Tin tức - Sự kiện

Chuyển đổi số: Báo chí phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để phát triển

DNVN - Trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình.

Thông cáo báo chí ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII / Thông cáo báo chí ngày làm việc thứ 2 Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII

Cạnh tranh xuyên biên giới

Sáng 11/6/2022, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn".

Hội thảo được tổ chức vào thời điểm có hai sự kiện ý nghĩa. Đó là kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 và nhân dịp Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí Việt Nam.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các nhà quản lý báo chí, các nhà báo có dịp thảo luận, phản biện, bổ sung thêm nhiều góc nhìn khác nhau về chuyển đổi số báo chi cũng như Chiến lược chuyển đổi số báo chí của Bộ thông tin và Truyền thông.

Hội thảo“Chuyển đổi số báo chí Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn". (Ảnh: Hà Anh).

Theo Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về ”Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, từ tháng 5- 11/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Chuyển đổi số quyết định sự sống còn của cơ quan báo chí. Một số cơ quan báo chí đã có nhiều đổi mới trong việc áp dụng khoa học công nghệ, phát triển dịch vụ nhưng chuyển đổi số báo chí toàn diện còn chưa rõ nét, manh mún, do đó chưa đủ sức cạnh tranh với các dịch vụ mới xuyên biên giới.

Trong thị trường cạnh tranh hiện nay, nội dung hay chưa đủ, cơ quan báo chí cần phải tích hợp với trải nghiệm cao cấp của người dùng. Công nghệ đã trang bị cho báo chí những khả năng mới, thay vì phục vụ đại bộ phận công chúng một sản phẩm đồng nhất thì nay hướng tới tùy chỉnh, chuyên biệt hóa theo những nhu cầu riêng biệt, chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo được doanh thu lớn hơn.

Báo cáo đề dẫn “Những vấn đề đặt ra trong dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Cục Báo chí nhấn mạnh: “Trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình.

Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung; thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo. Từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí”.

Mô hình tòa soạn hội tụ

Theo dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2025 có 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có (trang web, mạng xã hội uy tín và các nền tảng công nghệ số trong nước).

80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện. 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí.

30% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân.

50% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý số, tổ chức sản xuất và phát hành nội dung báo chí trên nền tảng số.

Ông Lê Quốc Minh (đứng giữa)- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại hội thảo.
(Ảnh: Hà Anh).

Mục tiêu đến năm 2030: 90% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện. 90% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

90% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí…

Đồng thời, 50% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân.

Để thực hiện được các nhiệm vụ chiến lược này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Đó là nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền cho cán bộ quản lý thông tin, truyền thông; lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải triển khai chuyển đổi số báo chí đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật về phát triển các sản phẩm báo chí số. Bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống, ứng dụng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số báo.

Cùng với đó là thực thi các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực báo chí và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm