Chính sách tài khóa - Bài 3: Doanh nghiệp gỗ mong sớm được hoàn thuế VAT
"Cô dâu 8 tuổi" đến Việt Nam thưởng thức món bánh xèo / Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân đạt 59% kế hoạch
Từ lần nộp hồ sơ chưa được hoàn thuế đến nay đã hơn 1 năm, bà Phạm Thị Vinh, Giám đốc Công ty 12-11 Hạ Long, Quảng Ninh băn khoăn không biết doanh nghiệp sẽ phải chờ đến bao giờ khi tiến độ xác minh đến tận doanh nghiệp F0 thu mua từ từng chủ rừng.
Lượng tiền hoàn thuế của doanh nghiệp bà Vinh đến nay đã lên khoảng 170 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ đã đóng cửa, do không còn tiền mua hàng. Nếu doanh nghiệp nào không có nợ xấu thì còn vay được ngân hàng, nhưng quan trọng là xuất khẩu cũng khó khăn. Để có vốn duy trì sản xuất, tránh máy móc bị hư hỏng do lâu ngày không hoạt động và giữ một số mối khách hàng thân thiết, bà Vinh đã phải bán một căn nhà.
Đồng tình quan điểm cần quản lý chặt chẽ trong việc hoàn thuế, nhưng ông Thang Văn Thông, đại diện chi Hội Dăm gỗ Việt Nam cho rằng, cách truy xuất của ngành thuế chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay của doanh nghiệp. Bởi Thông tư 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp chỉ truy xuất đến người phát sinh thuế. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan thuế đang yêu cầu truy xuất đến người trồng rừng. Bên cạnh đó, việc xác định nguồn gốc gỗ có thêm lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm lâm.... Với cách làm này, thời gian xác minh sẽ rất dài.
Trong khi đó, theo Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản thì gỗ có nguồn gốc từ cây phân tán, vườn, rừng trồng trong nước đã đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp. Người dân tự quyết định việc khai thác, tự lập bảng kê lâm sản, tự do lưu thông và không phải xác nhận về nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, số tiền thuế VAT doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả là trên 6.000 tỷ đồng. Tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp dăm gỗ, viên nén, ván dán…
Trong khi đây là những sản phẩm được tạo ra từ việc tận dụng, tạo giá trị gia tăng từ phụ phẩm ngành chế biến gỗ, sản phẩm rừng trồng không đạt tiêu chuẩn trong sản xuất đồ gỗ nên được thu mua từ rất nhiều nơi. Việc truy xuất nguồn gốc rất phức tạp khi cả nước có trên 1 triệu hộ nông dân trồng rừng. Sản phẩm bị truy xuất được thu mua có thể cách đây vài năm, người mua - người bán thường không nhớ rõ. Bên cạnh đó, sản phẩm lại ở những vùng địa bàn khó khăn nên qua rất nhiều khâu trung gian.
Trong khi nửa đầu năm nay, xuất khẩu dăm gỗ đã giảm gần 19% về lượng (đạt 6,17 triệu tấn) và hơn 15% về giá trị (đạt hơn 1 tỷ USD). Số doanh nghiệp dăm gỗ tham gia thị trường đã giảm từ 91 doanh nghiệp năm 2021 xuống 77 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xuất khẩu viên nén cũng có xu hướng giảm, với 12,3% về lượng và giảm 8,2% về giá trị. Do tình hình bất lợi của thị trường xuất khẩu, số doanh nghiệp xuất khẩu viên nén cũng giảm từ 109 doanh nghiệp năm 2022 xuống nay còn 88 doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, việc thực hiện những quy định trên bởi Tổng cục Thuế đã có 2 văn bản: số 2124/TCT-TTKT về việc giải quyết hoàn thuế gửi cục thuế các tỉnh và thành phố ngày 22/5/2020 và văn bản số 633/TCT-TTKT về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế VAT ngày 7/3/2022.
Theo hiệp hội, văn bản số 633/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế nêu rõ là "kết thúc chậm nhất trong tháng 5/2022". Nhưng các cục thuế vẫn tiếp tục sử dụng các quy định tại công văn này để làm căn cứ khi gửi công văn xác minh nguồn gốc.
Trước những khó khăn, phức tạp trong việc hoàn thuế, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp kiến nghị bỏ việc xác minh nguồn gốc gỗ tới người trồng rừng vì theo Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính, người trồng rừng không phát sinh thuế VAT.
Việc xác định đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế VAT tới tận người trồng rừng/người nhập khẩu sẽ mất rất nhiều thời gian, cần rất nhiều nguồn lực và không khả thi dẫn đến vi phạm về thời hạn hoàn thuế. Đồng thời việc xác minh tính chính xác của nhà nhập khẩu nước ngoài cũng gây e ngại cho khách hàng nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam và ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp trong nước, ông Đỗ Xuân Lập cho hay.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị, đối với doanh nghiệp xuất khẩu có hợp đồng với doanh nghiệp thương mại thì cho phép hoàn thuế VAT vì đây là giao dịch kinh tế hợp pháp, đáp ứng đủ các điều kiện hoàn thuế. Nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì đề nghị thanh/kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan Thuế chỉ tập trung kiểm soát chặt các nhà cung cấp, doanh nghiệp có xuất hóa đơn thông qua hệ thống hóa đơn điện tử. Doanh nghiệp bị phát hiện gian lận hoàn thuế VAT phải bị xử lý nghiêm để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu sản phẩm gỗ tuân thủ pháp luật.
Bài cuối: Rút ngắn khoảng cách tới doanh nghiệp
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi