Bí thư tỉnh học trồng chanh leo, cả ban thường vụ lo bán nhãn
Khó tiếp cận vốn vay mua nhà giá rẻ / Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự Ngày hội Đại đoàn kết tại Bình Dương
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp diễn ra ngày 9/11.
Bí thư tỉnh dự tập huấn lớp trồng chanh leo
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Bộ NN-PTNT cho biết, xuất khẩu nông sản Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, xuất khẩu đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năng lực cạnh tranh và vị thế của nông nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Kim ngạch xuất khẩu tăng 51,2% so với bình quân giai đoạn 5 năm trước. Năm 2018, dự kiến sẽ đạt khoảng 40 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Tỷ trọng các mặt hàng chế biến, chất lượng và giá trị gia tăng ngày càng cao. Như mặt hàng gạo, đến nay 80% gạo xuất khẩu là gạo chất lượng cao, vì vậy giá gạo Việt Nam xuất khẩu đã ngang bằng (có thời điểm vượt) giá gạo xuất khẩu cùng loại của Thái Lan.
Các sản phẩm nông sản ngoài thị trường truyền thống, dễ tính còn mở rộng xuất khẩu sang được thị trường khó tính. Đơn cử như thị trường Mỹ (vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa), Australia (vải thiều, xoài, xúc tiến tiếp thị quả có múi), Nhật Bản (thanh long, thịt gà),...
Nông nghiệp Việt sau 5 năm tái cơ cấu đã đạt được những kết quả tích cực. |
Đáng chú ý, những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hợp tác, liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Cả nước đã hình thành 1.029 mô hình chuỗi với 1.407 sản phẩm và 3.162 địa điểm bán sản phẩm thực hiện tiêu chuẩn sản xuất tốt, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, thừa nhận, trong 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp, nhận thức của người nông dân đang dần thay đổi, từ bỏ thói quen sản xuất manh mún nhỏ lẻ, từ bỏ làm ông chủ của những cái ao, những mảnh ruộng nhỏ để làm công nhân trong chuỗi liên kết. Nhờ đó, ở Quảng Trị giờ có các chuỗi liên kết sản xuất gạo hữu cơ Quảng Trị, chuỗi cà phê Arabica Khe Sanh, hồ tiêu Quảng Trị và rất nhiều cây ăn quả đặc sản.
“Việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với doanh nghiệp đã hình thành nên nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân và góp một phần vào bảo vệ môi trường”, ông Đồng chia sẻ.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La cũng nhận xét, nhận thức của các cấp và nông dân trong tỉnh thay đổi tích cực. Đến nay, nông nghiệp Sơn La thu hút được rất nhiều tập đoàn lớn vào đầu tư sản xuất, liên kết cùng bà con nông dân, giúp người nông dân có cuộc sống ổn định hơn.
Với kết quả này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, Sơn La là tỉnh có chuyển biến rất rõ trong 5 năm tái cơ cấu, xác định được lợi thế sản xuất. Chưa có tỉnh nào dám quyết nhanh, toàn bộ diện tích cây ngô, cây lương thực kém hiệu quả chuyển sang cây rừng, cây ăn quả trong thời gian rất ngắn như vậy.
“Cung cách tập trung chỉ đạo quyết liệt, ông Bí thư tỉnh uỷ đi dự tập huấn lớp trồng chanh leo để về chỉ đạo cho sát. Tỉnh này luôn coi doanh nghiệp là hạt nhân tích cực, có 436 HTX rất điển hình, đáng biểu dương. Vừa rồi vụ nhãn, cả thường vụ, cả ban chấp hành cùng bàn bạc vào cuộc. Nông nghiệp là phải cùng làm như vậy, chứ đừng chỉ coi mỗi là của mình nông dân”, ông Cường nói.
Theo Bộ trưởng Cường, bài học lớn rút ra trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các thành tố trong xã hội, từ TƯ đến địa phương, từ người nông dân đến doanh nghiệp, tổ hợp tác,... Chỉ khi cả xã hội chủ động tích cực tham gia thì những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra mới trở thành hiện thực một cách có hiệu quả.
Xây dựng nền nông nghiệp thông minh hiện đại
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát hiểu tại hội nghị tái cơ cấu nông nghiệp. |
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định những kết quả quan trọng trong 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp. Song, ông cho rằng, quá trình phát triển nông nghiệp vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, những yếu kém nội tại chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.
Chất lượng tái cơ cấu ở một số nơi còn thấp. Sản xuất chưa gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Ở nhiều địa phương, sản xuất nông nghiệp còn mang tính phong trào, thiếu quy hoạch, kế hoạch, chưa gắn với thị trường dẫn đến dư thừa sản phẩm, khó tiêu thụ. Quy mô của nhiều sản phẩm còn nhỏ, năng suất, chất lượng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường nên giá trị gia tăng thấp, giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, về tầm nhìn phát triển nông nghiệp giai đoạn tới, cần xác định mục tiêu chung là “xây dựng dựng nền nông nghiệp thông minh hiện đại, cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng”.
“Phải coi doanh nghiệp là động lực chính cho phát triển nông nghiệp. Chỉ có doanh nghiệp mới đảm đương được các nhiệm vụ cung cấp đầu vào cho sản xuất (vốn, giống, nhân lực, công nghệ,... ); tổ chức sản xuất; đầu tư ứng dụng KHCN; tổ chức tiêu thụ sản phẩm”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải gắn thu hút doanh nghiệp cho đầu tư phát triển nông nghiệp với hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cùng với đó, cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của các nhà khoa học, đặc biệt là ứng dụng nhanh các thành tựu của KHCN tiên tiến cho phát triển sản xuất nông nghiệp; tăng cường quản lý chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp,...
“Nông dân phải được ăn, sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Không vì lợi nhuận trước mắt mà đưa ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người dân”, Phó Thủ tướng yêu cầu và đề nghị phải lấy thị trường khu vực và quốc tế là nhân tố quyết định cạnh tranh thành công của nông sản Việt Nam, đồng thời, phải coi trọng thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân.
Chính phủ, các bộ, ngành sẽ sẽ tập trung tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nông nghiệp; xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi để hỗ trợ phát triển nông nghiệp; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; cải cách hành chính,... Cùng với đó, các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sản xuất, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo