Cán mốc gần 1 tỷ USD, Đồng Tháp đóng góp gần một nửa vào kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước
Bắt Giám đốc CDC Đồng Tháp Trần Văn Hai / Đồng Tháp: Khởi công và khánh thành 2 dự án giao thông với tổng vốn gần 3.400 tỷ
Tối 16/12, tại "Thủ phủ cá tra" Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, lễ hội cá tra với chủ đề "Vươn ra biển lớn" chính thức khai mạc nhằm cổ vũ, động viên, ghi nhận nghề đánh bắt, nuôi cá tra truyền thống và sự đóng góp tích cực của ngành hàng cá tra trong nền kinh tế của địa phương, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước.
Nhiều cá nhân, doanh nghiệp được tôn vinh trong buổi lễ.
Nói về cá tra trong buổi khai mạc, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, sông Mê-kông mang đến cho ĐBSCL nhiều nguồn lợi, trong đó, có nguồn lợi từ thuỷ sản, đặc biệt là con cá tra. Cá tra đã trở thành nguồn thực phẩm không thể thiếu tự bao đời nay đối với người dân ĐBSCL nói chung và người dân Đồng Tháp nói riêng.
Theo ông Nghĩa, cá tra được nuôi từ khá lâu, nhưng suốt thời gian dài, cá tra chỉ là một loại thực phẩm bán tại các chợ quê. Cuối năm 1990, khi thị trường mở cửa, doanh nghiệp chú ý và giới thiệu với đối tác nước ngoài, từ đó cá tra đã từ ao làng vươn ra thị trường thế giới.
Đến nay, sản phẩm cá tra đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về giá trị trên 2 tỷ USD hàng năm. Đặc biệt, có sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022, với kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước ước đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với năm 2021. Trong đó, Đồng Tháp đã đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra gần 1 tỷ USD.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ về hành trình cá tra vươn ra thế giới.
Ông Nghĩa cho biết thêm, trước đây, cá tra giống được đánh bắt trong tự nhiên và sau này được ươm nhân tạo thành công đã cung cấp nguồn giống dồi dào và phát triển thành loài cá nuôi ao, lồng bè trải rộng khắp ĐBSCL, loài cá này không chỉ mang lại những giá trị kinh tế cho địa phương mà còn góp phần tạo ra chuỗi ngành nghề liên quan, giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người.
"Có thể nói, người dân ĐBSCL luôn mang trong mình những khát khao, ước vọng đổi đời và con cá tra vượt sóng, vượt gió mang đến những ước vọng đó… và đã đến lúc, nghề nuôi, chế biến cá tra phải được nhìn nhận đúng tầm giá trị", ông Nghĩa nói.
Nhấn mạnh vai trò của cá tra tại buổi lễ, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng hiện nay, cá tra được xác định là sản phẩm quốc gia và được đưa vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hướng nâng cao chất lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Thứ trưởng, để ngành hàng cá tra ngày một phát triển hiệu quả, bền vững, ngày 16/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 985/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 và 2030 đạt tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản là 5,6-7 triệu tấn/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8-12 tỷ USD/năm.
"Lễ hội cá Tra lần thứ nhất năm 2022 với chủ đề "Vươn ra biển lớn" là niềm tự hào của con người, quê hương Hồng Ngự, Đồng Tháp nói riêng và bà con nhân dân ĐBSCL nói chung, góp phần tôn vinh những cá nhân, đơn vị, tổ chức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng cá tra, đồng thời sẽ thay đổi nhận thức người dân Việt Nam với hình ảnh mới và giá trị thực tiễn về con cá tra", Thứ trưởng chia sẻ.
Lễ hội diễn ra trong 2 ngày (16 và 17/12), trong khuôn khổ lễ hội sẽ có các hoạt động trải nghiệm không gian cá tra và loài cá nói chung trong văn hóa Việt Nam và thế giới; thưởng thức biểu diễn ẩm thực, quà lưu niệm, các sản phẩm đặc sắc từ cá tra; hội thi ẩm thực từ cá tra; tham quan vùng nuôi và nhà máy chế biến cá tra. Bên cạnh hoạt động đó, lễ hội còn có các diễn đàn, hội thảo như: Hội nghị tổng kết ngành cá tra Việt Nam năm 2022; Hội nghị chuỗi nuôi trồng, tiêu thụ, ký kết hợp tác và Tọa đàm của ngành khuyến nông Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo