Tin tức - Sự kiện

Bảo đảm lịch xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024

DNVN - Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung, sản lượng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong vụ Đông Xuân 2022-2023, vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2023 ước đạt gần 24 triệu tấn. Tuy nhiên, do thời tiết thất thường, ảnh hưởng El Nino, các địa phương cần bảo đảm lịch thời vụ lúa Đông Xuân 2023 -2024.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vượt mốc 29 tỷ USD trong 7 tháng / Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó các dự án cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 14/9, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, Thu đông và vụ Mùa năm 2023, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân năm 2023 – 2024 vùng ĐBSCL.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, ĐBSCL là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa, có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo đảm ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu, chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu và 45% sản lượng trái cây cả nước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện thắng lợi vụ Đông Xuân 2023-2024

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện thắng lợi vụ lúa Đông Xuân 2023-2024.

Đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu gạo đã đạt 5,85 triệu tấn, với giá trị 3,17 tỷ USD, tăng 22% về sản lượng và 36,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo bình quân đạt 542 USD/tấn (tăng 11,5%). Xuất khẩu rau quả ước đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Kết quả trên là một thắng lợi của ngành nông nghiệp, “trúng mùa, được giá” làm bà con nông dân phấn khởi, người trồng lúa và doanh nghiệp (DN) cùng có lãi. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, sản xuất trồng trọt vùng ĐBSCL còn tồn tại những hạn chế, thách thức như tình trạng sử dụng giống chất lượng cao còn thấp, tỷ lệ gieo sạ lúa còn cao, công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn hạn chế, việc liên kết chuỗi giá trị chưa chặt chẽ…

Để sản xuất tốt vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu, các địa phương tập trung gieo trồng 1,5 triệu ha lúa, sản lượng ước đạt 11 triệu tấn theo kế hoạch của bộ. Đẩy mạnh sản xuất rải vụ các loại cây ăn quả như thanh long, sầu riêng, xoài, nhãn… nhưng phải bảo đảm nguồn nước trong mùa khô; bảo đảm liên kết theo chuỗi; sản xuất gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2023 -2024 phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết, phòng tránh hạn hán xâm nhập mặn, bảo đảm diện tích, năng suất, chất lượng; thường xuyên cập nhật thời tiết, khí hậu, thủy văn, dự báo tình hình sâu bệnh gây hại; tập trung chỉ đạo xuống giống sớm, đặc biệt là các tỉnh ven biển.

 

Thu hoạch lúa trên cánh mẫu lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thu hoạch lúa trên cánh mẫu lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo, để né hạn mặn, ngoài việc bố trí lịch thời vụ hợp lý, bà con nông dân có thể sử dụng các giống lúa ngắn ngày hơn, thay vì sử dụng giống 110 ngày thì chúng ta sử dụng giống 95 ngày hoặc 100 ngày. Chỉ 5 đến 10 ngày thôi nhưng rất quan trọng đối với lúa ở giai đoạn chín, bởi nó quyết định đến việc có bị giảm năng suất hay không.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo bà con sản xuất lúa ở vùng ven biển, đối với giống lúa 100 ngày thì phải có ít nhất đủ 80 ngày có nước ngọt, nếu không đủ có thể chuyển đổi sang cây trồng khác có thời gian sinh trưởng ngắn hơn cây lúa, còn nếu không chuyển đổi được nữa thì bỏ trống đất để tránh thiệt hại.

 

Với sông Cổ Chiên, xâm nhập mặn năm nay có thể lấn sâu tới Vĩnh Long, thậm chí có thể lên đến Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Vì vậy ngay từ bây giờ, các địa phương cần có kế hoạch dự trữ nước, các nhà vườn nhân giống cần di chuyển cây đến các vùng nước ngọt tránh thiệt hại. Riêng với các vườn rau cải, vùng trồng hoa phục vụ Tết, cần thường xuyên theo dõi bản tin thời tiết nông vụ của 13 tỉnh, thành trong vùng để chủ động ứng phó.

“Năm nay, Bộ NN&PTNT khuyến cáo, để chống xâm nhập mặn thì ngay cả với vùng nước ngọt không bị xâm nhập mặn cũng phải xuống giống sớm, lý do theo dự báo, giá lúa giữ giá cao cho đến khi Ấn Độ tháo gỡ quyết định cấm xuất khẩu gạo, và giá lúa còn cao khi nhu cầu nhập của các thị trường như Philippines và Malaysia còn nhiều. Chúng ta nên xuống giống sớm để có lúa bán sớm, bán sớm được giá cao thì người dân và doanh nghiệp đều có lời”, ông Tùng nhấn mạnh.

Để triển khai hiệu quả vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết, hiện nay địa phương đang thu hoạch lúa, năng suất đạt gần 6 tấn/ha, với giá lúa hiện tại, bà con rất phấn khởi, thành phố cũng đang chỉ đạo đẩy mạnh liên kết với DN trong tiêu thụ lúa gạo, hỗ trợ DN có đủ nguồn gạo cho các hợp đồng xuất khẩu.

“Vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, TP Cần Thơ có khoảng 75.000 ha lúa, chủ yếu là các giống lúa thơm, lúa đặc sản đủ tiêu chuẩn cho các DN xuất khẩu. Là vụ lúa chính trong năm, địa phương đang rất quan tâm, theo dõi sát các bản tin thời tiết, thủy văn, đặc biệt là những dự báo trung hạn về hiện tượng El Nino để bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, bảo đảm một vụ mùa thắng lợi, đạt năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ nêu quyết tâm.

Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm