Chủ tịch Quốc hội: Chuẩn bị kỹ cho phiên chất vấn 2 nhóm vấn đề “nóng”, có tính thời sự
Quốc hội thông qua nghị quyết hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội / Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù để triển khai gói hỗ trợ gần 350.000 tỉ đồng
Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tổng thời gian làm việc là 7,5 ngày, tổ chức thành hai đợt (10-16/3, 22-26/3) để cho ý kiến cũng như xem xét thông qua nhiều nội dung rất quan trọng.
Theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 2 dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi). 3 dự án luật được cho ý kiến, gồm: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưangười nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổivào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng sẽ được thảo luận, thông qua tại phiên họp lần này.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động; đồng thời cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc trình xem xét các dự án luật này nhằm kịp thời thể chế hoá, cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng cũng như đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập hiện hành cũng như đáp ứng thực tiễn, nhất là yêu cầu về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Do đó cần thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá toàn diện tác động chính sách, đảm bảo chất lượng và giải trình thuyết phục.
Chính phủ cũng sẽ có tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích kỹ hồ sơ tài liệu để xem xét có đủ điều kiện bổ sung vào chương trình hay không.
Nhấn mạnh thời gian qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động, linh hoạt điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý cần siết chặt kỷ luật kỷ cương, Chính phủ phải khẩn trương, quyết liệt để chủ động thực hiện nghiêm túc, thực chất, hiệu quả hơn công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, nhiệm vụ rà soát, hoàn hiện pháp luật của nhiệm kỳ này là rất lớn nên nếu cần thiết sẽ phải có thêm kỳ họp bất thường để xem xét trên cơ sở cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra phải chủ động hơn.
Liên quan công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại phiên họp này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dành toàn bộ thời gian ngày 16/3để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trước đó, Quốc hội cũng đã tiến hành phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2, các cơ quan của Quốc hội cũng đã và đang tổ chức nhiều phiên giải trình.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện quy trình xin ý kiến, lọc ra 6 nhóm vấn đề và quyết định chọn 2 nhóm vấn đề "nóng", có tính thời sự hiện nay, cũng như ban hành kế hoạch tổ chức phiên chất vấn thông báo tới các cơ quan liên quan sớm triển khai thực hiện” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin thêm, đồng thời cho biết chiều 15/3, lãnh đạo Quốc hội sẽtiếp tục họp để chuẩn bị kỹ lưỡng cho nội dung này.
Hai nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực công thương và tài nguyên – môi trường. Hai Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ Tài Nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà sẽ là người trả lời chính. Nhiều thành viên Chính phủ khác cũng sẽ tham gia giải trình cácvấn đề liên quan được đại biểu Quốc hội quan tâm.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu của 3 Đoàn giám sát chuyên đề và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế về: “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.
Một nội dung được xem xét cho ý kiến là báo cáo công tác dân nguyện tháng 2/2022 của Quốc hội.
Cũng tại phiên họp thứ 9, nhiều báo cáo của Chính phủ sẽ được trình để cho ý kiến: Về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021.
End of content
Không có tin nào tiếp theo