Tin tức - Sự kiện

Đà Nẵng: Dễ dàng tra cứu thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

DNVN - Nhằm cung cấp thông tin rộng rãi, cụ thể về kết quả thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Sở TT&TT phối hợp với Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng đã triển khai các kênh tra cứu kinh phí hỗ trợ người dân, với 04 nhóm đối tượng chính

Đà Nẵng: Thấy gì từ giải thích của BV 199 vụ cho người mắc Covid-19 về nhà làm đám tang? / Đà Nẵng: Nghiên cứu ban hành Chỉ thị “chuyển sang trạng thái mới” phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19

Các kênh tra cứu thông tin, dữ liệu

Ngày 31/8, Ban chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 (gọi tắt là BCĐ Covid-19) TP Đà Nẵng cho hay, thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, TP Đà Nẵng đã triển khai đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Tra cứu

Người dân Đà Nẵng có thể dễ dàng tra cứu qua SMS thông tin về kinh phí hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19.

Nhằm cung cấp thông tin rộng rãi, cụ thể về kết quả hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Sở TT&TT phối hợp với Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng đã triển khai các kênh tra cứu kinh phí hỗ trợ người dân, với 4 nhóm đối tượng chính gồm: Nhóm người lao động, hộ kinh doanh (hơn 15.390 lượt người); Nhóm Bảo trợ xã hội (hơn 26.800 lượt người); Nhóm người có công cách mạng (hơn 14.300 lượt người); Nhóm hộ nghèo, cận nghèo (hơn 46.800 lượt người).

Người dân, doanh nghiệp, tổ chức có thể tra cứu dữ liệu qua nhiều kênh, bao gồm:

- Qua Cổng dữ liệu mở TP Đà Nẵng tại địa chỉ https://congdulieu.vn hoặc https://opendata.danang.gov.vn/

- Qua ứng dụng Zalo Tổng đài 1022 Đà Nẵng.

- Qua tin nhắn điện thoại SMS.

- Hoặc có thể được chia sẻ qua API để tích hợp vào các ứng dụng khác.

Với các kênh tra cứu này, người dân, doanh nghiệp, tổ chức có thể xem, tìm kiếm thông tin cụ thể về các nhóm đối tượng được hỗ trợ, người được nhận hỗ trợ, mức tiền được hỗ trợ; sử dụng chức năng lọc, tìm kiếm dữ liệu nhanh chóng, thuận tiện. Các thông tin được Sở LĐ-TB-XH cung cấp đảm bảo kịp thời nhất, phục vụ nhu cầu thông tin của người dân.

Việc tra cứu dữ liệu qua các kênh được thực hiện dễ dàng, thuận tiện, cụ thể:

Tra cứu qua ứng dụng Zalo: Người dùng chỉ cần truy cập Fanpage Zalo “Tổng đài 1022 Đà Nẵng”, vào menu "Covid 19", chọn “Hỗ trợ Covid-19” và nhập thông tin để thực hiện tra cứu.

Tra cứu qua Cổng dữ liệu mở: Người dùng có thể truy cập vào địa chỉ: https://congdulieu.vn/ hoặc https://opendata.danang.gov.vn/ , truy cập các dữ liệu “Thông tin kinh phí hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19” theo từng nhóm đối tượng hoặc tìm kiếm theo từ khóa “hỗ trợ người dân covid”.

Trên Cổng dữ liệu, người dùng có thể sử dụng công cụ tìm kiếm theo các trường thông tin như: Số CMND; họ tên; địa chỉ… để tra cứu đối tượng được hỗ trợ, số tiền được hỗ trợ (Trường hợp tra cứu thông tin bằng số CMND, hệ thống chỉ hiển thị những cá nhân thuộc nhóm đối tượng có Số CMND là nhóm đối tượng Người lao động, Hộ kinh doanh).

Bên cạnh sử dụng dữ liệu trên web, người dùng có thể sử dụng API cung cấp sẵn để tích hợp vào hệ thống của mình hoặc phát triển các ứng dụng tra cứu thông tin dịch tễ.

Tra cứu qua SMS: Ngoài ra, người dùng có thể thực hiện tra cứu thông tin hỗ trợ thông qua việc gửi tin nhắn SMS với cú pháp: “DVC HOTRO SO_CMND” hoặc “DVC HOTRO HO_TEN; PHUONG/XA” (viết không dấu) gửi đến đầu số 8188 (Trường hợp tra cứu thông tin bằng số CMND, hệ thống chỉ hiển thị những cá nhân thuộc nhóm đối tượng có Số CMND là nhóm đối tượng Người lao động, Hộ kinh doanh).

Kết quả chi trả cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn Đà Nẵng

Trước đó, tối 30/8, BCĐ Covid-19 TP Đà Nẵng đã công bố báo cáo về kết quả chi trả cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn TP, tính đến ngày 25/8/2020. Theo đó, có 116.966 người được chi trả theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng kinh phí 124.251.600.000 đồng.

Trong đó, đối tượng người có công với cách mạng, đã chi 14.045/14.045 người với tổng số tiền 21.067.500.000 đồng; đối tượng bảo trợ xã hội, đã chi 26.560/26.605 người với tổng số tiền 39.827.500.000 đồng, còn 45 trường hợp đã gửi thông báo nhiều lần nhưng chưa nhận do ra khỏi TP chưa về được;

Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đã chi 52.763/52.772 người với tổng số tiền 39.572.250.000 đồng (còn 9 trường hợp do ra khỏi TP chưa về nhận); người lao động có 23.598 người đã có Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí chi trả với tổng số tiền 23.784.350.000 đồng; trong đó đã chi trả cho 18.761 người với số tiền 19.045.500.000 đồng, đạt khoảng 80% tổng số lượng người và số tiền được chi trả.

Về đối tượng đặc thù của TP Đà Nẵng theo Nghị quyết 298/NQ-HĐND ngày 22/5 của HĐND TP, có 2.528 người với tổng kinh phí 3.240.000.000 đồng. Trong đó, người có công cách mạng, đã chi 191/191 người với kinh phí 289.000.000 đồng; người lao động (giáo viên, nhân viên..) đã chi 595 người với kinh phí 591.000.000 đồng; đối tượng xã hội khác, đã chi 1.742/1795 người với kinh phí 2.360.800.000 đồng, còn 53 trường hợp đã gửi thông báo nhiều lần nhưng chưa nhận do ra khỏi TP chưa về.

Theo BCĐ Covid-19 TP Đà Nẵng, qua theo dõi các địa phương triển khai thực hiện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn TP đến nay chưa có đơn thư khiếu nại, chưa phát hiện có dấu hiệu tiêu cực, chạy chính sách xảy ra; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức giám sát thường xuyên, chặt chẽ.

Các cấp cùng với ban ngành, đoàn thể và hệ thống chính trị đã chủ động, quyết liệt, kịp thời quán triệt, triển khai các chủ trương của Trung ương, của TP về hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đến người dân. Các địa phương thực hiện niêm yết công khai theo quy định, phát huy được vai trò của nhân dân về giám sát đối tượng được hưởng.

Bên cạnh các kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, bà Phan Thúy Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng cũng cho biết, việc tiếp nhận thẩm định hồ sơ giải quyết cho người lao động ở một số địa phương còn chậm, các biểu mẫu, thủ tục, hồ sơ còn khá phức tạp, nhất là trong thời gian đầu triển khai.

Theo quy định của Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, các nhóm đối tượng được hỗ trợ có hạn chế, một số thông tin chưa nhất quán nên gây nhiều khó khăn cho cơ sở khi giải thích cho nhân dân đến yêu cầu giải quyết hỗ trợ.

Tình trạng người dân ồ ạt lên phường yêu cầu hướng dẫn kê khai theo thông tin hỗ trợ của Nghị quyết 42/NQ-CP đã gây áp lực lớn và quá tải cho bộ máy cán bộ cơ sở. Trong quá trình lập danh sách, do các địa phương xã, phường hiểu chưa thống nhất các loại hình ngành nghề để ghi vào hồ sơ nên gây khó khăn cho công tác tổng hợp của cấp quận, huyện.

Trong khi đó, thời gian thẩm định quá ngắn (2-3 ngày), lực lượng cán bộ mỏng (nhất là các phường, xã sau tinh giản theo Nghị định 34/CP); đặc biệt, các trường hợp đã có Quyết định phê duyệt của UBND TP Đà Nẵng nhưng do tình hình dịch bệnh bùng phát nên một số quận, huyện chi trả chậm lại nhất là quận Thanh khê, quận Ngũ Hành Sơn.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm