Gạo Việt xác lập vị thế mới
Đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy / Sóc Trăng: Nhiều sự kiện đặc sắc tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trung bình khoảng 425 - 430 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Với mức giá này, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn giá gạo cùng loại của Ấn Độ từ 48 - 51 USD/tấn và Thái Lan từ 18 - 27 USD/tấn. Xuất khẩu gạo nhờ đó đạt hơn 6 triệu tấn, thu về khoảng 3 tỉ USD, tăng hơn 17% về khối lượng và hơn 7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu như trước kia, gạo Việt mỗi khi xuất khẩu thường "tham chiếu" giá gạo Thái rồi ra giá thấp hơn từ 10 - 50 USD/tấn để chào hàng, thì trong khoảng 2 năm trở lại đây, gạo Việt Nam đã vượt qua "cái bóng" của gạo Thái Lan, đã xác lập vị thế mới với thương hiệu riêng và chất lượng tốt.
Gạo Việt Nam xuất khẩu được cả lượng lẫn chất
Sau 2 lô gạo đầu tiên được bày bán tại Pháp, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết phản hồi khách hàng khá tích cực, họ đang gấp rút chuẩn bị hàng mới để cung ứng theo kế hoạch đã ký ban đầu. Theo họ, đây tín hiệu tốt, khi một thị trường khắt khe như Châu Âu đã chấp nhận hàng của thương hiệu gạo Việt Nam.
Hình minh họa.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: "Gạo Việt Nam đã có tên tuổi chứ không phải là vô danh và có hình hài rất rõ ràng, bao bì của mình đóng gói có nhãn mác có giới thiệu tất cả và mình có trách nhiệm với những thông tin mà mình công bố. Điều này có nghĩa là các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu là mình đã vượt qua".
Theo chuyên gia, từ 2 - 3 năm trở lại đây, gạo Việt Nam có chất lượng ngang tầm với khu vực. Việt Nam đã dành nhiều năm để phát triển bộ giống lúa mới và kỹ thuật trồng lúa 3 giảm, 3 tăng: Giảm lượng giống, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ: "Chúng tôi có những hội nghị sản xuất theo vùng theo vụ để chấn chỉnh, phổ biến, để điều chỉnh sản xuất. Đến thời điểm này, kế hoạch sản xuất lúa đảm bảo năng suất sản lượng tốt".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành gạo Việt trong những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao. Hiện tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%, nhờ đó xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Thị trường Mỹ tám tháng năm nay tăng trên 84%, sang EU tăng trên 82%".
Gạo chất lượng tốt lên, giá cũng tốt lên, thị trường theo đó cũng mở rộng hơn, đó là những tín hiệu tích cực không chỉ trong năm nay mà đã là xu hướng từ 2 - 3 năm qua của gạo Việt. Theo các chuyên gia, đây là thành quả sau nhiều năm Việt Nam thay đổi cơ cấu giống theo hướng tập trung vào giống chất lượng cao, để tăng chất lượng gạo.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp Việt đưa được thương hiệu gạo của mình bày bán tại hệ thống siêu thị lớn trên thế giới chưa nhiều, trong khi những loại gạo có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 - 20%. Thách thức lớn nhất thời gian tới đây là làm sao để kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu tạo nên tính đồng nhất cho thương hiệu gạo Việt,
Thách thức phát triển thương hiệu gạo Việt Nam
Gạo ST25 của Tập đoàn Tân Long được đưa vào thực đơn của Văn phòng Nội các Nhật Bản hồi đầu tháng 9 vừa qua. Theo họ, điều cốt yếu để giữ được thương hiệu chính là chất lượng.
Còn theo Tập đoàn Lộc Trời, sắp tới họ phải đầu tư nhiều hơn vào công tác tiếp thị, quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc, hành vi tiêu dùng của khách hàng tại nước nhập khẩu.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: "Ngoài việc họ tin dùng thì phải làm sao cho người tiêu dùng họ thích dùng hơn, họ dùng họ cảm thấy có lợi ích hơn, có cảm xúc hơn".
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điểm yếu của gạo Việt Nam so với Thái Lan, hay Ấn Độ là tính đồng nhất của thương hiệu. Hiện chúng ta chưa có nhiều sản lượng gạo với giá trên 1.000 USD/tấn vì chúng ta chưa liên kết được các doanh nghiệp lại với nhau, để tạo nên thương hiệu gạo Việt có giá trị cao. Các doanh nghiệp phải liên kết, cam kết canh tác theo tiêu chuẩn thì mới hy vọng tạo sự đồng nhất về thương hiệu.
Ông Trịnh Bá Ninh, Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, nói: "Hiệp hội Lương thực Việt Nam tạo ra sân chơi cho các doanh nghiệp vào thì phải canh tác theo đúng một chuẩn và phải công khai trên toàn thế giới, phải minh bạch".
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nâng cao năng lực đàm phán với nhà phân phối nước nhập khẩu.
Cũng theo các chuyên gia, trong thời gian tới, chúng ta cần phải tạo ra một bộ giống lúa giá trị cao hơn, đảm bảo đem lại lợi ích cho người trồng lúa và các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh, xuất khẩu những tháng cuối năm gặp nhiều thách thức do tình hình đơn hàng từ nhiều thị trường giảm, nhưng Hiệp hội lương thực Việt Nam vẫn nhận định mục tiêu xuất khẩu 6,3-6,5 triệu tấn gạo trong năm nay là sẽ đạt được. Để có được kết quả trên, ngành lúa gạo vẫn đang theo sát những chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, trong việc tăng sản lượng gạo thơm, gạo chất lượng cao, mở thêm nhiều thị trường mới, tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký thời gian qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao