Chủ tịch nước: "Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo"
Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư 5 Dự án hạ tầng giao thông quan trọng / Thủ tướng: Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Vui với kết quả bước đầu, song đừng chủ quan, thỏa mãn
Đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ, phát biểu thảo luận tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp nhưng với sự lãnh đạo Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, Chính phủ, chúng ta đã đạt kết quả quan trọng bước đầu.
Các chỉ số nền kinh tế 5 tháng của năm 2022 là đáng mừng, dấu hiệu tăng trưởng thu ngân sách, xuất nhập khẩu, nông nghiệp... Khẩu hiệu luôn được quán triệt là giữ vững kinh tế vĩ mô và là điểm nổi trội trong điều hành. Chiến lược tiêm vaccine của Việt Nam thuộc nhóm đầu, thực hiện quyết liệt, được thế giới ghi nhận.
“Thành công tại SEA Games 31 rất vang dội, được tổ chức tốt với thành tích cao, ứng xử văn hoá để lại ấn tượng trong lòng bạn bè” – Chủ tịch nước nói.
Lưu ý "đó mới chỉ là kết quả bước đầu" nên không được chủ quan, thoả mãn, Chủ tịch nước chỉ rõ khó khăn của người dân và doanh nghiệp là không thể bàn cãi do tác động của đại dịch trong thời gian dài, tiêu hao gần hết tiết kiệm của người dân, tích luỹ của doanh nghiệp cũng như các quỹ của Nhà nước.
Trước mắt là dấu hiệu lạm phát khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao; giá cả năng lượng toàn cầu chu kỳ này tiếp tục thâm nhập sâu vào nền kinh tế chúng ta. Các yếu tố đầu vào cũng tăng, kéo theo nền kinh tế vào khó khăn chung.
Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng thì thời gian gần đây bốc hơi hàng tỷ USD. Do đó cần biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này để dòng vốn đến với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và quyết định đến tăng trưởng.
Lưu ý gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn nữa, đi vào cuộc sống để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn tiêu đề một bài báo rằng “Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo”.
Bên cạnh đó là các vấn đề xã hội cũng cần đặc biệt quan tâm, nhất là về giáo dục, tình trạng xâm hại, bạo hành, đuối nước, bạo lực học đường với trẻ em. Cuối cùng vẫn là vấn đề con người nên cần chính sách phát triển nguồn nhân lực.
“Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến 2025, 2030 và 2045 đòi hỏi phải tăng trưởng cao liên tục. Ta mất hai năm tăng trưởng thấp do nguyên nhân khách quan, nên cần phải có sự lo lắng, có biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt nếu không rất khó đạt mục tiêu như Nghị quyết đã nêu” – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.
Quốc hội cần lên tiếng để kiểm soát ngay giá xăng dầu
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh, trong thời điểm hết sức khó khăn mà lo được vaccine cho gần 100 triệu dân là thành tựu rất đáng ca ngợi.
Sự chỉ đạo, điều hành phù hợp đã giúp nền kinh tế từ tăng trưởng âm đã tăng trưởng dương và 5 tháng đầu năm 2022 ở TPHCM cho thấy phục hồi rất rõ nét, trên tất cả các lĩnh vực. Chỉ số CPI vẫn được kiểm soát dưới 4% trong liên tiếp 7 năm là thành quả rất lớn, góp phần ổn định kinh tế vi mô. Thu ngân sách tăng 16,8% đã kéo giảm bội chi ngân sách nên nợ công cũng thấp hơn so với đầu năm.
Tuy vậy, vị chuyên gia kinh tế này cũng cảnh báo, với độ mở kinh tế lớn (180% so với GDP và là 1 trong 5 quốc gia có độmở lớn), Việt Nam gặp nhiều thách thức trong bối cảnh không thuận lợi như hiện nay, nhất là cuộc xung độtNga – Ukraine khiến giá dầu tăng cao, chính sách zero Covid của Trung Quốc dẫn đến khó khăn nguồn nguyên vật liệu... Việt Nam xuất siêu nhưng phần lớn từ khu vực FDI nên “vốn nước ngoài có vấn đề và hiện đang có vấn đề thì thách thức với chúng ta thời gian tới”.
Phân tích sâu về nhiều đợt lạm phát mà nước ta phải đối mặt, buộc phải “dùng thuốc liều cao” là thắt chặt chính sách tài khoá, chặt chẽ chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, ông Trần Hoàng Ngân lưu ý với dấu hiệu hiện nay như giá xăng dầu tăng liên tục thì thiết nghĩ Chính phủ, Quốc hội cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát ngay giá xăng xầu.
Theo đại biểu, chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng ta có công cụ kiểm soát, kìm hãm độ tăng giá xăng dầu như tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, rồi thuế tiêu thụ đặc biệt không có lý do gì "đánh" trong thời điểm hiện nay khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu.
“Việc này Quốc hội phải có ý kiến và kỳ họp này nếu được thì Quốc hội nên đưa vấn đề vào xem xét, có thể dành một buổi tối trong tuần để bàn. Không kiểm soát giá xăng dầu thì sẽ domino tăng giá đến các mặt hàng khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân trong khi sau hơn 2 năm dịch bệnh lấy đi hết tiết kiệm của họvà hiện người dân rất khó khăn” – ông Trần Hoàng Ngân nói.
Với thị trường tài chính, hiện các kênh dẫn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Dẫn số liệu chứng minh độ sâu tài chính của Việt Nam lớn (khoảng 250% GDP), trong đó có vốn hoá ở thị trường chứng khoán, đại biểu đề nghị cần “uốn nắn” để minh bạch, công khai, pháp lý rõ ràng giúp nhà đầu tư thấy yên tâm. Cùng với đó có cơ quan giám sát và xử lý sai phạm đến nơi đến chốn để đảm bảo minh bạch.
Đại biểu Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh, kết quả phục hồi kinh tế là tổng hợp của những nỗ ực không biết mệt mỏi trong thời gian qua. Riêng TP.HCM đã kiểm soát dịch tốt, phục hồi mạnh mẽ và khá đồng bộ.
Dẫn số liệu sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, 4 tháng liên tục tăng, sau thời gian dài âm, thương mại dịch vụ dương 0,6%, lưu trú tăng 2,2% hay lữ hành 8%, ông Phan Văn Mãi nói: “Con số nhìn đơn giản thế nhưng cả một nỗ lực, thể hiện niềm tin, dư địa và giải pháp, chính sách đúng hướng, nên cần tập trung hơn nữa. Nếu ta không mở cửa, điều chỉnh biện pháp chống dịch thì điều gì đã xảy ra? Cần phân tích để có bài học kinh nghiệm”.
Bên cạnh những dấu hiệu tích cực, ông Phan Văn Mãi cho rằng, có những tồn tại cần nhận dạng để có giải pháp. Như khu vực bất động sản vẫn âm do nhiều yếu tố. “Có hay không đập chuột mà không bể bình hay bể bình rồi? Làm sao siết tín dụng vào bất động sản cho đúng, tránh ảnh hưởng dự án cần triển khai bởi khi dòng vốn vào thì tạo công ăn việc làm, tác động lớn đến kinh tế - xã hội”, do đó cần giải pháp cả trước mắt va lâu dài, căn cơ.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, các doanh nghiệp đang chịu sự tác đổng rất lớn về thủ tục hành chính, nguồn cung lao động, giá các nguồn đầu vào tăng. Điều này đòi hỏi phải tập trung tháo gỡ, hỗ trợ và triển khai chương trình phục hồi đồng bộ và nhanh hơn, để sự hỗ tợ thực sự đến doanh nghiệp, đi vào cuộc sống.
Nêu “tâm tư tha thiết của cử tri TP.HCM về lĩnh vực y tế”, ông Phan Văn Mãi cho rằng, sau chống dịch, lực lượng ngành y tế được ghi nhận, tôn vinh như người hùng, song giờ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc mua sắm thuốc men, trang thiết bị vật tư y tế thì trên truyền thông, xã hội có xu hướng nhìn bất kỳ mua sắm nào của ngành y tế cũng có chủ ý sai phạm, ảnh hưởng uy tín của ngành.
“Từ người hùng giờ như người sẵn sàng vi phạm vì lợi ích. Phải lãnh đạo, định hướng để phát hiện, xử lý vụ việc sai phạm nhưng phải bảo vệ uy tín của ngành, đừng để các cơ sở y tế sợ không dám mua, thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc thì chăm sóc sức khoẻ người dân không dảm bảo” – ông Phan VănMãi bày tỏ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo