Tin tức - Sự kiện

Đà Nẵng: Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

DNVN - Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vừa ký Quyết định số 601/QĐ-BVHTTDL (ngày 3/2/2021) công bố lễ hội truyền thống “Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn”, thuộc địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

CDC Đà Nẵng rà soát, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 người đến từ Hải Dương, Quảng Ninh / Đà Nẵng: Xử lý cơ sở lưu trú du lịch không đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 4/2, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng báo tin vui, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vừa ký Quyết định số 601/QĐ-BVHTTDL (ngày 3/2/2021) công bố lễ hội truyền thống “Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn” (thuộc địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn” (thuộc địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn (thuộc địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chủ tịch UBND các cấp, nơi có di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn (còn có tên gọi khác là “Lễ hội Quán Âm 19/2”) có địa điểm chính tại Chùa Quán Thế Âm (số 48 Sư Vạn Hạnh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) và các địa điểm liên quan khác tại Di tích quốc gia đặc biệt - Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Chủ thể văn hóa của Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn gồm cộng đồng các chức sắc tôn giáo chùa Quán Thế Âm; Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam TP Đà Nẵng và cộng đồng nhân dân địa phương phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

Theo “Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” đối với Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn do Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng lập, Phật giáo du nhập vào Việt Nam ngay từ đầu Công Nguyên, là tôn giáo có ảnh hưởng rất sâu rộng đến hầu hết mọi vấn đề trong đời sống người Việt.

Ở Đà Nẵng, Phật giáo được truyền vào khoảng thế kỷ XVII, trong đó Ngũ Hành Sơn được xem là cái nôi đầu tiên của Phật giáo; đồng thời là trung tâm Phật giáo của Việt Nam trong thời kỳ chúa Nguyễn. Khi Phật giáo bắt đầu du nhập vào Đà Nẵng, người Việt đã tạo dựng ở Ngũ Hành Sơn một hệ thống các ngôi chùa.

Hầu hết trên năm ngọn núi của Ngũ Hành Sơn đều có những ngôi chùa cổ kính với dáng vẻ khác nhau được xây dựng qua nhiều thời kỳ lịch sử. Cùng với đó là hệ thống các hang động thiên nhiên kỳ vĩ vừa ngẫu nhiên, vừa tân tạo với vẻ đẹp hài hòa, quyến rũ, kỳ ảo, điểm tô cho Ngũ Hành Sơn trở thành bức tranh thắng cảnh tuyệt đẹp, mà còn ẩn chứa nét huyền bí và thấm đượm yếu tố tâm linh.

Chính vì thế, Ngũ Hành Sơn không những là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh dành cho khách thập phương đến thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú” và hít thở không khí trong lành của khu sinh thái, mà còn là nơi địa linh, tôn thờ các vị tiên nhân, Phật thánh cứu nhân độ thế ngót cả mấy ngàn năm. Là nơi dành cho các bậc chân tu tu tập, tham thiền nhập định để cầu phúc cho dân và bản thân được siêu thoát; nơi giúp người trần tục tạm quên những vướng bận đời thường, hướng đến sự tịnh tâm thanh thản trong thế giới tâm linh.

Đặc biệt, vùng đất được xem là có nhân duyên với đạo Phật này còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ với nhiều giá trị đặc biệt, nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, gồm: Các công trình, biểu tượng tôn giáo tín ngưỡng của người Việt, người Hoa và cả người Chăm bản địa; các di vật, cổ vật, hoành phi, liễn đối, bia ký; các di chỉ khảo cổ học; tập tục; nghề thủ công truyền thống và các lễ hội, trong đó có Lễ hội Quán Thế Âm...

Là lễ hội dân gian truyền thống mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo, gắn liền với Di tích quốc gia đặc biệt - Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và đời sống tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng địa phương, đại diện cho bản sắc văn hóa của TP Đà Nẵng được lưu truyền, gìn giữ đến ngày nay, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được tổ chức trong ba ngày, từ 17 đến 19/2 (âm lịch), trong đó ngày 19/2 âm lịch (Lễ vía Quán Thế Âm) là ngày lễ chính thức.

Lễ hội gồm hai phần: Lễ và Hội. Phần lễ là các nghi lễ tín ngưỡng Phật giáo và nghi lễ truyền thống của địa phương. Phần hội là những sinh hoạt văn hóa truyền thống mang đậm tính nhân văn, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trong ba ngày diễn ra lễ hội, ngoại trừ các sự kiện đặc biệt của từng năm thì phần lớn các sự kiện thường niên tổ chức đan xen kết hợp giữa phần Lễ và phần Hội. Hai phần này hòa quyện với nhau, trong lễ có hội và ngược lại trong hội có lễ.

Vào năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Tổng cục Du lịch (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận và xếp vào Danh mục 15 lễ hội lớn cấp quốc gia. Từ đó đến nay, hàng năm cứ đến mùa Xuân, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được tổ chức quy mô, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức, thu hút hàng ngàn người, gồm cộng đồng Phật tử theo đạo Phật, cộng đồng nhân dân địa phương cùng du khách trong và ngoài nước về tham dự, lễ bái, nguyện cầu, như lời lưu truyền trong dân gian: “Quán Âm mười chín tháng Hai/Ngũ Hành lễ hội ai ai cũng về”.

Như vậy, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) được hình thành qua nhiều nhân tố, hội đủ các nhân duyên, có cả nhân duyên vô thể và hữu thể, vừa thực vừa ảo trên vùng đất được mệnh danh là “Thánh địa của Phật giáo Ngũ Hành Sơn”. Đây là một trong những lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng - tôn giáo Phật giáo, kết hợp hài hòa với văn hóa truyền thống và đại diện cho bản sắc văn hóa của TP Đà Nẵng.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm