Y tế

Đồng Tháp: Bàn chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực y tế

DNVN - Tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều chính sách thu hút, ưu đãi trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, vẫn còn ít doanh nghiệp nước ngoài thực hiện đầu tư vào địa phương này.

Cán mốc gần 1 tỷ USD, Đồng Tháp đóng góp gần một nửa vào kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước / Đồng Tháp thả hơn 3 tấn cá tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Ngày 27/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu có báo cáo gửi Bộ Y tế, tổng kết 35 năm thu hút và quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Theo báo cáo, nhu cầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn với phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực y tế, nhằm tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đến người dân.

Tuy nhiên trong thời gian qua, tuy có nhiều chính sách thu hút, ưu đãi, nhưng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vẫn còn ít doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.

Đồng Tháp xác định thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực y tế trở thành mục tiêu quan trọng.

Cụ thể, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 23/2015/NQHĐND ngày 10/12/2015 của HĐND tỉnh quy định về một số chính sách khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh (sửa đổi, bổ sung Điều 1 tại Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND).

Bên cạnh đó, địa phương cũng ban hành, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định trong lĩnh vực y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư của nước ngoài, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân phải chịu sự kiểm tra, thanh tra theo định kỳ đột xuất của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở.

Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư nước ngoài. Đối với y tế tư nhân trên địa bàn, trong thời gian qua, công tác khám chữa tại các cơ sở khám, chữa bệnh, chủ yếu bệnh viện tư nhân. Tỉnh luôn có chính sách thu hút đầu tư, kết quả có 5 bệnh viện tư nhân, trong đó có 1 bệnh viện chuyên khoa mắt…

Các bệnh viện thực hiện công tác khám chữa bệnh theo quy định pháp luật hiện hành, chịu sự quản lý nhà nước về y tế, kiểm tra thanh tra của Bộ Y tế, Sở Y tế. Về công tác quản lý hành nghề đối với cơ sở tư nhân, thời gian qua, các cơ sở này do Bộ Y tế quản lý cấp, cấp lại giấy phép hoạt động theo quy định của luật khám, chữa bệnh. Do đó, mỗi khi cần điều chỉnh phải gửi hồ sơ về bảo hiểm y tế để xem xét.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bắt đầu từ năm 2024 các quy định này giao về địa phương để thực hiện sẽ thuận tiện hơn cho các đơn vị, từ góp phần thu hút các nhà đầu tư mở rộng hoặc phát triển thêm các cơ sở khám, chữa bệnh phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn.

“Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thực sự là một trong những nguồn đầu tư góp phần rất lớn vào tăng trưởng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đóng góp nguồn vốn quan trọng của toàn xã hội góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vì vậy, trong những năm tới, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách, cải thiện môi trường để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cần phải xem vốn đầu tư nước ngoài như là mục tiêu quan trọng để có chính sách thu hút tốt nhất, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất.

Thái Cường
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm