Đà Nẵng: Ti lệ công dân không hài lòng do phải tốn chi phí không chính thức còn cao
Đà Nẵng: Du lịch phục hồi nhanh nhờ chương trình kích cầu “Danang Thank you” / Hậu Covid-19: Đà Nẵng tập trung kích cầu nhằm thu hút khách du khách nội địa
Một bộ phận cán bộ làm việc còn cầm chừng, thiếu tinh thần trách nhiệm
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 15 HĐND TP khóa IX sáng 6/7, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng nêu rõ, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, lần đầu tiên sau 23 năm trở thành TP trực thuộc Trung ương (tháng 1/1997), kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm 3,61%, các chỉ tiêu thành phần cũng đều tăng trưởng thấp so vớikế hoạch.
Theo Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung, một bộ phận cán bộ, công chức của TP làm việc còn cầm chừng, thiếu nhiệt huyết, thiếu tinh thần trách nhiệm (Ảnh minh họa: HC)
Theo ông Nguyễn Nho Trung, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư vẫn chưa chuyển biến tích cực, vẫn còn nhiều dự án công trình trọng điểm triển khai chậm tiến độ, tỉ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản tính đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.Bên cạnh đó, nhiều bất cập trên các lĩnh vực, như quy hoạch treo, quản lý đất đai, xây dựng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, rác thải, nước sạch, trật tự đô thị… vẫn chưa được tập trung giải quyết căn cơ; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động băng nhóm chuyên nghiệp gia tăng...
Đặc biệt, ông Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh: “Một bộ phận cán bộ làm việc còn cầm chừng, chưa yên tâm, thiếu nhiệt huyết, thiếu tinh thần trách nhiệm, việc chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm… Đây là những vấn đề cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt để tập trung khắc phục trong thời gian tới”.
Làm rõ thêm vấn đề này, ông Phan Thanh Long, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng cho hay, tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa thực hiện quyết liệt các nội dung công việc do lãnh đạo TP giao, nhiều nhiệm vụ được giao quá hạn nhưng chưa hoàn thành.
Cụ thể, về số nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành, Sở Tài nguyên và Môi trường có 86 nhiệm vụ (chiếm tỷ lệ 14,63%); Sở Y tế có 20 nhiệm vụ (14,60%); BQL dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng và Phát triển đô thị 13 nhiệm vụ (17,33%); UBND quận Cẩm Lệ 40 nhiệm vụ (30,30%); UBND quận Liên Chiểu 15 nhiệm vụ (15,06%); UBND quận Hải Châu 16 nhiệm vụ (14,95%).
Thậm chí, Sở Xây dựng Đà Nẵng có 193 nhiệm vụ năm 2019 chưa hoàn thành (chiếm tỷ lệ 9,96%); Sở TN-MT có 44 nhiệm vụ năm 2019 chưa hoàn thành (2,25%); BQL dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng và Phát triển đô thị có 13 nhiệm vụ năm 2019 chưa hoàn thành (5,8%)!
Giải quyết hồ sơ trễ hạn còn nhiều nhưng thực hiện văn hóa xin lỗi chưa nghiêm túc
Qua thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cũng cho thấy, việc giải quyết hồ sơ của công dân, tổ chức trễ hạn còn nhiều như: Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hòa Vang 101 hồ sơ; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Liên Chiểu 128 hồ sơ; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Cẩm Lệ 218 hồ sơ; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Ngũ Hành Sơn 184 hồ sơ. Thế nhưng thực hiện văn hóa xin lỗi chưa thật sự nghiêm túc, đầy đủ.
Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng ghi nhận tình trạng hội họp tuy có giảm nhưng cũng nói rõ là “giảm chưa đáng kể”. Ban này dẫn số liệu thống kê, báo cáo của Sở Nội vụ cho thấy, trong năm 2019 TP Đà Nẵng có 11.183 cuộc họp, tổng thời gian dành cho việc tổ chức họp là 180.000 giờ, tương ứng 22.500 ngày làm việc!
Đặc biệt, ông Phan Thanh Long, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cho biết, qua khảo sát mức độ hài lòng đối với dịch vụ hành chính công cho thấy, tỷ lệ công dân, tổ chức không hài lòng do phải tốn chi phí không chính thức, do thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận, do phải đi lại nhiều lần, thời gian trả không đúng quy định còn tương đối cao.
Cụ thể, về lý do công dân, tổ chức không hài lòng do “phải tốn chi phí không chính thức”, ông Phan Thanh Long cho biết, đối với Cục Thuế Đà Nẵng là 33,33%; Sở Y tế 1,41%, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất 7,32%.
Trong khi đó, tỷ lệ công dân, tổ chức không hài lòng do “thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận” đối với Sở Công Thương là 100%; Cục Thuế 83,33%; Sở Kế hoạch và Đầu tư 33,33%; UBND phường Hòa Cường Bắc 33,33%; UBND phường Thanh Khê Đông 12,5%.
Còn tỉ lệ công dân, tổ chức không hài lòng do “phải đi lại nhiều lần” đối với Cục Thuế là 66,67%, Sở Kế hoạch và Đầu tư 33,33%, UBND phường Hòa Cường Bắc 16,67%; do “thời gian trả không đúng quy định” đối với UBND quận Liên Chiểu là 20%; Cục Thuế 16,67%.
“Vấn đề này cần sớm được quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh nhằm nâng cao chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng trong thời gian đến. Trong bảng xếp hạng PCI năm 2019, Đà Nẵng có một số chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2018 như “chi phí gia nhập thị trường”, “chi phí thời gian”. Vị trí của TP trên bảng xếp hạng PCI vẫn chưa được cải thiện!” – ông Phan Thanh Long nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo