Đà Nẵng quy định khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người, cấm ghi âm, ghi hình
'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Ngày 22/2, Đà Nẵng bắt đầu nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP khóa X
Theo Đại tá Trần Đình Liên, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, “Khu vực bảo vệ” là khu vực có giới hạn nhất định, có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; khu vực đang xảy ra thiên tai, dịch bệnh hoặc đang diễn ra các các sự kiện chính trị quan trọng do lực lượng công an, quân đội và các lực lượng bảo vệ có trách nhiệm quản lý, kiểm soát hoạt động của người, phương tiện nhằm duy trì an ninh trật tự; phòng, chống các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Tại phiên họp thường kỳ chiều 3/3, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất thông qua Tờ trình của Giám đốc Công an TP Đà Nẵng quy định về khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người, cấm ghi âm, ghi hình...
Qua thảo luận tại phiên họp thường kỳ chiều 3/3, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất quy định “Khu vực bảo vệ” gồm Trụ sở các cơ quan: Thành ủy Đà Nẵng và các cơ quan trực thuộc; Đoàn Đại biểu Quốc hội – HĐND TP; Ủy ban MTTQVN TP; Tòa nhà Trung tâm Hành chính TP; Trung tâm hành chính các quận, huyện; Kho bạc Nhà nước; Đài Phát thanh - Truyền hình;
Trụ sở doanh trại Quân đội, công trình quốc phòng, khu Quân sự trên địa bàn; Bộ Chỉ huy quân sự TP; Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP), các Đồn, trạm Biên phòng; trụ sở Công an TP và các đơn vị trực thuộc; Công an các quận, huyện; trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đóng trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Các khu vực khác do Chủ tịch UBND TP quyết định là “khu vực bảo vệ” khi xét thấy cần thiết, gồm khu vực phát sinh tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và trong trường hợp có thảm họa do thiên nhiên, con người, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô lớn, đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân;
Khu vực đang diễn ra các hội nghị, hội thảo quốc tế; các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội quan trọng do các cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì tổ chức có yêu cầu bảo vệ; hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND TP; các kỳ họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy; họp HĐND TP; trụ sở các cơ quan nhà nước (trừ các cơ quan, trụ sở theo quy định nêu trên), tổ chức chính trị - xã hội, các công trình, mục tiêu quan trọng đối với kinh tế, văn hóa, xã hội, nơi lưu trữ bí mật nhà nước.
“Khu vực cấm tập trung đông người”gồm khu vực khuôn viên, khu vực tiếp giáp và vành đai bảo vệ các khu vực quy định tại “Khu vực bảo vệ” và “Các khu vực khác do Chủ tịch UBND TP quyết định khi xét thấy cần thiết” như nêu trên. Trường hợp cần thiết, phạm vi khu vực cấm tập trung đông người do Chủ tịch UBND TP xác lập sau khi thống nhất với cơ quan chủ quản bằng quyết định cụ thể.
Quy định này không áp dụng đối với hoạt động do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức và các khu vực được bố trí tiếp công dân theo quy định.
Cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh trong các khu vực có chứa bí mật nhà nước; khu vực đang xảy ra các vụ việc phức tạp có ảnh hưởng đến tình hình an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những vấn đề khác yêu cầu giữ bí mật cần phải cấm những người không có trách nhiệm tự ý ghi âm, ghi hình, chụp ảnh.
Thẩm quyền xác định khu vực cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh là Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xác định khu vực cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh thuộc trụ sở cơ quan, đơn vị. Chủ tịch UBND TP, Giám đốc Công an TP có thẩm quyền xác định khu vực ghi âm, ghi hình, chụp ảnh đối với các khu vực, mục tiêu trọng điểm về an ninh quốc gia và các khu vực công cộng trên địa bàn TP.
Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP TP có thẩm quyền xác định khu vực ghi âm, ghi hình, chụp ảnh đối với các khu vực quốc phòng, biên giới.
Tại các khu vực bảo vệ theo quy định, các tổ chức, cá nhân chỉ được phép ghi âm, ghi hình, chụp ảnh trong trường hợp được sự đồng ý của Thủ trưởng cơ quan. Trong trường hợp phục vụ công tác đấu tranh, xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật, Chủ tịch UBND TP, Giám đốc Công an TP, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP cho phép chủ thể là cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý được ghi âm, ghi hình, chụp ảnh tại các khu vực quy định.
Dữ liệu ghi âm, ghi hình, chụp ảnh tại các khu vực được quy định phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; nghiêm cấm việc tự ý tán phát, cung cấp dữ liệu, tài liệu khi chưa được phép của người có thẩm quyền.
Các khu vực được xác định là khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người, cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh phải được đặt biển báo. Vị trí đặt biển báo do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh quyết định, được đặt ở vị trí phù hợp, không bị che khuất tầm nhìn và không gây cản trở giao thông. Hiệu lực biển báo do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý quyết định, tùy thuộc vào phạm vi của khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người, cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo