Gần 40.000 công chức, viên chức rời khỏi khu vực công: Cần có giải pháp gì?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Thanh khoản của các tổ chức tín dụng vẫn tốt và dư thừa / Báo Mỹ: Việt Nam đang vượt xa các nước ở châu Á về tốc độ tăng trưởng
Áp lực lớn, thu nhập giảm sút, nhiều nhân viên y tế nghỉ việc
Trong 2 năm rưỡi có tới gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức rời khỏi khu vực công. Đang có một sự dịch chuyển của thị trường lao động.
Đây vừa là cơ hội để khu vực công có thể tuyển thêm được những người có năng lực, vừa là thách thức phải đổi mới môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ để giữ chân được những người có kinh nghiệm.
Nhiều ý kiến cho rằng cần phải sớm thực hiện Nghị quyết của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương. Cùng với đó là các giải pháp để tạo môi trường làm việc tốt. Có như vậy, khu vực công mới vượt qua thách thức, tận dụng được cơ hội để nâng cao chất lượng đội ngũ thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của xã hội.
Bệnh viện Bạch Mai là một trong những bệnh viện đầu ngành và là bệnh viện tuyến cuối. Trung bình mỗi ngày có từ 6.000 - 8.000 bệnh nhân đến khám và chữa bệnh. Do tác động của đại dịch COVID-19, cộng với đó là việc thực hiện thí điểm mô hình tự chủ toàn diện, 2 năm qua, nguồn thu của bệnh viện bị sụt giảm tới 4.000 tỉ đồng. Vì vậy, tiền trả lương cho hơn 4.000 nhân viên y tế không đủ và phải trích từ quỹ sự nghiệp và quỹ dự phòng để chi trả.
Trung bình mỗi ngày có từ 6.000 – 8.000 bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai khám và chữa bệnh
Khối lượng công việc nhiều, áp lực lớn trong khi thu nhập giảm sút, nhiều cán bộ nhân viên y tế có trình độ, có kinh nghiệm ở đây đã xin nghỉ việc. Hơn 100 trường hợp đã xin chuyển sang làm việc cho khối y tế tư nhân từ đầu năm đến nay.
Ngành y tế thời gian qua có sự chuyển dịch lao động rất lớn từ các bệnh viện công sang bệnh viện tư với hơn 12.000 người, trong đó Hà Nội có gần 2.000 trường hợp. Để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân lực, 1 năm rưỡi qua, ngành Y tế Thủ đô đã thu hút và tuyển dụng được hơn 1.700 cán bộ, nhân viên y tế. Thành phố cũng đã có 2 nghị quyết về hỗ trợ cán bộ nhân viên y tế. Theo đó, hỗ trợ thêm 70% mức chi chế độ phụ cấp đối với công tác phòng chống dịch. Khoảng 500 tỉ đồng được thành phố chi cho thực hiện công tác này.
Khu vực công phải là nơi thu hút được những người có năng lực
Gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức rời khỏi khu vực công, chiếm 1,94% tổng biên chế. Trong đó ở các địa phương là gần 32.500 người, còn ở các bộ ngành là hơn 7.000 người. Trong số công chức, viên chức thôi việc có hơn 90% là viên chức, chiếm gần 30.000 người, tập trung ở hai lĩnh vực là y tế và giáo dục.
Gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức rời khỏi khu vực công, chiếm 1,94% tổng biên chế trong 2 năm rưỡi
Cũng trong khoảng hai năm rưỡi vừa qua, có gần 140.000 công chức, viên chức mới được tuyển dụng vào làm việc cho khu vực nhà nước. Sự chuyển dịch lao động diễn ra nhiều ở các tỉnh, thành phố lớn có tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Các đô thị có hệ thống dịch vụ công khu vực ngoài nhà nước phát triển nên có nhiều cơ hội việc làm như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An và Cần Thơ.
Nhiều ý kiến cho rằng sự dịch chuyển này là xu thế tất yếu. Đây là sự phân công lao động theo quy luật thị trường. Tình trạng này sẽ ngày càng gia tăng. Ở các nước phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Singapore - nơi khu vực công có chế độ đãi ngộ rất cao nhưng tỷ lệ công chức nghỉ việc cũng lên tới 9%. Đây chính là cạnh tranh lành mạnh và cũng chính là cơ hội để khu vực công tuyển dụng mới, cơ cấu lại để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh chế độ lương, đãi ngộ thì điều quan trọng không kém là phải cải thiện điều kiện và môi trường làm việc. Đây là vấn đề khu vực công cần tính đến.
Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã xác định, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để hoàn thiện các chính sách cơ chế quản lý, điều hành, bố trí sử dụng hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Trong đó, giải pháp đầu tiên là đề nghị cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII. Trước mắt là thực hiện nâng mức lương cơ sở thêm 20% so với hiện tại trong năm tới.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng nỗ lực tăng lương cơ sở vào năm tới là một tín hiệu tích cực để sớm tiến đến thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Lộ trình này đã bị lùi lại do những tác động từ đại dịch COVID-19. Cải cách chính sách tiền lương tới đây phải tính toán để công chức, viên chức có thể yên tâm sống được bằng lương ở mức tối thiểu và phải tính đến trả lương theo vị trí việc làm, theo kết quả công việc.
Để khu vực công hoạt động hiệu lực, hiệu quả, dẫn dắt sự phát triển của xã hội như mục tiêu đề ra, cần sớm có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả để không những khu vực này không mất đi những người có năng lực mà còn phải là nơi có sức hấp dẫn, thu hút được những người có năng lực ngoài xã hội mong muốn được vào để có cơ hội cống hiến.
Khu vực công phải có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, tạo một môi trường làm việc tốt. Cộng với đó là sớm thực hiện giải pháp tăng lương rồi tiến đến cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Đây cũng là nhu cầu bức thiết đặt ra lúc này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo