Đà Nẵng xin trả 1.251 tỷ đồng để lấy lại Sân vận động Chi Lăng
Bắc Kạn: Xuất hiện nhiều hố sụt lún "nuốt chửng" ao cá, bờ ruộng / Năm 2019: Không sợ trách nhiệm để nền kinh tế tăng tốc
Theo nội dung công văn do ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký gửi Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2010, thành phố đã giao đất SVĐ Chi Lăng cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (sau đây gọi tắt là TĐ Thiên Thanh) của Phạm Công Danh để làm dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ. Thời điểm đó TĐ Thiên Thanh đã đề nghị tách thửa khu đất này để giao cho các công ty thành viên triển khai thực hiện dự án và được thành phố chấp nhận.
Tuy nhiên từ đó đến nay, TĐ Thiên Thanh chưa làm thủ tục nào để đăng ký đầu tư dự án mà đã tách thửa đất SVĐ Chi Lăng thành 14 lô đất với 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao cho các công ty thành viên dùng các giấy chứng nhận này để thế chấp vay vốn tại các ngân hàng.
Năm 2016, Phạm Công Danh bị đưa ra Toà xét xử và trong bản án dành cho Phạm Công Danh, các lô đất ở khu vực SVĐ Chi Lăng thuộc diện tài sản thi hành án.
Hiện tại có nhiều vướng mắc giữa việc thi hành án và quản lý đất đai, quy hoạch của thành phố. Cụ thể, qua rà soát hồ sơ cho thấy, việc giao đất SVĐ Chi Lăng cho TĐ Thiên Thanh cũng như việc cho phép tách thửa khu đất này đều không đúng quy định của pháp luật. Tại khu đất này vẫn còn một phần diện tích chưa được giải phóng mặt bằng, còn nhiều hộ dân chưa đồng ý với phương án thu hồi đất của thành phố và chưa bàn giao mặt bằng.
Ngoài ra, theo kết luận thanh tra về việc quản lý đất đai ở Đà Nẵng tại kết luận số 2852 của Thanh tra Chính phủ từ năm 2012, việc giảm 10% tiền sử dụng đất (hơn 139 tỷ đồng) đối với khu đất này là trái pháp luật, nên thuộc trường hợp phải truy thu số tiền này để nộp ngân sách. Đến nay, người sử dụng các lô đất tại khu vực này vẫn chưa thực hiện khoản nghĩa vụ tài chính này.
Bên cạnh đó, theo nội dung công văn của chính quyền TP Đà Nẵng vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, nếu xử lý kê biên tài sản ở khu đất này để thi hành án cũng có vướng mắc. Nguyên do là khu vực SVĐ Chi Lăng mới chỉ được duyệt sơ đồ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất, chưa lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nên người nhận chuyển nhượng không thể đưa vào sử dụng đất vì việc sử dụng đất bắt buộc phải phù hợp quy hoạch. Do đó, khi xử lý kê biên tài sản thì những cá nhân, tổ chức mua lại tài sản này cũng không sử dụng được.
Từ những tồn tại nêu trên, cùng với nguyện vọng lấy lại đất SVĐ Chi Lăng để phục vụ cho mục đích phục vụ cộng đồng, Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chính quyền thành phố được giữ lại toàn bộ diện tích đất SVĐ Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thoả thuận với bên thi hành án.
Theo đó, thành phố sẽ chuyển trả toàn bộ tiền sử dụng đất mà các doanh nghiệp thực nộp vào ngân sách khi được giao khu đất nói trên để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của ngừoi sử dụng đất có đất đang bị thế chấp. Số tiền sử dụng đất thực tế TP Đà Nẵng thu nộp ngân sách khi chuyển giao quyền sử dụng đất là 1.251 tỷ đồng (sau khi giảm 10% là 139 tỷ đồng)
Chính quyền TP Đà Nẵng đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ, phối hợp với UBND TP Đà Nẵng có hướng dẫn triển khai thực hiện kịp thời việc thoả thuận với bên thi hành án để lấy lại toàn bộ diện tích đất Sân vận động Chi Lăng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo