Bàn giải pháp phát triển bền vững ngành thuốc bảo vệ thực vật
Nhiều sinh viên tìm kiếm việc làm thời vụ dịp cuối năm / Đà Nẵng: Triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cấp điện dịp Tết Dương lịch
Ngày 28/12, tại TP Cần Thơ, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) tổ chức diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững”.
Tại đây, đại diện ngành nông nghiệp cùng các chuyên gia, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV trên cả nước đã chia sẻ khó khăn, vướng mắc, bàn giải pháp chung tay thúc đẩy phát triển bền vững ngành thuốc BVTV.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp là hỗ trợ các chủ trương của ngành bảo vệ thực vật phát triển theo hướng bền vững, xanh và chất lượng cao.
Lạm dụng, thiếu kiểm soát
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam cho biết, theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu quốc tế, thuốc BVTV có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm năng suất cây trồng, chiếm từ 40-60%. Đặc biệt, thuốc BVTV còn có vai trò nâng cao chất lượng sản phẩm từ 60-70%.
“Tuy nhiên, do nhận thấy ưu điểm của thuốc, người nông dân đã lạm dụng, dùng sai kỹ thuật, bỏ qua các biện pháp bảo vệ khác. Họ tin, thuốc BVTV có thể giải quyết mọi vấn đề nên lạm dụng, thiếu kiểm soát, dùng sai kỹ thuật. Từ đó, nhiều mặt tiêu cực của thuốc đã bộc lộ như: gây ô nhiễm nguồn nước và đất; để lại dư lượng trên nông sản, gây độc cho người và nhiều loài động vật máu nóng; gây mất sự cân bằng trong tự nhiên, làm suy giảm tính đa dạng của sinh quần, gây xuất hiện các loài sinh vật gây hại mới…”, ông Sơn phân tích về hiệu quả, cũng như thực trạng sử dụng thuốc BVTV.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Văn Tuất - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam cho rằng, hiện trạng sản xuất nông nghiệp và những vấn đề nổi cộm chu trình canh tác nông nghiệp không bền vững với việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV tràn lan, thiếu hiệu quả cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh trong những năm gần đây đã có những tác động tiêu cực không nhỏ đến môi trường.
Đặc biệt là chu trình dinh dưỡng của con người và các sinh vật sống, việc sử dụng quá liều lượng phân bón hóa học đa lượng trong trồng trọt, ít chú ý tới các nguyên tố trung lượng đặc biệt là vi lượng, đã dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng trong đất, giảm chất hữu cơ, phá hủy cấu trúc đất, giảm độ màu mô của đất và ô nhiễm nguồn nước ngầm.
“Sự mất cân bằng này lại dẫn tới một chuỗi các hệ lụy tiếp theo như mất cân bằng vi sinh vật trong đất, phát sinh nhiều bệnh hại liên quan tới vùng rễ, phá hủy hệ vi sinh vật có lợi sống cộng sinh với cây và từ đó dẫn tới mất cân bằng trong hấp thụ dinh dưỡng của cây”, GS.TS Tuất cảnh báo.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục BVTV cho rằng, việc đẩy mạnh sản xuất và sử dụng thuốc sinh học sẽ góp phần phát triển một nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Nhìn nhận về thực trạng trên, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ cho rằng, để tăng vụ, bảo đảm năng suất, sản lượng nông dân phải sử dụng thuốc BVTV, hiện nay tổng số lần sử dụng thuốc trên từng loại cây trồng có sự chênh lệch rất lớn. Cụ thể, đối với cây lúa, tổng số lần sử dụng thuốc BVTV trên vụ/ha từ 5-7 lần; đối với cây ăn quả, tổng số lần sử dụng khoảng 10 lần/năm; đối với cây rau - màu, tổng số lần sử dụng từ 3-7 lần/vụ tùy loại cây trồng.
Đồng thời, do giá một số nông sản đang ở mức cao nên nông dân có xu hướng tăng cường đầu tư, chăm sóc và lựa chọn nguồn phân bón, thuốc BVTV chất lượng, có uy tín trên thị trường, dẫn đến việc sử dụng quá nhiều hóa chất trong nông nghiệp so với khuyến cáo, tăng chi phí sản xuất không hợp lý.
Về khó khăn trong công tác quản lý về thuốc BVTV trên địa bàn, Chi cục BVTV&TT Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, vẫn còn một số nông dân sử dụng phân bón và thuốc BVTV chưa theo khuyến cáo, chưa lựa chọn sản phẩm phù hợp với loại cây trồng và đối tượng dịch hại dẫn đến hiệu quả sử dụng chưa cao. Địa bàn rộng, số lượng đại lý, cơ sở vật tư nông nghiệp nhiều trong khi lực lượng công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thuốc BVTV khá mỏng do đó, đôi khi việc kiểm soát vẫn chưa chặt chẽ.
Đẩy mạnh thuốc sinh học
Trình bày tham luận tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng - Nguyên Cục trưởng Cục BVTV dự báo, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ là 9,7 tỷ người. Vì vậy, nhu cầu tăng sản lượng lương thực đến 70%. Song đó, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp.
Việc sử dụng thuốc hóa học gây ra những hậu quả xấu nên giải pháp sử dụng các biện pháp sinh học và thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học là xu thế tất yếu, phù hợp với chiến lược IPM, chiến lược tăng trưởng xanh, đạt được sự đồng thuận cao của các quốc gia trên thế giới.
Về rào cản đối với thuốc BVTV sinh học, PGS.TS Hồng cho rằng, do hiệu lực chậm, thấp hơn và không ổn định. Chuyên tính hẹp, không phong phú về chủng loại, thời gian bảo quản ngắn hơn, dễ bị ảnh hưởng của môi trường, dễ bị lẫn tạp. Sử dụng khó hơn, chi phí sử dụng thường cao hơn. Nông dân đã quen sử dụng thuốc hóa học và quy định về đăng ký tại nhiều nước còn bất cập.
“Để tạo động lực cho thuốc sinh học, cần tạo chiến lược phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, tuyên truyền nhận thức và hiểu biết về thuốc sinh học cho nông dân. Đặt ra yêu cầu cao, chặt chẽ đối với thuốc hóa học làm tăng chi phí nghiên cứu, thử nghiệm, đăng ký thuốc. Chi phí nghiên cứu phát triển thuốc sinh học thấp hơn so với thuốc hóa học và chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho đăng ký, sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học tại nhiều quốc gia”, ông Hồng nhận định.
Thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và các địa phương đã có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Nói về khó khăn trong quá trình phát triển các sản phẩm thuốc BVTV sinh học, đại diện Tập đoàn An Nông cho rằng, do bà con chưa ứng dụng thuốc sinh học nhiều. Do vậy chưa phát triển nhân rộng mô hình sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV sinh học. Ngoài ra, một số địa phương đã không còn trạm trồng trọt BVTV, trạm khuyến nông nên bà con thì khó gặp gỡ, tiếp cận cán bộ ngành chức năng cấp tỉnh khi muốn tìm hiểu một loại thuốc mới, dịch bệnh… thả nổi việc này cho thị trường, cho đại lý phân phối. Nếu đại lý có tâm sẽ tư vấn đúng, còn nếu họ chỉ quan tâm lợi nhuận sẽ tư vấn thuốc không phù hợp.
“Thời gian tới, bên cạnh sự chủ động củng cố lại thuốc sinh học thật tốt cho thị trường, Tập đoàn An Nông cần có sự đồng hành tạo điều kiện của chính quyền, ngành chức năng địa phương nhiều hơn” đại diện doanh nghiệp này mong muốn.
Còn theo đại diện Công ty TNHH Thương mại Tân Thành thì chi phí đầu tư cao, thuốc tác động chậm hơn so với thuốc hóa học. Hiện tại còn 1 lượng lớn nông dân vẫn có thói quen sử dụng thuốc hóa học do đặc tính tác động nhanh nên sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển các mô hình canh tác theo hướng sinh học.
Trong khi đó, hàng loạt sản phẩm giả nhái trên thị trường ra đời nhằm mục đích trục lợi. Đa phần các sản phẩm nhái giả này đều là những dạng phân bón lá không rõ nguồn gốc, gây ra tác hại nghiêm trọng cho đồng ruộng, ảnh hưởng nặng nề đến năng suất cũng như chất lượng và đặc biệt là khiến bà con nông dân vô cùng hoang mang.
Về thực trạng trên, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và các địa phương đã có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Tăng cường hợp tác thúc đẩy triển khai khung pháp lý về sử dụng và quản lý các giải pháp BVTV bền vững, đẩy nhanh tiến trình ứng dụng đổi mới khoa học trong nông nghiệp cũng như phát triển các dịch vụ BVTV là điều cần thiết.
Để cụ thể hóa các chủ chương, chính sách của Bộ NN&PTNT thôn tại đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cục ưu tiên thực hiện đăng ký các loại thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, ít độc, có hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến con người, vật nuôi và môi trường. Đồng thời rà soát, loại bỏ các thuốc BVTV độc hại.
Theo đó, Cục đã tham gia ký kết với các doanh nghiệp thuốc BVTV, ưu tiên cấp giấy phép khảo nghiệm cho 28 loại thuốc BVTV sinh học với 66 sinh vật gây hại (tăng 1,27 lần so với năm 2022).
“Việc đẩy mạnh sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học sẽ góp phần phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững; nâng cao tiềm lực nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ hiện đại trong sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học”, ông Đạt nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi