Cách gì để người nhiễm HIV không ngại khám chữa bệnh bằng BHYT?
Nữ sinh mất tích sau khi đi sinh nhật bạn được tìm thấy trong tình trạng hoảng loạn / Đài Loan tìm thấy 3 du khách Việt Nam trong đoàn 152 người “mất tích”
Hết năm 2018, nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế cho thuốc ARV điều trị bệnh HIV tại Việt Nam sẽ kết thúc, khi đó các dịch vụ miễn phí sẽ không còn. Và từ ngày 1/1/2019, quỹ BHYT sẽ giúp thanh toán đầy đủ các dịch vụ điều trị HIV/AIDS.
Vì vậy BHYT là lựa chọn cho người nhiễm HIV được tiếp cận sớm với các dịch vụ điều trị và chăm sóc.
Người nhiễm HIV còn ngại khám chữa bệnh bằng BHYT. |
Tính đến nay, cả nước đã có gần 90% người nhiễm HIV đều đã có thẻ BHYT, tuy nhiên tần suất sử dụng vẫn còn thấp do vẫn tồn tại một số rào cản. Làm thế nào để xóa những rào cản này cho người nhiễm HIV khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế bằng thẻ BHYT?
“Nói thật là lúc trước em cũng có đến các cơ sở y tế, nhưng ở đây thân thiện và bảo mật hơn, kín đáo hơn. Khi đến các cơ sở y tế nhà nước, em rất sợ bị gặp những khách hàng hay người quen”.
Đây là tâm sự không chỉ của anh Nguyễn Đình Lam, một người nhiễm “H” đang được điều trị bằng ARV tại trung tâm hỗ trợ cộng đồng, mà cũng là thực trạng chung của rất nhiều người bị nhiễm HIV. Họ ngại sử dụng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh vì sợ bị tiết lộ thông tin, ảnh hưởng đời sống và công việc.
Hiện nay, phần lớn người nhiễm HIV điều kiện kinh tế còn hạn chế, công việc không ổn định, nếu bị cắt nguồn dự phòng miễn phí và bắt buộc phải tham gia BHYT thì nguy cơ sẽ có nhiều người bỏ thuốc, dẫn đến tình trạng kháng thuốc, và hậu quả trong điều trị sẽ vô cùng khó khăn. Bởi vì để điều trị bệnh HIV, người bệnh phải uống thuốc ARV cả đời, chi phí điều trị rất tốn kém.
Anh Nguyễn Văn Xuân, ngụ TP HCM, một bệnh nhân nhiễm HIV đang tích cực điều trị tại Khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Y tế Quận 11 TP HCM cho rằng, thẻ BHYT sẽ là phao cứu cánh cho người bệnh HIV/AIDS: “Có bảo hiểm y tế thì sẽ tốt hơn. Có bảo hiểm sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Nhất là tiền thuốc. Hiện tại, chi phí thuốc được miễn phí. Thứ 2 là chi phí xét nghiệm, một năm xét nghiệm 2 lần cũng tốn hơn 1 triệu”.
Tại Khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Y tế Quận 11 hiện đang điều trị ARV cho hơn 2.700 người nhiễm HIV/AIDS. Trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận 70 người nhiễm mới, chủ yếu đến từ các tỉnh thành khác.
Ngoài việc tư vấn, điều trị cho bệnh nhân, lực lượng y, bác sĩ và nhân viên của khoa còn tích cực tuyên truyền để người bệnh hiểu được tầm quan trọng của BHYT trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên hiện mới chỉ có 75% người có thẻ BHYT nhưng 60% số thẻ là còn hạn, còn lại đều mã thẻ đã hết hạn.
Theo Bác sĩ Kim Chi Na - Trưởng khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Y tế Quận 11, nếu sử dụng BHYT, người bệnh vừa được chăm sóc và điều trị bệnh toàn diện, vừa được chi trả viện phí.
Tuy nhiên, vấn đề công khai danh tính hay âm thầm điều trị với gánh nặng chi phí quá sức vẫn đang là băn khoăn của hàng chục ngàn bệnh nhân nhiễm HIV. Vì vậy, việc tạo niềm tin cho bệnh nhân HIV rất quan trọng, giúp họ vượt qua mặc cảm sợ cộng đồng kỳ thị mà bỏ dở quá trình chữa bệnh.
“Đa số bệnh nhân của khoa là người ở các tỉnh, nên phải tư vấn rất nhiều với bệnh nhân, để bệnh nhân được an tâm, đảm bảo những thông tin của bệnh nhân được bảo mật. Có những cái phải thực hiện theo Luật BHYT thì phải thực hiện thôi”, bác sĩ Chi Na nói.
Tại TP HCM, tính đến nay, mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS đã có trên 75% số người nhiễm biết tình trạng nhiễm của bản thân và được chẩn đoán HIV được duy trì điều trị ARV liên tục. Hiện thành phố có trên 31.000 bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị tại 31 cơ sở. Những bệnh nhân có hộ khẩu ở TP.HCM và bệnh nhân có thời gian tạm trú trong 6 tháng sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí và hỗ trợ chi phí đồng chi trả thuốc kháng HIV.
Theo các giáo viên đồng đẳng, do chưa nắm bắt được thông tin nên người nhiễm bị ảnh hưởng tâm lý bị kỳ thị và tự ám thị vẫn còn rất sâu trong cộng đồng và bản thân, vì vậy mà không dám sử dụng BHYT để đi khám chữa bệnh. Anh Nguyễn Minh Hiếu - giáo viên đồng đẳng tại Quận 11, TP HCM cho rằng: “Nên có cơ chế nào thoáng để mọi người đều được tham gia BHYT. Ví dụ ở nơi nào điều trị ARV thì ở đó bán BHYT cho họ luôn. Ví dụ họ mua rồi họ khám và lấy thuốc luôn. Những chỗ mà chuyển viện thì cũng đừng có ghi những thông tin gì”.
Theo đại diện của Cục phòng chống HIV/AIDS, đến nay tỉ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT đã đạt 89% và đang phấn đấu đạt 100% người có thẻ BHYT và sử dụng khi khám chữa bệnh. Người nhiễm HIV được chi trả trọn gói về chăm sóc, điều trị và xét nghiệm HIV. Đây là 1 trong những ưu tiên của nhà nước đối với nhóm yếu thế trong xã hội.
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ ưu tiên cho những người nhiễm HIV mua và sử dụng thẻ BHYT: “Đối với người không có giấy tờ tùy thân sẽ được cấp thẻ có in ảnh và những người đi làm ăn xa, di chuyển nhiều thì đã có cơ chế thông tuyến BHYT. Như vậy họ có thẻ BHYT ở quận huyện này thì có có thể đi các quận huyện khác tương tự trên toàn quốc và được hưởng chế độ mà không cần chuyển tuyến”.
Từ 1/1/2019, việc áp dụng thẻ BHYT cho người nhiễm sử dụng ARV sẽ triển khai đồng loạt tại TP HCM cũng như trên phạm vi toàn quốc. Và BHYT được xác định là xương sống của chương trình điều trị HIV/AIDS, vì thế các ngành chức năng cần tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS, thay đổi nhận thức của người bệnh về BHYT, cũng như tạo môi trường thân thiện thông qua thay đổi thái độ, kỹ năng tư vấn, truyền thông của nhân viên y tế với người bệnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo