Giải ngân đầu tư công - Động lực thúc đẩy tăng trưởng
Bạc Liêu yêu cầu gỡ bỏ biển cấm quay phim, chụp ảnh tại các sở, ngành / Vướng mắc mặt bằng, nhiều dự án “dậm chân tại chỗ”
Động lực nào vực dậy tăng trưởng kinh tế?
Tăng trưởng kinh tế quý I chỉ ở mức 3,32% trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, bất ổn và khó lường, các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp; một số ngân hàng lớn tại Mỹ, châu Âu ngừng hoạt động, phá sản. Trong khi hậu quả của đại dịch COVID-19 chưa vẫn khắc phục được hết.
Nhiều địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… tăng trưởng thấp. Ở phía Bắc, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm như Bắc Ninh -11,85%, theo báo Thanh niên.
Theo tờ Người Lao động, GRDP quý I/2023 của TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,7%, xếp vào nhóm các địa phương có mức tăng trưởng thấp của cả nước. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã ví 4 quý là bốn trận đấu thì trận đầu tiên bị thua đậm, phải nỗ lực cho 3 trận sau.
GRDP của TP Hồ Chí Minh tăng chậm trong quý I do nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân nằm ngoài tầm kiểm soát như thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều nút thắt thể chế chưa được tháo gỡ, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp...
Tuy nhiên, trong cùng một bối cảnh và khuôn khổ thể chế, nhiều tỉnh thành vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng cao hơn. Báo Nhân dân dẫn chứng, GRDP của Hải Phòng thậm chí còn tăng đến gần 10% trong quý I. Các địa phương cần quan tâm xem xét những nguyên nhân chủ quan ở đây.
Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I thấp hơn kịch bản đề ra, đồng thời dựa trên dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Với kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt khoảng 6%.Với kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản 2.
Tại Hôi nghị Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chưa điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, các bộ, ngành cần quyết tâm, nỗ lực lớn hơn, theo dõi, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, có kịch bản, giải pháp phản ứng kịp thời, phù hợp.
Rốt ráo thúc tiến độ giải ngân vốnđầu tư công
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, một câu hỏi vẫn luôn được đặt ra đó là có thể trông vào động lực tăng trưởng nào? Xung quanh vấn đề này, nhiều số báo ra trong tuần cùng chung một quan điểm: Nếu giải ngân đầu tư công được thúc đẩy mạnh trong quý II, sẽ tạo dư địa cho tăng trưởng.
Tờ Đầu tư dẫn lời Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng, Bộ được giao hơn 94.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, là đơn vị có số vốn đầu tư công lớn nhất năm 2023. Theo đó, mỗi tháng phải giải ngân khoảng 8.000 tỷ đồng, đồng thời cần tăng cường tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án dở dang sẽ giúp giải phóng nguồn lực rất lớn, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Tương tự, với TP Hồ Chí Minh cũng cần xác định, đầu tư công là trụ cột quan trọng nhất để kéo kinh tế thành phố dần tăng trưởng trở lại, tờ Thanh niên dẫn ý kiến của Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch.
Nếu mọi năm, tăng trưởng kinh tế trông nhiều vào khu vực sản xuất công nghiệp, năm nay động lực này đã suy giảm do những khó khăn từ kinh tế thế giới. Bởi vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ và đầu tư công được đặt làm trọng.
Khi chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm: Đầu tư công, vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển nên cần cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Giữa tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ thành lập 5 tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Các tổ công tác phải xuống từng địa phương, vào từng dự án để gỡ khó, thúc tiến độ giải ngân.
Báo Nhân dân cuối tuần bình luận, tiến độ giải ngân vốn nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào cách làm của lãnh đạo địa phương, cũng như vai trò của chủ đầu tư, ban quản lý các dự án…. Điều này cũng thể hiện phần nào năng lực lãnh đạo và trách nhiệm từ địa phương.
Trong bối cảnh cần động lực tăng trưởng như lúc này, cần những giải pháp đột phá cũng như có chế tài để thúc đẩy các dự án trọng điểm chuyển động. Phải tận dụng, chắt chiu các cơ hội cho tăng trưởng thì các quý sau tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện.
Khoanh nợ, giảm chi phí cho doanh nghiệp
Cùng với thúc đẩy đầu tư công, việc sớm ban hành những chính sách hỗ trợ mới như miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí… cũng là những giải pháp để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh.
Tại hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo sinh kế cho người dân.
Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền việc cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm chi phí doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý và tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức bên trong và những tác động rất nặng nề từ bên ngoài, việc chuyển hướng chính sách sang hỗ trợ tăng trưởng là rất cần thiết.
Tờ Thời báo Ngân hàng bình luận, việc Ngân hàng Nhà nước có tới 2 lần giảm một số lãi suất điều hành chỉ trong vòng 2 tuần được nhìn nhận là một bước đi hợp lý trong bối cảnh hiện nay, thể hiện sự phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa, đặc biệt là quyết tâm thúc đẩy đầu tư công hiện nay.
Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm sẽ góp phần tạo tâm lý tích cực cho người dân, doanh nghiệp trong chi tiêu cũng như thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng quan điểm, tờ Sài Gòn giải phóng bình luận, việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành sẽ có tác động tích cực tới triển vọng của nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2023.
Sau quý I/2023, Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay là 6,5%, năm sau là 6,8%. Mức tăng trưởng này cao hơn dự báo trước đó. Báo cáo của ADB nhấn mạnh những đột phá chính trong điều hành kinh tế của Việt Nam đó là quyết tâm của Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân với khối lượng rất lớn khoảng 30 tỷ USD trong năm nay. Nếu giải ngân hết sẽ đóng góp 1% GDP.
Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trong châu Á chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng chính sách tiền tệ, qua đó giúp tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn, hỗ trợ thanh khoản của doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo