Khi nông dân làm du lịch - Bài 1: Nâng tầm nông sản
Dưới mái nhà chung - Bài 3: Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng vùng sâu trong đất liền / Dưới mái nhà chung - Bài cuối: Sức bật lớn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia
Phát triển du lịch song hành cùng sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân đã thành công. Tuy nhiên, trên hành trình phát triển kinh tế nông nghiệp cùng kinh tế du lịch, dịch vụ, họ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cần tiếp tục được sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan. Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này qua hai bài viết: "Khi nông dân làm du lịch".
Bài 1:Nâng tầm nông sản
Hiện nay, nói đến các sản phẩm du lịch ở nhiều địa phương, không thể thiếu nhóm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Miệt vườn cây ăn trái trĩu quả, vườn hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu hay ruộng muối trắng tinh của nông dân các xã vùng biển, đảo... đã trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc.
Nhiều trải nghiệm hấp dẫn
Về Làng hoa Sa Đéc (phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), du khách như lạc vào vương quốc hoa với đủ chủng loại hoa, cây cảnh ngập tràn sắc màu. Được hình thành từ cuối thế kỷ XIX, là "thủ phủ hoa" miền Tây Nam Bộ, Làng hoa Sa Đéc giờ đây còn là điểm đến du lịch đầy ấn tượng của du khách trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng - người nông dân gắn bó nhiều năm với nghề trồng hoa, cây cảnh ở Làng hoa Sa Đéc, hiện là Phó Giám đốc Công ty hoa kiểng Ngân Cường, đồng thời là chủ nhân Khu du lịch vui chơi miệt vườn Happy Land Hùng Thy. Tranh thủ trả lời điện thoại của khách hàng hỏi về các sản phẩm hoa, cây cảnh, ông Hùng chia sẻ với chúng tôi về "cơ duyên" làm du lịch.
Gia đình ông Hùng có 3 thế hệ đã gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh. Lúc đầu, khi được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đến tham quan vườn ươm các loại hoa, cây cảnh và gợi ý gia đình quy hoạch lại các diện tích đất vườn, sửa sang để kết hợp bày bán các loại hoa, cây cảnh vừa đón du khách tới tham quan, ông không "mặn mà" lắm. Tuy nhiên, sau nhiều lần được sự động viên, hướng dẫn của lãnh đạo tỉnh, thành phố Sa Đéc, ông đã thay đổi suy nghĩ, quyết định vừa phát triển sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh, vừa xây dựng khu du lịch vui chơi miệt vườn từ chính những lợi thế am hiểu nghề truyền thống. Hiện nay với diện tích 17.000 m2, Khu du lịch vui chơi miệt vườn Happy Land Hùng Thy của gia đình ông là một trong những địa chỉ nổi bật ở Làng hoa Sa Đéc.
Khu du lịch được đầu tư, quy hoạch bài bản, gồm các khu chức năng: Vườn ươm trồng hoa, cây cảnh; khu trải nghiệm các trò chơi dân gian đậm chất văn hóa miệt vườn như bơi xuồng, đi cầu khỉ, đạp xe thăng bằng...; khu tiểu cảnh chụp hình lưu niệm; khu vực ẩm thực; quầy giới thiệu, bày bán các đặc sản Đồng Tháp. Khu du lịch vui chơi miệt vườn Happy Land Hùng Thy đã được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, mỗi năm đón trên 100.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Cùng ở Làng hoa Sa Đéc, cũng như ông Nguyễn Ngọc Hùng, ông Trần Thanh Hùng vốn là nông dân gắn bó với nghề ươm trồng hoa, cây cảnh và nuôi ếch, bán ra thị trường. Hiện nay, ông là Chủ nhiệm Hội quán "Cùng nhau làm du lịch" ở Làng hoa Sa Đéc và là chủ homestay "Ngôi nhà hoa và ếch". Homestay "Ngôi nhà hoa và ếch" là một trong những điểm đến lưu trú có khung cảnh thoáng mát, giới thiệu đến du khách nhiều loại hoa, cây cảnh, có khu ươm ếch giống và nhà hàng phục vụ du khách đặc sản ẩm thực đồng quê.
Ông Trần Thanh Hùng cho biết, trước đây, những thành viên hội quán là những nông dân chỉ biết trồng và bán hoa, cây cảnh, nay đã biết kết hợp cả sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh, phát triển du lịch với mục đích tăng thu nhập cho gia đình và cộng đồng. Từ hoạt động du lịch, đón khách tham quan, nhiều sản phẩm hoa, cây cảnh của Sa Đéc được nhiều người biết hơn, thị trường tiêu thụ rộng mở, giá bán cũng cao hơn.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, người nông dân Làng hoa Sa Đéc hôm nay tự hào góp phần phát triển một trong những ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp của tỉnh là ngành hàng hoa, cây cảnh. Từ một làng hoa khiêm tốn, sản phẩm chỉ cung ứng trong phạm vi một tỉnh, một vùng, nay Sa Đéc đã có hơn 3.000 ha hoa, cây cảnh với hơn 2.000 giống hoa, cây cảnh, đưa ra thị trường hơn 12 triệu sản phẩm mỗi năm. Hoa, cây cảnh Sa Đéc không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Sa Đéc cũng đã trở thành điểm đến du lịch của hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước mỗi năm.
Còn ở ngoại thành TPHồ Chí Minh, một trong những điểm đến có những sản phẩm du lịch đậm phong vị biển, đảo là du lịch cộng đồng ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Tại điểm du lịch này, du khách tham quan không gian nhà muối, ruộng muối, tham quan rừng ngập mặn, nghe tiếng đàn sến, thưởng thức ẩm thực, thức uống xứ biển, ngâm chân thư giãn với thảo dược muối. Chủ nhân của các sản phẩm du lịch chính là những diêm dân, ngư dân trước đây chỉ quen sớm hôm vất vả với nghề làm muối, khai thác, nuôi trồng thủy sản.
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch cộng đồng Thiềng Liềng cho biết, với sự giúp đỡ, tư vấn của các cấp, ngành, phát triển du lịch từ hạt muối và những nét văn hóa cộng đồng, Hợp tác xã được thành lập từ 2 năm nay, tập hợp các thành viên là nông dân, tham gia làm du lịch cộng đồng. Nhờ có thêm nghề làm du lịch, dịch vụ với loạt sản phẩm từ đồng muối, từ đặc sản ẩm thực, mọi người có thu nhập cao hơn.
Điều đáng mừng là, hạt muối Cần Giờ và nhiều sản phẩm được sáng tạo, chế biến từ hạt muối như muối thảo dược làm đẹp, chăm sóc sức khỏe đã được nhiều người biết đến, giá trị hạt muối nâng lên, thị trường tiêu thụ mở rộng. Nhiều du khách đến du lịch ấp Thiềng Liềng đã mua với số lượng lớn các túi muối thảo dược về để sử dụng hoặc làm món quà biếu, tặng đầy ý nghĩa.
Tự hào bản sắc
Các điểm đến du lịch có sự tham gia của những nông dân tại địa phương hoặc do chính người nông dân là chủ điểm đến đang mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm chân thực, sống động mang đặc trưng sinh thái sản xuất nông nghiệp, văn hóa bản địa rõ nét.
Ông Trần Thanh Hùng - Chủ nhiệm Hội quán "Cùng nhau làm du lịch" ở Làng hoa Sa Đéc chia sẻ, điểm cốt lõi mà trên 40 nông dân của làng nghề trồng hoa, cây cảnh khi cùng tham gia Hội quán luôn tâm niệm là phải lấy vốn văn hóa bản địa làm nền tảng để tạo ra giá trị về kinh tế. Để hấp dẫn du khách, ngoài sản phẩm là các loài hoa, cây cảnh đẹp, khung cảnh làng quê, các thành viên hội quán còn giới thiệu nét văn hóa thể hiện qua tập quán canh tác hoa, cây cảnh độc đáo là treo hoa lên giàn, đi xuồng chăm cây trong mùa nước nổi.
Họ còn nhiệt tình kể với du khách đặc tính, ý nghĩa từng loại hoa hay cây cảnh trang trí nội thất, cây đặt trong các không gian công trình lớn, các loại cỏ trải thảm. Những hoạt động trải nghiệm cũng được chọn lọc, thể hiện bản sắc văn hóa miệt vườn, sông nước như đi cầu khỉ, cầu lắc, chèo xuồng...
Các thành viên Hội quán "Cùng nhau làm du lịch" ở Làng hoa Sa Đéc chú ý xây dựng mối liên kết phát triển du lịch theo hướng phát huy giá trị tài nguyên bản địa, sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của địa phương, góp phần gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp từ những bản sắc văn hóa kết tinh trong sản phẩm nông sản, đặc sản ẩm thực, phong tục tập quán giới thiệu đến du khách
Cùng chung suy nghĩ, ông Đặng Văn Những - nông dân trồng xoài, Chủ nhiệm "Tâm quê hội quán" ở xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Trên 60 thành viên hội quán rất tự hào khi giới thiệu đến du khách về vườn xoài canh tác theo hướng hữu cơ, thông minh, theo dõi các thông số qua hệ thống cảm biến kết nối với điện thoại cùng những nét văn hóa đã trở thành sản phẩm du lịch.
Với sự giúp đỡ của các ngành, chính quyền địa phương, một doanh nghiệp du lịch đã phối hợp cùng người dân xã Tân Thuận Tây đầu tư nuôi cá, khai thác sản phẩm du lịch đưa du khách đi tham quan vườn xoài kết hợp dỡ chà (hình thức bắt cá sông quen thuộc của người dân vùng sông nước, đặt các "chà" bằng cây để dụ cá về làm tổ, trú ngụ), thưởng thức ẩm thực chế biến từ đặc sản địa phương.
Nhiều du khách khi được nghe câu "dỡ chà đãi bạn", tìm hiểu bí quyết uống chút nước mắm cá linh để giữ sức khỏe khi ngụp lặn lâu dưới nước lúc dỡ chà đã tỏ ra rất bất ngờ và thích thú, thêm hiểu về đời sống người dân địa phương.
Tại huyện Cần Giờ, TPHồ Chí Minh, có rừng ngập mặn đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Di tích lịch sử chiến khu rừng Sác… là những địa chỉ thu hút du khách. Các sản phẩm du lịch cộng đồng ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An) đang góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch ở huyện ngoại thành Cần Giờ nói riêng, TPHồ Chí Minh nói chung.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TPHồ Chí Minh, người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, cải thiện thu nhập, đồng thời góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ tài nguyên môi trường tại địa phương. Nhiều nông dân ở Cần Giờ tự tin làm "thuyết minh viên", kể câu chuyện lịch sử hình thành ấp đảo Thiềng Liềng nói riêng, xã đảo Thạnh An nói chung, giới thiệu về nghề làm muối trên bạt, mỗi năm đưa ra thị trường hơn 20.000 tấn muối. Bà con cũng hướng dẫn du khách thưởng thức nhiều những sản vật thể hiện nét văn hóa của người dân trên đảo, tăng sự hấp dẫn cho điểm đến.
Bài cuối: Tiếp lửa say mê
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
18 tỉnh thành có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá sau bão số 3
Kiều bào với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường - Bài 1: Nguồn lực to lớn và quý giá
Khẩn trương giúp đỡ người dân ảnh hưởng bão số 3 vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất
Các lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 3 tại Hà Nội
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3 và ứng phó với hoàn lưu bão
Hỗ trợ khẩn cấp 20 tỷ đồng khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất tại Sơn La, Điện Biên