Tin tức - Sự kiện

Cần quy định thống nhất về xét nghiệm COVID-19 với lái xe ra - vào TP. Hồ Chí Minh

DNVN - Kiến nghị này vừa được Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh gửi lên Bộ Y tế. Và đây cũng là một trong những thông tin đáng chú ý về tình hình cung ứng, vận chuyển và giá cả hàng hóa tại các điểm "nóng" COVID-19 vừa được Tổng cục Quản lý thị trường cập nhật.

Đồng Tháp: Một phụ nữ bị xử phạt 5 triệu đồng vì đăng tin sai sự thật về phòng chống Covid-19 / Bản tin COVID-19 trưa ngày 10/7: Phát hiện thêm 792 ca mắc mới, riêng TP. Hồ Chí Minh 600 ca


Thị trường ổn định
Liên quan đến tình hình cung ứng và giá cả hàng hóa tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, do người dân mua hàng giảm so với những ngày trước đây, từ chiều ngày 9/7, tình hình cung ứng hàng hoá tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích tương đối đầy đủ. Chỉ còn một vài siêu thị, cửa hàng tiện ích thiếu mặt hàng rau. Đến 9h ngày 10/7, lượng người đến siêu thị mua hàng không tăng so với hôm trước, hàng hoá đầy đủ.

Người dân TP. Hồ Chí Minh mua sắm hàng hóa thiết yếu. (Ảnh: TTXVN)
Trong khi đó, tại chợ truyền thống, các quầy bán thực phẩm tươi sống vẫn hoạt động, nhưng người mua và người bán ít, giá vẫn cao như 2 ngày trước đây. Các mặt hàng thực phẩm chế biến khác nguồn cung đầy đủ, giá ổn định.
Tại tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, sau 1 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, đến nay tình hình thị trường tương đối ổn định, không còn tình trạng người dân đổ xô mua hàng. Hàng hoá được cung ứng đầy đủ, giá một số mặt hàng tăng nhẹ so với những ngày trước khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.
​Cũng theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, các địa phương khác có dịch ở phía Nam đã chủ động về nguồn cung hàng hóa. Thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, cũng như các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch tương đối ổn định, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân.
​Không có tình trạng găm hàng tăng giá
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã yêu cầu công chức trong đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về phòng chống COVID-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế và của Tổng cục QLTT; chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường hàng hóa để kịp thời ứng phó các tình huống xảy ra (nếu có) trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền về phòng, chống COVID-19.
​Đến 9h ngày 10/7, các Cục QLTT chưa phát hiện, xử phạt các hành vi vi phạm nào về đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý.
​Liên quan đến tình hình vận chuyển hàng hóa ra, vào TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, đến ngày 10/7, các xe hàng vận chuyển thực phẩm từ các tỉnh về TP. Hồ Chí Minh được phân luồng ưu tiên nên việc vận chuyển thuận tiện hơn.
Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, để việc vận chuyển hàng đi, đến TP được dễ dàng hơn, Bộ Y tế cần quy định thống nhất đối với lái xe ra, vào TP. Hồ Chí Minh được xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm Real-time PCR và quy định rõ thời hạn giấy xét nghiệm trong bao lâu?
TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai: Từ 0h ngày 9/7/2021 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Tỉnh Bình Dương: Từ 0h ngày 10/7/2021 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg thêm thị xã Bến Cát. Như vậy, đến nay chỉ còn 4 huyện (Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên) thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg.
Tỉnh Đồng Nai: từ 18h ngày 09/7/2021, tạm ngưng hoạt động 3 chợ: Hóa An, Tân Biên và Phước Tân để thực hiện truy vết các trường hợp F1, F2 đang tăng cao.
Tỉnh Đồng Tháp: Huyện Châu Thành từ 0h ngày 12/7/2021 sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm