Tin tức - Sự kiện

Việt Nam sẽ làm gì để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia?

Với việc dân số thế giới dự kiến sẽ đạt mức 9,6 tỷ người vào năm 2050, tương lai thiếu thực phẩm hoàn toàn có thể xảy ra.

10 tháng, Chính phủ đã trả nợ vay trong nước và nước ngoài hơn 241.000 tỷ đồng / Đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy

Tính đến hết năm 2021, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, toàn cầu có 820 triệu người đang thiếu đói. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang có xu hướng tác động mạnh mẽ đến đất nông nghiệp và năng suất chăn nuôi. Việt Nam sẽ làm gì trong bối cảnh này để đảm bảo an ninh lượng thực quốc gia và xuất khẩu ra thế giới các sản phẩm nông nghiệp?

An ninh lương thực- Ưu tiên tại COP 27

COP27 - hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc đã bước sang ngày làm việc thứ hai. Trong ngày làm việc đầu tiên, bên cạnh vấn đề tài chính thì chủ đề "An ninh lương thực" cũng là một chủ đề đáng chú ý. Biến đổi khí hậu gây hạn hán, lũ lụt rồi đến xung đột địa chính trị kéo theo đứt gãy chuỗi cung ứng. Thực tế đó cho thấy thế giới đang đứng trước thách thức mất an ninh lương thực khẩn cấp ở mức độ chưa từng có.

Nhu cầu lương thực là vấn đề bắt đầu được đặt ra một cách nghiêm túc trên thế giới. Với việc dân số thế giới dự kiến sẽ đạt mức 9,6 tỷ người vào năm 2050, tương lai thiếu thực phẩm hoàn toàn có thể xảy ra. Trong khi đó, biến đổi khí hậu lại đang tác động mạnh mẽ đến đất nông nghiệp và năng suất chăn nuôi.

Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu ước tính năng suất đất nông nghiệp đã giảm 21% so với kịch bản không có biến đổi khí hậu. Nguyên nhân do nhiệt độ tăng, lượng mưa nhiều gây hại cho sức khỏe của đất và lượng khí CO2 tăng làm giảm chất lượng dinh dưỡng của cây trồng. Ngoài ra, khoảng 17% sản lượng ngũ cốc, lúa mì và gạo dự kiến sẽ giảm vào năm 2050 trong trường hợp nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng lên.

Việt Nam sẽ làm gì để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia? - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Sản xuất chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cú sốc khí hậu đang trở nên ngày càng thường xuyên hơn. Ước tính 20 - 60% số lượng động vật đã thiệt hại do tình trạng hạn hán trong những thập kỷ qua.

Thực trạng trên cho thấy bất ổn an ninh lương thực vẫn chực chờ, nhất là ở nhóm những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất thế giới.

Tại COP27, các quốc gia, dù có hoàn cảnh và ưu tiên khác nhau, nhưng đã cùng thảo luận để tìm ra cách phối hợp giải quyết vấn đề an ninh lương thực trong cả hiện tại và tương lai. Các nước phát triển đã đưa ra cách khuyến khích chế độ ăn cân bằng hơn và giảm lượng khí thải trên mỗi calo (ví dụ thông qua việc giảm tiêu thụ thịt), chia sẻ thành công trong việc nâng cao khả năng phục hồi của nông nghiệp, giảm thất thoát lương thực. Trong khi đó, các nước đang phát triển - những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ khủng hoảng lương thực - đã thảo luận về sự hỗ trợ cần thiết để mở rộng quy mô các dự án nông nghiệp có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, tăng cường sinh kế (như nông nghiệp tái sinh).

Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế có liên quan đã tìm hướng mở thêm quỹ hỗ trợ khả năng phục hồi ở các nước đang phát triển, với sự đóng góp của các tổ chức tài chính và tư nhân.

Nói đến câu chuyện tác động của biến đổi khí hậu đến an ninh lương thực, câu chuyện sản xuất sau đây tại đồng bằng sông Cửu Long, địa phương chịu nhiều tác động rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu đối với sản xuất, sẽ là minh chứng rõ nét nhất.

 

Huyện Thới Bình là địa phương đầu tiên của tỉnh Cà Mau đã ban hành nghị quyết về sản xuất lúa - tôm sạch, lúa - tôm hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Mục tiêu đếm năm 2025, trên 95% diện tích nuôi tôm lúa sẽ đạt chỉ tiêu an toàn sinh thái, trong đó, có hơn 10.000ha canh tác theo quy trình lúa - tôm hữu cơ.

Ông Hà Minh Sữa, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Lực, huyện Thới Bình, Cà Mau, cho biết: "Để đạt được những mục tiêu này sẽ cần bà con phải vệ sinh môi trường, tuân thủ theo đúng quy trình khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, làm được thì mới có thể nâng cao được hơn nữa thu nhập".

Những sự chuyển đổi này mang mục tiêu dài hơi hơn là tạo nên sự chuyển biến giúp nông dân địa phương thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, tạo ra sản phẩm giá trị mang thương hiệu đặc thù, hiệu quả cuối cùng là mang lại nguồn thu cao nhất có thể.

Trước sự phát triển nhanh về diện tích, vấn đề các cơ quan quản lý địa phương phải lưu ý là việc tính toán vấn đề con giống, đầu ra cho bà con nông dân. Do nuôi trong đồng kết thúc mùa vụ sát nhau nên việc thu hoạch sẽ tiến hành đồng loạt, khi ra thị trường sẽ không tránh khỏi tình trạng bị ép giá.

Kế hoạch Hành động Quốc gia Chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 sẽ sớm được phê duyệt trong thời gian tới. Những mục tiêu rất cụ thể về tỷ lệ gia đình không đảm bảo lương thực, suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì hay sản phẩm có truy xuất nguồn gốc hay sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt đã được tính đến. An ninh lương thực giờ không còn là chuyện đủ hay thiếu mà còn là chất lượng hướng tới giá trị nông sản cao cấp. Việt Nam hơn lúc nào sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh xu thế phát triển này.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm