Để cung - cầu về khẩu trang không vênh nhau
DNVN - Ông Đỗ Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đề nghị tất cả nhân dân hết sức bình tĩnh, làm theo chỉ dẫn của Bộ Y tế để không gây ra tình trạng cung - cầu về khẩu trang y tế vênh nhau như hiện nay.
Chưa có người nhiễm Corona, Thừa Thiên Huế vẫn cho học sinh nghỉ học / Nữ lễ tân nhiễm virus Corona đầu tiên ở Khánh Hòa ra viện chiều nay
Chiều 05/02, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin cho báo chí về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. Chủ trì cuộc họp là ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Cuộc họp thu hút sự quan tâm của các nhà báo, phóng viên. Theo đó, 25 phóng viên, nhà báo đặt ra 70 câu hỏi trong suốt cuộc họp. Một trong những vấn đề được báo chí quan tâm, đó là tình trạng khan hiếm, tăng giá, và găm khẩu trang y tế của các nhà thuốc, gây bức xúc trong dư luận trong những ngày gần đây.
Ông Đỗ Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: ANTĐ)
Với câu hỏi "Đã có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc rút giấy phép kinh doanh đối với cơ sở tăng giá bán khẩu trang. Có ý kiến cho rằng, tăng giá là do nhà phân phối, còn nhà thuốc tăng theo. Như vậy tước giấy phép có hợp lý không?", ông Đỗ Văn Đông - Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, Chính phủ, mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đã chỉ đạo rất quyết liệt việc nhà thuốc tăng giá khẩu trang, theo đó dứt khoát phải có hình thức trừng phạt nặng. Trong mấy ngày qua, các cơ quan quản lý thị trường tại Hà Nội và một số tỉnh khác đã lập biên bản những cơ sở bán lẻ tăng giá khẩu trang. Hiện, các đơn vị này đang liên hệ với sở y tế - nơi cấp phép bán lẻ cho các nhà thuốc để xem xét áp dụng hình phạt tiền hay rút giấy phép tùy theo mức độ vi phạm.
Tại cuộc họp báo, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược chia sẻ, thứ nhất, Bộ Y tế khuyến khích và kêu gọi 50.000 - 70.000 nhà thuốc, các nhà bán lẻ trải dài trên toàn quốc là kênh tốt tiếp nhận và cấp phát miễn phí khẩu trang cho nhân dân. Thứ hai, dù cấp phát hay bán thì điều quan trọng phải hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng cách để phòng bệnh hiệu quả.
Người dân mua khẩu trang ở cửa hàng dụng cụ y khoa trên đường Thành Thái, quận 10, TP.HCM (Ảnh: GD&TĐ)
"Với các sở y tế, chúng tôi đề nghị trong thời gian chống dịch như chống giặc hiện nay phải tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và nhắc nhở các cơ sở bán lẻ không được tăng giá, găm khẩu trang gây tình trạng thiếu khẩu trang cho nhân dân", ông Đỗ Văn Đông nhấn mạnh.
Ở chiều cầu, ông Đông đề nghị tất cả nhân dân hết sức bình tĩnh. Không phải mọi trường hợp đều phải dùng đến khẩu trang, càng không phải lúc nào người dân cũng phải bằng mọi cách mua cho được khẩu trang y tế.
"Bởi vì nếu ai cũng phải đi mua khẩu trang, một ngày dùng 5 - 7 khẩu trang, nhân lên sẽ mất rất nhiều tiền và không bao giờ đủ cả. Từ đó gây ra mất cân bằng cung - cầu. Bởi vậy, một lần nữa tôi đề nghị nhân dân bình tĩnh, nghe theo chỉ dẫn của Bộ Y tế để không gây ra tình trạng thiếu thốn, cung cầu vênh nhau như hiện nay", ông Đông khuyến cáo.
Chiều ngày 04/02, đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với Tổng cục QLTT đã trực tiếp khảo sát tình hình chung khu vực kinh doanh ở chợ thuốc Hapulico khi dư luận bức xúc việc nhiều quầy thuốc cùng treo biển "không bán khẩu trang, nước rửa tay, miễn hỏi". Tính từ ngày 31/1 đến ngày 04/02, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra 338 cửa hàng kinh doanh Thiết bị y tế (TBYT), hiệu thuốc kinh doanh mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn. Trong số các cửa hàng bị kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 95 cửa hàng vi phạm với tổng số tiền xử phạt 197.100.000 đồng. Tạm giữ 137.776 khẩu trang các loại. Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT khẳng định, khẩu trang không nằm trong danh sách hàng bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá. Tuy nhiên đối với hành động cố tình không bán, găm hàng, đầu cơ trục lợi cũng có thể bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Lực lượng QLTT sẽ đẩy mạnh kiểm tra những trường hợp cố tình như vậy. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo