Gỡ khó cho nhà ở xã hội
Có tình trạng núp bóng hướng dẫn dân tách sổ đỏ để trục lợi? / Khách Việt chuộng du lịch nước ngoài dịp hè
Dù còn hàng trăm nghìn căn khác đang triển khai, nhưng để hoàn thành mục tiêu 1 triệu cănnhà ở xã hộivào năm 2030 như Đề án của chính phủ đề ra thì sức ép vẫn là rất lớn, trong khi đó, còn khá nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục.
Ngày 19/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Nhà ở. Trong rất nhiều điểm mới của dự thảo luật, các quy định về nhà ở xã hội giành được sự quan tâm lớn của xã hội trong thời gian qua. Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung thêm các quy định về hình thức phát triển nhà ở xã hội; yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá cho thuê, mua nhà ở xã hội; trách nhiệm của Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy còn khá nhiều vướng mắc trong triển khai nhà ở xã hội thời gian qua.
Nhiều dự án nhà ở xã hội ế ẩm
Đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Mục tiêu của đề án là đến năm 2030 xây dựng được một triệu căn nhà ở xã hội. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy cả nước đang triển khai 418 dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc người thu nhập thấp có thể tiếp cận nhà ở xã hội vẫn không phải đơn giản, do nhiều nguyên nhân
Dự án khu nhà ở xã hội Bamboo Garden tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, với hơn 400 căn hộ, từng xôn xao khi chỉ có mức giá khoảng 10 triệu đồng/m2, nhưng cũng phải trải qua 23 lần mở bán mới hết. Các nhà quan sát phân tích, một dự án nhà ở xã hội ngoài căn hộ để ở, phải đảm bảo kết nối giao thông tốt, đảm bảo hạ tầng, thì mới thu hút được người mua.
Một trường hợp khác là dự án nhà ở xã hội duy nhất tại tỉnh Lạng Sơn, dù quy mô lên tới 4 tòa chung cư, nhưng hiện nay, chủ đầu tư mới dám xây 1 tòa, một phần vì số lượng khách mua ít, đến nay đã cạn hồ sơ đăng ký mua. Có nghĩa là nếu chủ đầu tư xây tiếp thì sẽ không biết bán cho ai. Lãnh đạo địa phương cho biết, quy định hiện nay cần mở rộng đối tượng người được mua nhà ở xã hội, để tăng số lượng người đáp ứng yêu cầu.
Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết: "Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, có đối tượng là hợp đồng 68, làm các nhiệm vụ như tạp vụ, dọn dẹp, bảo vệ chưa được mua nhà ở xã hội".
Hay tại tỉnh Bắc Ninh, một số nhà ở công nhân, nhà ở xã hội vẫn chưa lấp đầy người ở. Các doanh nghiệp cho rằng, vấn đề nằm ở giá bán và mô hình chưa thật sự phù hợp.
Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cát Tường, nói: "Nhiều người đi làm 10 năm, 15 năm nữa cũng không đủ tiền mua. Doanh nghiệp có thể xây được nhưng bán cho ai. Do đó, theo tôi nên tính đẩy mạnh cho thuê thì phù hợp hơn".
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nhu cầu của người dân về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng có sự khác nhau về khu vực và mỗi địa phương sẽ có đặc điểm riêng, nhu cầu riêng.
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội
Để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, tháng 3 vừa qua, Chính phủ chính thức triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng - tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Theo đó, chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở xã hội sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi. Tới nay, đã có 100 dự án nhà ở xã hội được các tỉnh phê duyệt hưởng gói ưu đãi này.
Ông Cao Tiến Thắng, Chủ đầu tư dự án xây dựng Nhà ở xã hội, khu nhà ở đô thị Kim Hoa, cho biết: "Quan điểm của chúng tôi là xây dựng nhà ở xã hội nhưng chất lượng sẽ như nhà ở thương mại. Chủ đầu tư quản lý được nguyên vật liệu và nhân công nên sẽ đảm bảo được chi phí thấp nhất. Mặt bằng sạch 100%, được cấp sổ đỏ, chúng tôi chỉ cần tập trung nhân lực vật lực thi công, vì thế, tiến độ thi công kiểm soát được".
Huyện Mê Linh hiện đã được quy hoạch và phê duyệt 11 dự án xây dựng nhà ở xã hội, tổng diện tích trên 30 ha.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, Hà Nội, nói: "Công tác điều chỉnh quy hoạch, chủ trương đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng đối với đất dự án… việc này huyện hết sức quan tâm, phối hợp với chủ đầu tư, để khẩn trương triển khai đảm bảo được yêu cầu của thành phố đã giao".
Thành phố Hà Nội đã đặt mục tiêu có thêm 1,2 triệu m2 sàn với 22 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành vào năm 2025, phục vụ nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Để hiện thực hoá mục tiêu này, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng; trọng tâm là đẩy nhanh thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.
Ông Lê Quang Long, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, cho biết: "Đây là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, quan tâm đến nhu cầu của người lao động. Hiện nay chúng tôi cũng đang tiến hành ra soát và tham mưu cho thành phố kế hoạch chỉnh trang quỹ đất quanh khu công nghiệp, để ra một số quỹ đất phù hợp".
Chính sách phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo là chính sách nhân văn, đảm bảo cho người lao động an cư lạc nghiệp. Để thực hiện thành công chiến lược này, trước mắt để chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, cần sự đồng bộ cả từ pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, cho đến chính sách quản lý trong mua bán, sử dụng. Có như vậy mới tạo sự yên tâm cho cả doanh nghiệp và người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao