Giá trị thương hiệu Việt tăng mạnh trong đại dịch
Giải pháp nào để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay? / Vốn đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành giảm gần 460 tỷ đồng
Theo Brand Finance, top 50 thương hiệu Việt ghi nhận mức tăng 36% về giá trị trong năm qua, góp phần giúp thương hiệu quốc gia của Việt Nam đạt 431 tỷ USD, là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất trong 3 năm đại dịch.
Ngày 21/9, tổ chức Brand Finance đã công bố bảng xếp hạng giá trị thương hiệu các doanh nghiệp Việt. Đáng chú ý, trong nghịch cảnh đại dịch, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam và các sản phẩm Việt lại càng thăng hoa. Từ nhà ở, đồ ăn thức uống, sản phẩm ngân hàng, hay viễn thông…, giá trị thương hiệu càng lớn có nghĩa là khách hàng sẽ càng có xu hướng móc hầu bao ra lựa chọn sản phẩm mang thương hiệu đó.
Vì vậy, mấu chốt để giá tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp Việt, trước tiên, chính nhờ sự sẻ chia với cộng đồng trong đại dịch và hướng tới phát triển bền vững.
Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022.
Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam vẫn triển khai trên 26 tỉnh, thành bất chấp dịch bệnh. 3 trang trại xanh tại Thanh Hóa, Tây Ninh và Quãng Ngãi vẫn được đầu tư phát triển thêm trong dịch bệnh.
Sự chú trọng vào tăng trưởng bền vững trong 10 năm qua là mấu chốt giúp Vinamilk là cái tên được Brand Finance đánh giá là phổ biến nhất Việt Nam và top 5 thương hiệu sữa mạnh nhất toàn cầu.
"Việc sử dụng năng lượng xanh, tức là lắp pin năng lượng ở các nhà máy, các trang trại. Thứ hai là kinh tế tuần hoàn. Vừa rồi Vinamilk tập trung vào kinh tế tuần hoàn. Rác thải ra của bò để trung chuyển vào hệ thống biogas, tạo khí metan, năng lượng. Tất cả thu hồi trong một chu trình khép kín để mình tận dụng được nguồn năng lượng đó, gọi là năng lượng xanh", bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Điều hành Vinamilk, chia sẻ.
Chuyển đổi số cũng là điểm nhấn của báo cáo năm nay, từ top đầu là các doanh nghiệp viễn thông, hay nhóm ngân hàng, đã gắn chặt thương hiệu của mình với tầm nhìn chuyển đổi số của quốc gia.
"Hai năm đại dịch COVID-19 mang đến nhiều khó khăn, tuy nhiên cũng mang lại nhiều cơ hội. Đặc biệt, mục tiêu của chúng tôi là trở thành tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu, trong đó lấy lĩnh vực chuyển đổi số là nội dung phát triển trọng tâm", bà Hà Thu Hương, Trưởng phòng Quản trị thương hiệu Viettel, cho biết.
Mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ, mang tính tương hỗ giữa thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia cũng được nhấn mạnh.
"Tốc độ tăng trưởng thương hiệu kỷ lục của Việt Nam có được là nhờ các chính sách tài khóa, tiền tệ thành công và các khoản đầu tư vào vốn con người đã đưa đất nước trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn với đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thương mại toàn cầu gián đoạn", ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh.
"Liên quan tới thương hiệu quốc gia, trong năm 2022, chúng tôi sẽ xét chọn để chọn ra sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, nâng cao lực cho họ, tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm được xét chọn của chương trình nói chung, sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và tập trung vào thị trường nước ngoài", ông Tạ Mạnh Cường, Trưởng phòng Phát triển Năng lực Xúc tiến Thương mại, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, thông tin.
Trong khi các thương hiệu đứng đầu bảng xếp hạng của các quốc gia trong khu vực chủ yếu là các thương hiệu ngoại, ở Việt Nam, vị trí đó lại thuộc về các thương hiệu nội.
Hoạt động định giá thương hiệu trên thế giới
Trên thế giới, định giá thương hiệu là một "tài sản vô hình", đã trở thành một hoạt động quan trọng của doanh nghiệp từ hàng chục năm nay. Giá trị thương hiệu được đẩy cao thường đi kèm với doanh thu khởi sắc.
Trên thế giới, việc định giá thương hiệu rất phổ biến, nhất là trong hoạt động mua bán, sáp nhập. Ví dụ cụ thể là năm 1988, để tránh bị mua đứt bởi tập đoàn khác, Tập đoàn thực phẩm hàng đầu của Anh là Ranks Hovis McDougall (RHM) đã thành công trong việc chứng minh giá trị công ty của mình lớn hơn rất nhiều nhờ vào việc đưa vào danh mục giá trị thương hiệu mà trước đây không hề tồn tại chính thức.
Theo đó, RHM đã thể hiện trong bảng cân đối tài sản với con số 1,2 tỷ USD, đại diện cho giá trị của 60 thương hiệu công ty sở hữu, dưới dạng mục tài sản vô hình.
Theo Samir Dixit, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng Brand Finace, tại nhiều quốc gia phát triển, giá trị thương hiệu thường chiếm 47% tổng giá trị doanh nghiệp.
"Định giá thương hiệu chính là nhìn xem cái tên thương hiệu đóng góp bao nhiêu cho doanh thu. Ví dụ một người tiêu dùng chọn mua một món đồ, thì bao nhiêu % quyết định mua là đến từ giá cả sản phẩm, bao nhiêu % là vì chất lượng sản phẩm và bao nhiêu % là do nhìn vào thương hiệu mà quyết định bỏ tiền ra mua. Giá trị thương hiệu sẽ được định giá dựa vào những phép so sánh đó", ông Brian Rafferty, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu, Công ty Siegel Gale, cho biết.
Một ví dụ về giá trị thương hiệu là khi người ta mua một chiếc đồng hồ Apple Watch. Theo Siegel Gale, thông thường họ mua một chiếc Apple Watch không phải vì so sánh chất lượng hay giá cả với các loại đồng hồ đeo tay khác, mà thực tế họ đang mua thương hiệu.
Cũng từ Apple, chúng ta có một ví dụ điển hình về việc "làm thế nào để tăng giá trị thương hiệu". Ngoài chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá trị thương hiệu gắn liền với độ trung thành của khách hàng. Cũng giống như cách một người đã sở hữu 1 chiếc iPhone thường sẽ có 1 chiếc iPad, hoặc dùng thêm 1 chiếc Macbook. Cải thiện trải nghiệm của khách hàng chính là một cách quan trọng để tăng giá trị thương hiệu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Phát triển công nghệ quản lý hiệu quả lượng phát thải carbon
Cục CSGT lý giải về việc bỏ quy định người dân được giám sát qua ghi âm, ghi hình
Hơn 11.600 tỷ đồng chi trả bồi thường bảo hiểm do bão số 3 và lũ lụt gây ra
Bộ Tài chính sẽ theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách
Vĩnh Long: Sắp diễn ra festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh
Trường Đại học Đông Á: Xây dựng cầu nối cho giới trẻ nói về sức khỏe tinh thần