Chi phí logistics cao, cách nào kéo giảm?
TS Phạm S: Đà Lạt là “kho báu” khơi nguồn cảm xúc sáng tạo / Nghịch lý nhà ở xã hội: Nơi khao khát, chỗ hững hờ
Tại bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á. Tuy nhiên chi phí logistics trung bình của Việt Nam hiện ở mức 16,8 - 17% giá trị hàng hóa, vẫn ở mức cao. Mức chi phí này phần nhiều bị ảnh hưởng bởi hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cầu cảng.
Ngày 8/6, ngày làm việc thứ 3, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nội dung thuộc lĩnh vực giao thông vận tải rất được quan tâm. Có 110 đại biểu đã đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Bên cạnh những nội dung chất vấn về tiến độ đường cao tốc, vấn đề sai phạm trong đăng kiểm và cấp giấy phép lái xe, chi phí logistics còn chưa phải là lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt cũng rất được quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) cho rằng, Bộ trưởng nói chi phí logistics hiện nay đã giảm, nhưng trong thực tế chi phí này rất cao. Chi phí thực tế hiện nay trung bình là 16,8 - 17% trên giá trị hàng hóa. Vì vậy, theo ông Hiếu, Bộ trưởng cần lưu ý hơn trong việc giảm chi phí logistics.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2022, chi phí logistics là 16,8% GDP, cao hơn so với bình quân chung.
Chi phí logistics trung bình của Việt Nam hiện ở mức 16,8 - 17% giá trị hàng hóa, vẫn ở mức cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan để tiếp tục tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông một cách đồng bộ; đầu tư phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn để đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Thứ hai, tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất các chính sách liên quan đến giá, phí vận tải như: giảm phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển…; phân cấp, phân quyền cho địa phương trong hoạt động đầu tư, khai thác hạ tầng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.
Duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng hàng không theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hội nhập quốc tế sâu rộng; bảo vệ môi trường, tiết kiệm các nguồn tài nguyên. Đến 2050, hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP Hồ Chí Minh.
Như vậy, cho đến thời điểm này, toàn bộ 5 quy hoạch quốc gia ngành giao thông vân tải gồm hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải đã được Chính phủ phê duyệt.
Ứng dụng công nghệ trong xuất nhập khẩu
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến cũng được coi là một trong những giải pháp trọng yếu để giảm chi phí logistics. Trong bối cảnh khó khăn về thị trường như hiện nay, mới đây, nhiều giải pháp đã được các doanh nghiệp logistics trong nước đề xuất để cùng chia sẻ với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Nhà kho được coi là yếu tố quan trọng nhất của các doanh nghiệp logistics. Vì vậy, doanh nghiệp đã đầu tư 500 triệu USD để phát triển mô hình kho thông minh tại Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ như chia chọn hàng hóa, xây dựng hệ thống nhà kho phù hợp với các loại xe vận tải… đã giúp khách hàng tiết kiệm tới hàng chục % khi lưu chuyển và bốc dỡ hàng hóa tại hệ thống kho vận này.
"Tham gia vào chuỗi cung ứng sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy thu hút thêm các nhà đầu tư và giúp các đơn vị tại Việt Nam phát triển tốt hơn, tập trung chuyên môn hóa vào công việc của họ như bán lẻ và thương mại điện tử thay vì phải phân bố, lãng phí vào việc phân bố đất đai và xây dựng", ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc phát triển kinh doanh, Tập đoàn SLP tại Việt Nam, cho biết.
Là đơn vị đang vận hành hệ thống cảng biển lớn nhất cả nước, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động giao nhận hàng hóa từ tàu biển, nhờ đó đã giảm 50% thời gian xe chờ, tiết kiệm chi phí và tăng lượng xe giao nhận hàng. Đồng thời, doanh nghiệp còn ứng dụng giải pháp để các bộ phận liên quan đến vận chuyển có thể cập nhật tiến độ liên quan đến hàng hóa của mình.
"Chúng tôi cung cấp dịch vụ logistics xanh, logistics bền vững, mang lại thuận lợi, mang lại nhiều giá trị cho khách hàng. Xác định là cảng xanh, cảng thông minh, chúng tôi cũng phải đầu tư cho trang thiết bị, triển khai ứng dụng các phần mềm để hướng tới cảng xanh, cảng thông minh", ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, thông tin.
Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm của ngành logistics đạt khoảng 15%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 đạt trên 730 tỷ USD. Mục tiêu của ngành công thương năm nay là xuất nhập khẩu sẽ đạt trên 775 tỷ USD.
Một nghịch lý đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ra trong phiên chất vấn sáng 8/6 đó là đóng góp chi phí logistics trong GDP còn thấp, nhưng chi phí logistics trong giá thành lại cao. Nghịch lý này đã được nhận diện nhiều năm qua. Vấn đề là làm thế nào để thúc đẩy được những giải pháp căn cơ đề ra đúng tiến độ. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng giảm, các doanh nghiệp logistics cũng đã tự vận động, có nhiều giải pháp để nâng cao tính cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu xét về bài toán tổng thể thì cần một sự vào cuộc mạnh mẽ từ cấp quản lý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh