Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù để triển khai gói hỗ trợ gần 350.000 tỉ đồng
Cái giá phải trả sau những hành vi côn đồ / Quốc hội thông qua nghị quyết hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Gói hỗ trợ gần 350.000 tỉ đồng sẽ giúp chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị rất công phu, trách nhiệm, chất lượng, "từ sớm, từ xa" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan; đã nhất trí rất cao ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023, tập trung cho các lĩnh vực:
(1) Y tế, phòng, chống dịch COVID-19;
(2) An sinh xã hội, lao động và việc làm;
(3) Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh;
(4) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, để triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ nêu trên, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7% và các chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và cho cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về lựa chọn nhà đầu tư, phân cấp, ủy quyền… đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng, có quy mô lớn khác trong lĩnh vực giao thông và y tế thuộc phạm vi chương trình và yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành:
(1) Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua và Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19;
(2) Điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chỉ sử dụng bội chi ngân sách nhà nước để chi đầu tư phát triển theo đúng quy định của pháp luật;
(3) Việc huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phải có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng và trúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu và cấp ủy, chính quyền các cấp.
Đồng thời, Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết này; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả và khả thi; chú trọng thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn ngay từ đầu để không xảy ra sai sót, trục lợi chính sách, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh bố trí nguồn lực lớn trong khoảng thời gian ngắn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và Nhân dân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này; đặc biệt coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của cả hệ thống chính trị.
Liên quan Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tại Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện và ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp kịp thời, khả thi, hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, nhất là các nghị quyết 05 năm, hằng năm về phát triển kinh tế - xã hội cùng với việc khẩn trương tổ chức thực hiện Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự gắn kết tổng thể, thống nhất, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn;
Khẩn trương ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn, kịp thời, phù hợp, có sức lan tỏa lớn, tạo sự đột phá để giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tránh suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn và tạo nền tảng cho sự phát triển cả giai đoạn 2021 - 2025 cũng như các năm tiếp theo; lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm trong từng quyết sách được ban hành;
Triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ các thứ tự ưu tiên, cơ chế đặc thù, phân nhóm nội dung cụ thể, có sự tiếp nối, kế thừa, có sức lan tỏa, dễ thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá; trong đó, tập trung các giải pháp về: hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo