Đà Nẵng sẽ dùng "biện pháp cuối cùng": Cắt nước luân phiên theo khu vực?
Sẽ gia tải, điều chỉnh “lớp áo” mặt cầu Bạch Đằng / Bắc Bộ trở lạnh từ đêm nay
Cầu cứu thủy điện xả nước đẩy mặn…
Sáng nay 7/11, ông Diệp Dân Hùng, Trưởng phòng Văn hóa – Xã hội Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đưa lên trang FB cá nhân dòng trạng thái (status): “Một môn thể thao đang được khôi phục. Đó là môn “xách nước lên lầu”!”. Lập tức status này thu hút gần trăm lượt like cùng hàng chục bình luận về một diễn biến thời sự nhất đang xảy ra tại Đà Nẵng mà Infonet đã liên tục đưa tin mấy ngày qua: Nước sinh hoạt yếu và thiếu xảy ra diện rộng trên hầu khắp TP!
Nhiều hộ gia đình ở Đà Nẵng phải thức dậy từ sáng sớm, huy động tất cả các thau, chậu để hứng nước mà vẫn không đủ dùng! |
Không chỉ xách nước từ tầng dưới lên phục vụ cho nhu cầu sử dụng ở tầng lầu như gia đình ông Diệp Dân Hùng (vì áp lực nước quá yếu, không lên tới tầng lầu được) mà nhiều người còn cho biết, họ phải thức dậy từ 2 – 3 giờ sáng để hứng nước nhưng cũng chỉ được một xô. Thậm chí có người cho biết, từ hôm qua đến giờ không có nước để tắm, giặt.
Nhiều hộ gia đình do diện tích nhà nhỏ, không có các đồ chứa nước lớn nên phải huy động tất thảy nồi niêu, thau chậu, xô thùng… để đựng nước mà vẫn không đủ dùng. Với các hộ dân sống tại các khu chung cư cao tầng thì tình trạng thiếu nước sinh hoạt lại càng thê thảm. Và các cửa hàng bán máy bơm nước được dịp hái ra tiền do người dân đổ xô mua máy bơm nước về hút nước giếng khoan hoặc đấu nối trực tiếp vào hệ thống cấp nước để hút nước về cho nhà mình…
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, do khu vực Trung bộ thiếu hụt lượng mưa ngay giữa mùa mưa bão nên từ giữa tháng 10 đến nay, nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn rất nặng, thậm chí có ngày gấp từ 12,3 - 16,3 lần quy chuẩn. Để đảm bảo chất lượng nguồn nước thô cung cấp cho TP, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) phải lấy nước từ Trạm bơm An Trạch nên lưu lượng và áp lực nước trong mạng lưới đang thấp so với bình thường.
Trước tình hình đó, ngày 1/11, UBND TP Đà Nẵng có văn bản đề nghị Bộ TN&MT chỉ đạo các chủ hồ chứa nước ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) xả nước, đảm bảo chiều cao mực nước tại đập dâng An Trạch tối thiểu đạt +1,4m để có thể vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Đà Nẵng. Đặc biệt thủy điện Đăk Mi 4 cần phải vận hành xả nước qua cổng xả sâu với lưu lượng 12,5m3/s để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho TP Đà Nẵng.
Nhưng thủy điện cũng đã ở mực nước chết!
Trong khi đó, ngày 6/11, Dawaco tiếp tục ra thông báo về việc giảm áp lực và lưu lượng trên hệ thống cấp nước TP Đà Nẵng. Trong đó vẫn khẳng định, hiện nay do lượng mưa thượng nguồn suy giảm, lượng nước trên sông Vu Gia, sông Yên bị giảm nhiều, mực nước các hồ chứa cũng đều xuống thấp so với cùng kỳ những năm trước, dẫn đến nguồn nước sông tại Cầu Đỏ bị nhiễm mặn dài ngày và độ mặn có thời điểm lên đến 4.300mg/lít.
“Dawaco đã vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch nhưng vẫn không đủ nguồn nước thô cho nhà máy nước Cầu Đỏ và nhà máy nước Sân bay. Vì thế áp lực và lưu lượng trên hệ thống cấp nước TP bị suy giảm. Dawaco xin thông báo và kính đề nghị quý khách hàng sử dụng nước tiết kiệm, chia sẻ khó khăn cùng Dawaco” – Thông báo của Dawaco nêu.
Văn bản thông báo ngày 6/11 của Dawaco |
Sáng 7/11, PV Infonet đã đề nghị ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco giải thích vì sao thông báo của Dawaco không đề cập đến yêu cầu các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn, đặc biệt là thủy điện Đăk Mi 4, tăng lưu lượng xả nước để đẩy mặn trên sông Cầu Đỏ như được nêu tại Công văn 4554/UBND-STNMT của UBND TP Đà Nẵng?
Ông Hồ Hương cho hay, không đợi tới khi UBND TP Đà Nẵng có công văn trên mà từ trước đó, theo đề nghị của Dawaco, các hồ chứa nước thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn đã tăng lưu lượng xả nước để giúp đẩy mặn trên sông Cầu Đỏ. Tuy nhiên do ở thượng nguồn không có mưa, lưu lượng nước về rất ít nên hiện hồ thủy điện A Vương đã ở mực nước chết, không còn nước để xả. Hồ thủy điện Đăk Mi 4 cũng đã xấp xỉ mực nước chết, nhưng họ vẫn đang tiếp tục xả với lưu lượng lên tới 12,6m3/s.
“Hiện đã vào mùa mưa lũ và theo quy trình vận hành thì lưu lượng xả nước của thủy điện Đăk Mi 4 trong mùa này chỉ được 3m3/s. Nếu họ không hỗ trợ xả nước theo yêu cầu thực tế của mình mà chỉ xả theo quy trình thì chắc mình “chết” rồi. Công văn của UBND TP Đà Nẵng chỉ là để họ đưa vào hồ sơ, sau này có đoàn kiểm tra nào hỏi vì sao xả nước tới 12,3/s trong mùa lũ thì họ cái mà báo cáo thôi, còn bây giờ nước về hồ thủy điện được bao nhiêu thì họ đều xả xuống cho mình bấy nhiêu cả!” – Ông Hồ Hương nói.
Ông cũng cho biết, mặc dù từ tối qua đến sáng nay ở Đà Nẵng có mưa nhưng không có ý nghĩa gì mấy đối với việc cải thiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra diện rộng, bởi đó chỉ là mưa ở vùng hạ du, còn ở thượng nguồn vẫn không có mưa nên không có lưu lượng nước về các hồ thủy điện để xả nước giúp đẩy mặn trên sông Cầu Đỏ. Hiện mức nhiễm mặn ở cửa thu nước sông Cầu Đỏ vẫn hơn 2.000mg/lít, gấp 10 lần quy chuẩn!
Sẽ dùng tới biện pháp cuối cùng: Luân phiên cắt nước theo khu vực?
Đáng chú ý, ông Hồ Hương cho hay, sáng 7/11, Dawaco họp bàn việc dùng tới “biện pháp cuối cùng” là cấp nước theo khu vực. “Chúng tôi đang họp bàn phương án chia ra từng khu vực, như Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn… Luân phiên cấp nước cho mỗi khu vực mỗi ngày bao nhiêu giờ. Khi cấp nước cho khu vực này thì sẽ cắt nước ở các khu vực kia. Làm như vậy để dồn nước lại đủ áp lực cho từng khu vực chứ không cấp dàn trải. Sau khi họp bàn thống nhất, chúng tôi sẽ có thông báo chính thức về việc này!” – Ông Hồ Hương nói.
Trước tình hình “dầu sôi lửa bỏng” như vậy, được biết chiều qua 6/11, UBND TP Đà Nẵng đã triệu tập cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan về dự án xây dựng nhà máy nước Hòa Liên 120.000m3/ngày. Đây được xem là giải pháp căn cơ để đảm bảo an ninh nguồn nước cho Đà Nẵng, cung cấp đủ nguồn nước sạch cũng như đảm bảo cấp nước an toàn cho TP các năm tiếp theo.
Như Infonet đã đưa tin, trước đây dự án này được lãnh đạo Đà Nẵng giao cho Dawaco làm chủ đầu tư. Tuy nhiên hiện dự án này đang bị “treo” bởi căn cứ Thông báo 367-TB-TU ngày 24/4/2018 của Thành ủy Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản số 3116/UBND-QLĐT ngày 2/5/2018 chỉ đạo thay đổi chủ trương đầu tư dự án xây dựng NMN Hòa Liên. Theo đó, thay vì giao cho Dawaco làm chủ đầu tư như trước, UBND TP Đà Nẵng thống nhất chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án này theo hình thức BOT.
Đồng thời giao Sở Xây dựng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan căn cứ chủ trương đến trên, xây dựng phương án đầu tư dự án, báo cáo đề xuất UBND TP Đà Nẵng xem xét, trình Thường trực Thành ủy trước ngày 10/5/2018. Báo cáo đề xuất nêu rõ về quy mô đầu tư, các phương án tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư, tiến độ và kế hoạch triển khai.
Mặc dù đã 6 tháng trôi qua nhưng cho đến cuộc họp chiều 6/11, UBND TP Đà Nẵng vẫn phải giao Sở Xây dựng tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo đề xuất để đưa ra Ban Cán sự Đảng UBND TP xem xét, có văn bản trình lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng quyết định. Có nghĩa, vẫn chưa biết đến khi nào nhà máy nước Hòa Liên mới được triển khai, và sẽ được đầu tư theo phương thức nào, trong khi an ninh nguồn nước của Đà Nẵng lại đang bị đe dọa nặng nề!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị bền vững
Tài năng 'nhí' trượt băng tốc độ Bảo Chi làm đại sứ truyền thông Amazfit Active
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Cơ cấu lại kinh tế vùng Đông Nam Bộ theo hướng hiện đại