Tin tức - Sự kiện

Đà Nẵng: Chấn chỉnh tình trạng chặn kiểm tra tất cả người ra đường một cách máy móc

DNVN - Chiều tối 23/7, Sở Công Thương Đà Nẵng đã có Công văn 1697/SCT-KTTCTH hướng dẫn danh mục hàng hóa thiết yếu theo Công văn 4537/UBND-KGVX ngày 22/7 của UBND TP Đà Nẵng bổ sung các biện pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng: Lịch trình dịch tễ phức tạp của hai ca F0 cộng đồng mới phát hiện ngày 17/7

Danh mục các hàng hóa thiết yếu

Theo hướng dẫn của Sở Công Thương Đà Nẵng tại Công văn 1697/SCT-KTTCTH chiều 23/7, nhóm hàng lương thực gồm: Gạo, nếp, mè (vừng), đậu, ngô (bắp), khoai, sắn; bột, tinh bột và các sản phẩm từ bột, tinh bột. Nhóm hàng thực phẩm gồm: Thịt và các sản phẩm từ thịt; thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản; rau, củ, quả, trái cây và các sản phẩm từ rau, củ, quả, trái cây; trứng gia cầm và các sản phẩm từ trứng gia cầm.

Xuất hiện tình trạng các chốt phòng, chốn dịch chặn kiểm soát tất cả người ra đường một cách máy móc

Xuất hiện tình trạng một số chốt phòng, chống dịch trên địa bàn Đà Nẵng chặn kiểm tra tất cả người ra đường một cách máy móc.

Nhóm hàng công nghệ phẩm gồm: Bánh, kẹo; sữa và các sản phẩm từ sữa; mỳ gói các loại; dầu thực vật; muối; đường; bột nêm, gia vị, nước mắm, nước tương; nước uống, nước giải khát các loại đóng chai, lon, thùng. Nhóm hàng nhu yếu phẩm gồm: Dược phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư, trang thiết bị y tế; sản phẩm dùng để giặt, gội, vệ sinh cá nhân; giấy vệ sinh; khẩu trang; sản phẩm tẩy rửa, diệt côn trùng, diệt khuẩn; vật tư văn phòng phẩm; sản phẩm, hàng hoá và hoá chất phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Nhóm hàng năng lượng, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu gồm: xăng, dầu, khí đốt; sản phẩm bôi trơn động cơ và các loại vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu khác phục vụ sản xuất công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, công trình xây dựng, giao thông. Nhóm hàng hoá khác gồm: thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; các mặt hàng kim khí, điện máy; vật tư điện, nước.

Sở Công Thương Đà Nẵng cũng thông báo, trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc thì kịp thời thông tin về Sở Công Thương Đà Nẵng thông qua ông Đỗ Hà Anh Vũ, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch theo số điện thoại: 0236.3821020 - 0905.374.792, Email: vudha@danang.gov.vn để phối hợp xử lý.

Quy định bị vô hiệu quá vì những bất cập

Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng chiều 23/7 đã ghi nhận phản ánh của người dân về việc những bất cập do chưa có hướng dẫn cụ thể về các mặt hàng thiết yếu được phép kinh doanh trên địa bàn khi áp dụng bổ sung các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo Công văn 4537/UBND-KGVX ngày 22/7 của UBND TP Đà Nẵng.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng, đã xuất hiện tình trạng một số chốt kiểm soát phòng chống dịch chặn kiểm tra tất cả người ra đường một cách máy móc vì cho rằng vi phạm quy định “người dân chỉ được ra đường trong trường hợp cần thiết; chỉ một số dịch vụ thiết yếu được mở cửa như buôn bán lương thực, thực phẩm…”.

Từ đó dẫn đến những tranh cãi giữa người thi hành công vụ và một số cơ sở kinh doanh dịch vụ về mặt hàng nào là mặt hàng thiết yếu, mặt nào là không thiết yếu… Đối với quy định “người dân chỉ được ra đường trong trường hợp cần thiết” thì nhiều chốt kiểm soát không chấp nhận thẻ công chức, viên chức, thẻ ra vào cổng có logo của doanh nghiệp…

Đơn cử, lãnh đạo TP Đà Nẵng liên tục khẳng định hoàn toàn không cấm bán hàng ăn mang về, không tạm dừng thi công các công trình giao thông, xây dựng, công trình xây dựng riêng lẻ... khi ban hành Công văn 4537/UBND-KGVX ngày 22/7, nhưng trên thực tế thì đang nảy sinh rất nhiều bấp cập.

Anh T.H.D, chủ thầu đang xây dựng một nhà ở tư nhân trên đường Lê Duẩn (quận Hải Châu) đặt vấn đề, Công văn 4537/UBND-KGVX ngày 22/7 của UBND TP Đà Nẵng yêu cầu công nhân, thợ xây dựng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chứ không tạm dừng thi công các công trình xây dựng, giao thông, kể cả công trình tư nhân nhỏ lẻ. Công văn 1697/SCT-KTTCTH ngày 23/7 Sở Công Thương cũng hướng dẫn các loại vật tư phục vụ các công trình giao thông, xây dựng là thuộc hàng hóa thiết yếu.

Các công trình xây dựng nhà ở không bị tạm dừng thi công, nhưng thờ thầy thưa thớt vì không có giấy thông hành để đi làm

Các công trình xây dựng nhà ở không bị tạm dừng thi công nhưng hoạt động cầm chừng vì công nhân không có giấy thông hành để đi làm.

Thế nhưng khi thợ xây dựng đi làm lại bị các chốt kiểm soát phòng, chống dịch chặn lại kiểm tra giấy thông hành. Với các dự án lớn của TP hoặc của các nhà đầu tư lớn, nhà thầu là các doanh nghiệp thì mới có tư cách pháp nhân để cấp giấy thông hành cho công nhân. Các công trình giao thông nhỏ, nhà ở tư nhân riêng lẻ, “nhà thầu” có khi chỉ là các đội xây dựng nên không thể cấp giấy thông hành cho thợ xây dựng đi làm.

“Một chủ thầu tư nhân như tôi có được phép cấp giấy thông hành cho thợ của mình đi làm hay không? Nếu thợ xây không được đi làm vì bị cho là vi phạm quy định ra đường trong trường hợp cần thiết, việc TP Đà Nẵng không cấm các công trình giao thông, xây dựng, không cấm bán các mặt hành phục vụ các công trình này liệu có ý nghĩa gì?” – Anh T.H.D đặt vấn đề.

Tương tự, chị H.S chủ tiệm cơm bình dân trên đường Nguyễn Chí Thanh thắc mắc, TP không cấm bán hàng mang về nhưng lại cấm shiper nên những người dân có nhu cầu phải tự đi mua cơm về ăn. Nhưng trên đường từ nhà đi mua cơm, họ không có “bằng chứng” nào để chứng minh việc mình ra đường là “trong trường hợp cần thiết” cả. Bởi thế quy định không cấm bán hàng mang về cũng trở nên vô nghĩa, vì không có người mua sao bán được?

Yêu cầu chấn chỉnh

Trước tình hình này, tại cuộc họp chiều qua 23/7, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Đà Nẵng đã giao Công an TP hướng dẫn cụ thể đối với các chốt trong việc kiểm soát người qua chốt. Theo đó, quy định nhiệm vụ của các chốt làm gì, được hỏi người nào, loại giấy tờ nào được ra đường… để các quận huyện thực hiện đồng bộ như nhau trong việc kiểm soát người ra đường, không để tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu.

Cùng với đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng giao Sở Công Thương phối hợp với Văn phòng UBND TP căn cứ Công văn 4537 ngày 22/7 UBND TP văn bản hướng dẫn cụ thể các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng nào được bán, mặt hàng nào tạm dừng kinh doanh; giao Sở Công Thương tham mưu UBND TP Đà Nẵng có văn bản trao đổi thêm với tỉnh Quảng Nam về vận chuyển hàng hóa…

Ngay trong chiều tối 23/7, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hạnh đã có Công văn 1697/SCT-KTTCTH gửi các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện hướng dẫn danh mục hàng hóa thiết yếu như nêu trên.

Nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra trước khi quyết định bổ sung các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, lãnh đạo TP Đà Nẵng cần giao các sở, ngành hữu quan xây dựng để ban hành kèm theo Công văn 4537/UBND-KGVX ngày 22/7 của UBND TP là các văn bản hướng dẫn cụ thể. Như thế sẽ tránh được tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” gây bức xúc cho người dân.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm