Tin tức - Sự kiện

Đà Nẵng gọi vốn ODA cho các dự án quan trọng

DNVN - Đà Nẵng đã thống nhất danh mục 8 dự án cơ hội để vận động nguồn vốn ODA năm 2023.

Đà Nẵng: Không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản đối với đầu tư, kinh doanh / "Bàn" giải pháp phát triển bền vững vận tải biển ASEAN

4 dự án quan trọng thuộc lĩnh vực GTVT

Đáng chú ý, trong 4 dự án ODA cơ hội năm 2023 thuộc lĩnh vực GTVT có dự án “Hỗ trợ kỹ thuật triển khai hệ thống mạng lưới tàu điện ngầm MRT1 và MRT2 trên địa bàn TP Đà Nẵng” nhằm giúp tạo ra hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và tiện lợi, cải thiện khả năng vận chuyển trong TP; giúp giảm lượng xe cá nhân, giảm tắc nghẽn và thời gian di chuyển.

TP Đà Nẵng sẽ xây dựng đường hầm qua sân bay quốc tế Đà Nẵng.

TP Đà Nẵng sẽ xây dựng đường hầm qua sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Đồng thời dự án tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông của các phương tiện khác; cung cấp sự kết nối thuận tiện và nhanh chóng giữa các khu vực dân cư, trung tâm thương mại, KCN, trung tâm hành chính và các điểm du lịch. Qua đó xây dựng được một hệ thống giao thông công cộng bền vững và thân thiện với môi trường.

Dự án “Triển khai hệ thống giao thông thông minh ITS tại TP Đà Nẵng”, theo UBND TP Đà Nẵng, là cực kỳ cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là trong các đô thị lớn và phát triển. Dự án cũng có ý nghĩa quan trọng đối với việc quản lý giao thông, tăng cường an toàn giao thông, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển “Thành phố thông minh”.

Cùng với đó là dự án đường hầm qua sân bay quốc tế Đà Nẵng. Sân bay này nằm tại các trục đường thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ. Do đó, cần thiết xây dựng đường hầm nhằm giảm bớt lưu lượng giao thông của TP đoạn qua sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Trong lĩnh vực GTVT, UBND TP Đà Nẵng cũng phê duyệt danh mục dự án đường hầm qua sông Hàn theo định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành TP du lịch, dịch vụ. Hiện nay dân số Đà Nẵng ngày càng tăng, tạo áp lực về giao thông cho các tuyến đường kết nối trung tâm TP đến các quận ven biển. Do đó, cần thiết xây dựng đường hầm qua sông Hàn nhằm giảmbớt lưu lượng giao thông, tạo cảnh quan đường thông hè thoáng phục vụ phát triển du lịch của TP.

Hướng tới “thành phố zero carbon”

4 dự án còn lại bao gồm dự án “Nâng cấp tổng thể Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng” nhằm bảo đảm đầu tư theo định hướng quy hoạch tổng thể lâu dài, hiện đại, phù hợp với các phương pháp, mô hình điều trị mới, đáp ứng được nhu cầu trước mắt và phát triển về sau, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân

Dự án “Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn” nhằm phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, phù hợp với các định hướng quy hoạch, tạo khu không gian văn hóa về tâm linh, kết hợp điểm vui chơi giải trí và không gian tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương.

Dự án “Hướng tới thành phố zero carbon vào năm 2050” nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã tuyên bố. Việc giảm thiểu phát thải carbon trở thành một nhu cầu cấp thiết và ưu tiên hàng đầu của Đà Nẵng. Để thực hiện được mục tiêu này, TP rất cần sự hỗ trợ kỹ thuật, thí điểm và tài chính từ các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Và cuối cùng là dự án “Phát triển KCN sinh thái tại TP Đà Nẵng”. Theo Quyết định 1099/QĐ-UBND ngày 2/4/2021 của UBND TP Đà Nẵng ban hành Đề án xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường giai đoạn 2021 – 2030 thì đến năm 2025, TP Đà Nẵng phải có ít nhất 1 KCN sinh thái. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện mục tiêu này còn nhiều thách thức. Vì vậy TP Đà Nẵng rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh giao Sở KH&ĐT TP tổ chức nghiên cứu lập các dự án cơ hội ODA năm 2023 như nêu trên, bảo đảm phục vụ tốt công tác vận động nguồn vốn ODA năm 2023 của TP Đà Nẵng.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm