đồng bào.

Theo lãnh đạo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, công tác dự báo sớm đã được đơn vị quan tâm, đầu tư. Một số công nghệ, công cụ, mô hình tiên tiến của châu Âu, Nhật Bản đã được sử dụng. Qua đó, đơn vị thực hiện cảnh báo bão sớm trước 5 ngày; dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới trước 3 ngày; đã dự báo, cảnh báo trước 2-3 ngày các trận mưa lớn diện rộng với độ tin cậy khoảng 75%; các đợt lũ lớn có thể cảnh báo trước 24-48 giờ…Tuy nhiên, hiện nay, đối với những khu vực hẹp thì tính chất dự báo còn thiếu độ chính xác.

Ông Lê Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ chia sẻ, tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam, trong đó, có các tỉnh Bắc Trung Bộ. Mục tiêu, đến năm 2030, cơ bản hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn cho những khu vực có nguy cơ rất cao; hoàn thiện hệ thống thông tin - cảnh báo sớm tổng thể kết nối liên thông với các bộ, ngành, địa phương, có sự phối hợp 2 chiều giữa các cơ quan quản lý, cơ quan cảnh báo, dự báo và người dân trong thu nhận, phân tích, xử lý thông tin dữ liệu, cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho các tỉnh miền núi, trung du Việt Nam. Đây là cơ sở để các địa phương nâng cao khả năng dự báo sớm, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bài 2: Đa dạng mô hình ứng phó

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm