Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức thông xe từ 30/4
Tiền Giang: Cán bộ xã cấp giấy đi đường cho 2 cụ ông đi khám thai / ĐBSCL: Chỉ còn 8 quận, huyện thuộc TP Cần Thơ và tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang thực hiện Chỉ thị 16
Dự án có chiều dài hơn 51 km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (kết nối cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương) điểm cuối tại nút giao An Thái Trung, được đầu tư bằng hình thức PPP do doanh nghiệp tư nhân đầu tư có sự tham gia vốn đối ứng của Nhà nước.
Sau hơn 3 năm tiếp nhận vai trò Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án, bằng sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, tỉnh Tiền Giang cùng nhà đầu tư và các nhà thầu đã đưa Dự án về đích vào dịp 30/4 tới.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức thông xe từ ngày 30/4 tới.
Thông tin từ Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án sẽ đưa vào lưu thông 2 chiều trên tuyến chính không thu phí (dự kiến trong 60 ngày) từ 7h30 ngày 30/4 tới với tốc độ tối thiểu 60km/giờ và tối đa là 80 km/giờ. Theo đó, các phương tiện được lưu thông trên đường cao tốc trừ: Xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/ giờ; máy kéo, xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ, súc vật; xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa đường cao tốc).
“Đây là thời gian để công ty triển khai các bước thử nghiệm vận hành, kiểm soát tải trọng, đánh giá các khâu kỹ thuật trước khi chính thức đưa vào thu phí hoàn vốn cho dự án”, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại buổi lễ khánh thành.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, việc khánh thành Dự án là có ý nghĩa rất quan trọng. Đây cũng là bước khởi đầu để phấn đấu từ nay đến cuối năm 2022 hoàn thành tiếp 361 km đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, phấn đấu đến 2025 hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Việc khánh thành, đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho Tiền Giang và các tỉnh lân cận trong khu vực; hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội, phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, đổi mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các bộ, ban ngành Trung ương đã tích cực, chủ động, hỗ trợ dự án trong thời gian qua. Đồng thời, biểu dương Tập đoàn Đèo Cả, Ban Quản lý dự án, cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu đã có nhiều cách làm chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn để thực hiện được lời hứa với Chính phủ, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng đúng tiến độ.
Phó Thủ tướng yêu cầu, đối với tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, chủ đầu tư, nhà thầu tập trung đầu tư hoàn thành hệ thống giao thông kết nối, hệ thống đường gom, làn dừng khẩn cấp để phát huy tối đa hiệu quả. Bộ GTVT, chính quyền địa phương, doanh nghiệp dự án xây dựng các quy định, hướng dẫn về quản lý vận hành, khai thác công trình, bảo đảm thông suốt, an toàn hiệu quả. Đồng thời, xây dựng bộ máy quản lý vận hành khai thác chuyên nghiệp, hiệu quả; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong vận hành, khai thác (thu phí không dừng, kiểm soát tải trọng, chỉ dẫn giao thông, cứu hộ, cứu nạn…)
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả giới thiệu thông tin về dự án vớiPhó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công lần đầu vào tháng 11/2009, sau gần 10 năm đình trệ với hai lần thay đổi nhà đầu tư, ba lần thay đổi tổng mức đầu tư, bốn lần lùi thời hạn hoàn thành và đến hết năm 2018 dự án chỉ mới hoàn thành được hơn 10% tiến độ.
Từ thực tế nêu trên, vào tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Sau khoảng 3 năm tiếp nhận điều hành, Tập đoàn Đèo Cả đã đưa dự án cán mốc thông xe kỹ thuật vào 19/1 và khánh thành ngày 27/4.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận có tổng vốn đầu tư phê duyệt điều chỉnh là 12.668 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng, vốn BOT là 10.482 tỷ đồng. Về phần vốn BOT, doanh nghiệp dự án đã góp và huy động vốn cho dự án với tổng số tiền gần 7.258 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là gần 1.543 tỷ đồng; vốn huy động khác 1.856 tỷ đồng và vốn vay là 3.858 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo