Bài viết của Tổng Bí thư làm rõ bản chất tốt đẹp của Nhà nước pháp quyền XHCN
Chùm ảnh: Người Hà Tĩnh tâm đắc với lá phiếu bầu cử / Hội đồng Bầu cử Quốc gia: Không chạy theo tiến độ bầu cử mà lơ là phòng dịch
Trong bài viết"Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết những vấn đề rất lớn về lý luận và thực tiễn của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam, đặc biệt là thành tựu lý luận của 35 năm đổi mới, trong đó nhấn mạnh sự hoàn thiện hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
Bài viết làm sáng tỏ những giá trị đích thực của CNXH
Bàn luận về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân là quan điểm của Đảng ta đã được xác định từ năm 1994. Sau đó, tại hội nghị Trung ương 8 (khóa VII) cũng đã nêu quan điểm rất rõ về nội dung này và từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta không ngừng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư đã chỉ ra những điểm khác biệt cơ bản giữa Nhà nước pháp quyền XHCN và Nhà nước pháp quyền tư sản. Theo đó, pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ XHCN là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam đã thể hiện rất rõ trong thực tiễn đổi mới, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Bằng chứng là quyền lực chính trị, lợi ích kinh tế, quan hệ xã hội, tư tưởng làm chủ của nhân dân đã được ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và cũng được ghi rõ trong Hiến pháp năm 2013.
“Có thể nói đây là vấn đề rất lớn và đáng quan tâm trong xây dựng CNXH, bởi vì trong 8 đặc trưng của CNXH ở Việt Nam mà Cương lĩnh năm 2011 đã nêu, trong đó có đặc trưng là có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư đã làm rõ bản chất tốt đẹp của Nhà nước pháp quyền XHCN, bản chất đó thể hiện quyền lực thuộc về nhân dân. Bài viết cũng trở lại những tư tưởng rất căn bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền”.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói như vậy và nhấn mạnh, đến bây giờ, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam đã tương đối rõ cả về nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn, với 6 đặc trưng cơ bản, trong đó có đặc trưng “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, điều này cũng đã được khẳng định trong Hiến pháp 2013. Từ nay cho đến khi xây dựng xong CHXH vẫn tồn tại Nhà nước pháp quyền, Nhà nước ấy sẽ ngày càng hoàn thiện hơn về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhưng trục cốt lõi của Nhà nước pháp quyền chính là mang lại lợi ích cho nhân dân, mang lại quyền tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Bài viết của Tổng Bí thư đã nêu những nhận thức rất sâu sắc về mặt lý luận, tổng kết thực tiễn về những giá trị đích thực của CNXH và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi. Trong đó, xây dựng hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.
Như việc hơn 68,7 triệu cử tri đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5 vừa qua là minh chứng sinh động, thể hiện quyền dân chủ thực sự của người dân, để lựa chọn những người đại diện cho nhân dân trong cơ quan quyền lực của Nhà nước. Nhân dân có quyền thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp. Cụ thể, quyền dân chủ trực tiếp được thể hiện ở việc người dân có quyền bầu cử hay trực tiếp tham gia thảo luận, góp ý vào Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...; còn dân chủ đại diện là nhân dân thông qua đại biểu của mình và cơ quan thực hiện quyền dân chủ đại diện như Quốc hội, HĐND các cấp. Ngoài ra, quyền lực nhân dân còn được thể hiện ở những vấn đề khác như quyền sở hữu tư liệu sản xuất, quyền phát triển kinh tế, làm giàu, quyền được hưởng thụ văn hóa, quyền tham gia vào các vấn đề của đời sống xã hội... Đây cũng chính là bản chất của Nhà nước pháp quyền.
Kiểm soát quyền lực để tránh sự tha hóa
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, nếu quyền lực của nhân dân khi trao cho các tổ chức, cá nhân mà được thực hiện đúng, thì sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân, cho đất nước. Ngược lại, khi các tổ chức, cá nhân được nhân dân trao quyền lực mà thực hiện không đúng, thậm chí sai lệch sẽ dẫn đến tha hóa quyền lực.
Tha hóa quyền lực luôn đặt ra ở trong các chế độ chính trị. Ở chế độ XHCN, tuy xác định quyền lực thuộc về nhân dân nhưng khi quyền lực ấy ở trong tay những người có chức, có quyền nhưng bị tha hóa, thì họ sẽ lạm quyền, lộng quyền, thậm chí họ sử dụng quyền lực ấy để mưu cầu riêng lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Vì thế, Đảng và Nhà nước đã đưa ra quan điểm phải kiểm soát quyền lực, phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Để kiểm soát quyền lực thì phải có cơ quan kiểm soát, có sự kiểm soát của nhân dân để làm sao cán bộ khi gánh vác trách nhiệm trong bộ máy không được lạm quyền, lộng quyền.
Một trong những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền của ta là quyền lực Nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan làm chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp. 3 cơ quan này phải phối hợp, kết hợp chặt chẽ và kiểm soát lẫn nhau. Chính vì thế, kiểm soát quyền lực phải ngày càng rõ hơn về cơ chế, kiểm soát hơn nữa các cơ quan thực thi của Nhà nước, kiểm soát bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước, bằng kỷ luật của Đảng. Bên cạnh đó, nhân dân cũng sẽ kiểm soát đội ngũ cán bộ thì mới ngăn chặn được sự tha hóa.
Để kiểm soát, tránh tha hóa quyền lực, theo ông Nguyễn Trọng Phúc ngoài việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thì cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, phải giáo dục những chuẩn mực về đạo đức, chuẩn mực của người cán bộ công chức, trong đó nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu. Ngoài giáo dục thì phải giữ nghiêm kỷ luật và pháp luật; bản thân những người có chức, có quyền phải tự tu dưỡng, rèn luyện, phải tự ghép mình vào trong kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phải luôn ý thức được trách nhiệm của mình trước đất nước, trước nhân dân với tinh thần “dĩ công vi thượng”, vì lợi ích của đất nước, vì lợi ích của nhân dân. Cùng với đó là từng bước có cơ chế để kiểm soát quyền lực từ chính nhân dân, thực hiện cho được phương châm mà Đại hội XIII của Đảng đã nêu là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.
Có thể thấy, toàn bộ bài viết của Tổng Bí thư như một sự tổng kết quan trọng về nhận thức lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, phản ánh được cách nhìn, khát vọng, mục tiêu không thay đổi của Đảng Cộng sản Việt Nam đó là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không có mục tiêu nào ngoài lợi ích chân chính của nhân dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo