Y tế

Đà Nẵng: Thấy gì từ giải thích của BV 199 vụ cho người mắc Covid-19 về nhà làm đám tang?

DNVN - Ngày 30/8, BS Trần Quang Pháp, Phó Giám đốc Bệnh viện 199 Bộ Công an (đóng tại Đà Nẵng) đã có những phản hồi liên quan đến việc cho gia đình đưa bệnh nhân (BN) số 1040 mà Bộ Y tế công bố tối 29/8 về nhà, khi chưa có kết quả xét nghiệm, dẫn tới phải hỏa táng do có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đã qua đời và đang làm đám tang.

Đà Nẵng: Đã hỏa táng bệnh nhân số 1040 công bố ngày 29/8 tại xã Hòa Phong / Đà Nẵng: "Đã xử lý OK" trường hợp BN1040 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi tử vong

Thực chất của “3 lần xét nghiệm đều âm tính”

Trả lời trên truyền thông, lúc 13h03 chiều nay 30/9, BS Trần Quang Pháp, Phó Giám đốc Bệnh viện 199 (BV 199) Bộ Công an (đóng tại Đà Nẵng) cho rằng trước khi được cho đưa về nhà thì BN 1040 (ông T.P.H, sinh năm 1965, trú thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)đã trải qua 3 lần xét nghiệm và đều âm tính với SARS-CoV-2.

Hình ảnh tự giới thiêu của BV199 trên trang FB chính thức của BV này

Hình ảnh tự giới thiêu của BV199 trên trang Facebook chính thức của BV này

Trong đó, bản tin của NLĐO cho hay, "theo BS Trần Quang Pháp, ngày 13/8, Khoa Hồi sức BV 199 tiếp nhận BN 1040 từ BV Đà Nẵng. Lúc này BN đã có 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, lần gần nhất vào ngày 9/8 tại BV Đà Nẵng. Ngày 14/8, BV199 lấy mẫu xét nghiệm cho BN này và có kết quả âm tính. Vì vậy, dựa trên kết quả âm tính 3 lần trước đó, BV199 đã giải quyết cho người nhà đưa BN H. về lúc 22 giờ ngày 27/8".

Thực chất, theo Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ Covid-19) TP Đà Nẵng, từ ngày 23/7 – 13/8, BN 1040 được điều trị tại BV Đà Nẵng. 12h30 ngày 13/8, BN này được chuyển sang điều trị tại BV 199. Nguyên do là BV Đà Nẵng bị phong tỏa, cách ly y tế kể từ 13h chiều 26/7, phải chuyển toàn bộ BN sang các BV khác để tiến hành “làm sạch”.

Tại thời điểm đó, BV Đà Nẵng là “ổ dịch”, trong khi đó BV 199 được đánh giá đạt tiêu chí BV an toàn phòng chống dịch Covid-19. Theo quy định, các trường hợp chuyển từ vùng dịch, ổ dịch đến vùng an toàn đều phải cách ly 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm. Do đó, khi tiếp nhận BN 1040 thì BV 199 bắt buộc phải cách ly BN này 14 ngày và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế, còn các kết quả xét nghiệm trước đó không có giá trị kết luận.

Chính vì vậy, trong bản tin lúc 18h tối 29/8 khi công bố BN số 1040, BCĐ Covid-19 Quốc gia đã nêu rõ: “Từ ngày 23/7 đến ngày 13/8 BN điều trị tại BV Đà Nẵng. Từ ngày 13/8 BN được chuyển đến điều trị tại BV 199 Bộ Công an, kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 14/8 âm tính”.

Tương tự, bản tin tối 29/8 của BCĐ Covid-19 TP Đà Nẵng cũng ghi rõ: “Ngày 23/7 -13/8, BN 1040 được điều trị tại BV Đà Nẵng… 12h30 ngày 13/8 BN chuyển sang điều trị tại BV199… Ngày 14/8, BN lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại BV 199 cho kết quả xét nghiệm âm tính”.

Như vậy, cả BCĐ Quốc gia lẫn BCĐ Covid-19 TP Đà Nẵng đều chỉ ghi nhận BN 1040 có “kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 14/8/2020 âm tính”, chứ hoàn toàn không có chuyện gộp chung 2 lần xét nghiệm trước đó tại BV Đà Nẵng để cho rằng BN này đã có 3 lần xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính như lãnh đạo BV199 trả lời báo chí ngày 30/8.

BN 1040 bị “bỏ quên”?

Và dường như sau khi xét nghiệm lần 1 âm tính (ngày 14/8) thì BN 1040 bị “bỏ quên” cho đến ngày 27/8 – tức 13 ngày sau - mới tiếp tục được BV199 lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 lần 2. Như vậy, BV 199 có làm đúng quy định của Bộ Y tế hay không? Chưa kể, do BN 1040 được chuyển từ “ổ dịch” tới nên về nguyên tắc phải được cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm khẳng định an toàn.

Thế nhưng, BCĐ Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết: “12h30 ngày 13/8 BN được chuyển viện sang điều trị tại BV199. Tại đây BN được điều trị ở khoa Hồi sức cấp cứu, cùng phòng với 2 bệnh nhân H.T.D (tổ 30, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu ) và L.T.T (tổ 17, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).

Cùng ngày, BN được chụp Xquang phổi, kết quả mờ không đều lan tỏa hai phổi. Ngày 14/8, BN lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại BV199 cho kết quả xét nghiệm âm tính. Từ 14/8 - 21/8 BN điều trị tại khoa, tiếp xúc những người cùng phòng. Ngày 22/8 - 27/8 BN có diễn biến nặng, cơ thể suy kiệt”.

Có nghĩa, cùng với không được lấy mẫu xét nghiệm đúng quy định của Bộ Y tế thì BN 1040 cũng hoàn toàn không được cách ly trong suốt quá trình điều trị tại BV 199, dù BN này từ “ổ dịch” BV Đà Nẵng chuyển tới. Trước mắt đã có 06 BN, 06 người nhà của các BN này và 21 nhân viên y tế tại Khoa hồi sức BV 199, nơi BN 1040 điều trị trước khi tử vong, phải cách ly!

Bận xét nghiệm cho BN khác, hay tính lời lỗ mỗi lần chạy máy xét nghiệm?

Đến ngày 27/8, khi BN 1040 có diễn biến nặng, cơ thể suy kiệt thì BV 199 mới lấy mẫu xét nghiệm lần 2. Báo LĐO lúc 10h20 ngày 30/8 tường thuật phát biểu của BS Trần Quang Pháp, Phó Giám đốc BV 199 – Bộ Công an về việc này như sau:

“Trước khi cho BN về theo nguyện vọng của gia đình để làm thủ tục mai táng, BV đã cẩn thận lấy mẫu xét nghiệm thêm một lần cuối (ngày 27/8). Đáng tiếc là trong ngày 27/8, BV 199 đang xét nghiệm cho các BN mắc Covid-19 nên không thể “chèn” thêm mẫu xét nghiệm của BN 1040.

Sau đó BV 199 gửi mẫu của BN này qua CDC Đà Nẵng. Đến tối 28/8 có kết quả dương tính (lúc này BN đã tử vong tại nhà). Lỗi ở đây là nằm ở việc xét nghiệm. Nếu hôm đó (ngày 27/8), BV 199 xét nghiệm và có kết quả dương tính thì sẽ giữ BN ở lại”.

Như vậy, theo lãnh đạo BV 199, “lỗi” ở đây là BV này quá bận “xét nghiệm cho các BN mắc Covid-19” nên gửi mẫu cho CDC Đà Nẵng xét nghiệm, nhưng CDC Đà Nẵng lại trả kết quả chậm, gửi mẫu ngày 27/8 mà tối 28/8 mới có kết quả dương tính, khi BN đã tử vong tại nhà?

Xin nhắc lại, ngày 10/8, BV 199 là một trong 70 đơn vị trên cả nước và là 1 trong 6 đơn vị tại miền Trung được Bộ Y tế công bố cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19. Thực tế tại Đà Nẵng ai cũng biết, CDC Đà Nẵng đóng vai trò chủ lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 cho kết quả nghi ngờ từ khắp các đơn vị, địa phương trên địa bàn TP gửi về.

Chắc chắn số lượng xét nghiệm mỗi ngày của BV 199 không thể so với CDC Đà Nẵng. Lẽ ra, với năng lực đã được Bộ Y tế công nhận, họ phải chia sẻ gánh nặng này với CDC Đà Nẵng. Vậy mà họ lại lấy lý do “đang xét nghiệm cho các BN mắc Covid-19, không thể “chèn” thêm mẫu xét nghiệm của BN 1040” để ngày 27/8 đẩy mẫu của BN 1040 cho CDC Đà Nẵng; rồi nay đổ lỗi cho đồng nghiệp “trả kết quả dương tính lúc BN đã tử vong ở nhà”!

Có một chi tiết được tường thuật trên NLĐO lúc 13h03 chiều 30/8, theo chúng tôi có thể “giải mã” cho những khúc mắc nêu trên: “Theo BS Pháp, một lần chạy máy xét nghiệm khoảng hơn 90 mẫu. Trước đó, để giải quyết tình thế cấp bách đối với các ca bệnh nặng, BV 199 đã chấp nhận lỗ để giải quyết một số ít mẫu dù chưa đủ số lượng. Tuy nhiên, do tình huống BN 1040 diễn tiến nặng trong đêm nên đã xảy ra sự cố trên”.

Như vậy, việc BV 199 đẩy mẫu bệnh phẩm của BN 1040 cho CDC Đà Nẵng xét nghiệm là do “đang xét nghiệm cho các BN mắc Covid-19, không thể “chèn” thêm mẫu xét nghiệm của BN 1040”, hay là do lãnh đạo BV này tính chuyện lời lỗ trong mỗi lần chạy máy xét nghiệm?

Vì sao biết trái nguyên tắc vẫn làm?

Đối với việc BV 199 cho BN 1040 về nhà khi chưa có kết quả xét nghiệm, báo NLĐO chiều 30/8 tường thuật phát biểu của BS Trần Quang Pháp như sau: "Về nguyên tắc, BN đã lấy mẫu thì phải chờ có kết quả. Tuy nhiên trường hợp này bất khả kháng. Người nhà muốn theo phong tục, xin BN về để tử vong tại nhà. Nếu BV không cho về thì cũng khó.

Vì vậy, dựa trên kết quả âm tính 3 lần trước đó, BV đã giải quyết cho người nhà đưa BN về lúc 22h ngày 27/8. Sau khi về nhà, đến 23h55 cùng ngày thì BN tử vong. Dù chưa có kết quả lần 4 nhưng xét trong tình thế trên cũng khó. Nếu nói chờ kết quả thì người nhà không chịu và có thể sẽ phản ứng. Ngay trong đêm đó, BN có dấu hiệu xấu đi nên BV không còn cách nào khác!".

Đến đây, xin dành để Bộ Y tế, Bộ Công an đánh giá thái độ trách nhiệm và việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của lãnh đạo BV 199. Chỉ xin nói thêm, ở cả hai bản tin lúc 10h29 sáng nay 30/8 của LĐO và lúc 13h03 chiều cùng ngày của NLĐO không có bất cứ lời nào của lãnh đạo BV 199 nhận trách nhiệm hay xin lỗi trước công luận về vụ việc nêu trên, ngoài một câu “sẽ rút kinh nghiệm sẽ có phương án nhanh và sớm hơn đối với việc thực hiện sớm các xét nghiệm liên quan đến BN nặng!”.

Hải Châu
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm