Tin tức - Sự kiện

Dưới mái nhà chung - Bài 3: Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng vùng sâu trong đất liền

Tại Hội thảo Liên kết Phát triển Du lịch Xanh nhằm đánh giá tiềm năng, lợi thế của Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế vào cuối tháng 7/2023, nhiều đại biểu có chung quan điểm: Trong thiết kế “Du lịch Xanh - Kết nối và Phát triển,” sản phẩm du lịch vùng sâu trong đất liền của mỗi địa phương cần được nhìn nhận, khai thác hiệu quả.

Ngăn ngừa, ứng phó với các bệnh truyền nhiễm liên quan đến biến đổi khí hậu / Khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Chú thích ảnh
Đồng bào Cơ tu biểu diễn điệu múa tung tung da dá phục vụ khách du lịch trong sân nhà gươl của thôn Pà Ia, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Theo đó, các giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên của vùng sâu trong đất liền rộng lớn đang từng bước được khai thác bền vững để xây dựng môi trường du lịch đảm bảo tính sinh thái, nhân văn và chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Đây là nền tảng để du lịch sinh thái, du lịch văn hóa trở thành sản phẩm có sức thu hút mạnh với du khách trong nước và quốc tế.

Miền núi Quảng Nam trải dài dưới chân dãy Trường Sơn, với diện tích xấp xỉ 800.000ha, là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Cor. Vùng sâu trong đất liền Quảng Nam còn giữ nguyên vẹn nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cùng hệ sinh thái đa dạng, là nguồn tài nguyên quý giá cần được khai thác bền vững trong thiết kế chuỗi sản phẩm du lịch xanh. Đặc biệt khu du lịch Cổng trời Đông Giang đi vào hoạt động không chỉ tạo ra điểm nhấn mà còn có khả năng làm đòn bẩy cho du lịch cộng đồng phát triển - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu kỳ vọng.

Với quy mô 120 ha, tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng, khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang sẽ tạo động lực, làm tiền đề giúp du lịch vùng núi phía Tây Quảng Nam thay đổi diện mạo, cảnh quan địa phương nhằm thực hiện hóa mục tiêu phát triển quy hoạch toàn tỉnh Quảng Nam theo mô hình cấu trúc không gian “hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó vùng Tây được định hướng sẽ trỗi dậy và chuyển mình mạnh mẽ thành “thỏi nam châm” để hút du khách về với miền núi Quảng Nam.

Tỉnh Quảng Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu đến năm 2025 thu hút được hơn 12 triệu lượt khách, trong đó có 5,5-6 triệu lượt khách quốc tế, tạo ra khoảng 30.000 việc làm cho xã hội và tăng lên 50.000 việc làm vào năm 2030, trong đó lao động ở khu vực nông thôn và miền núi chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Từ 3 năm nay, thác nước tại bản Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) và những cánh rừng nguyên sinh trên đỉnh Sa Mù đã trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách. Đến đây du khách được cảm nhận một không gian đậm chất văn hóa truyền thống miền núi cao, cùng những món ăn của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Với 100% dân số là người Vân Kiều, thôn Chênh Vênh vẫn còn bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là lễ hội cồng chiêng, ẩm thực, trang phục, đan lát và các làn điệu dân ca truyền thống thu hút sự tìm tòi, khám phá và trải nghiệm của du khách mỗi khi đến đây.

 

Chị Hồ Thị Thắng, người Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh chia sẻ: “Được dự án hỗ trợ tiền và dạy làm du lịch, gia đình tôi rất vui vì có cơ hội để có thêm nghề mới, có thêm thu nhập. Làm du lịch, bà con Vân Kiều có thêm cơ hội để giới thiệu cho mọi người biết về tập quán văn hóa truyền thống của dân tộc mình”. Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Văn Quý cho biết: Giờ đây, chuyện làm du lịch không còn xa lạ với đồng bào thôn Chênh Vênh. Bà con đã chủ động trong việc đón tiếp, phục vụ du khách. Người Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh đã được hỗ trợ mở một lối đi mới, họ không còn quẩn quanh trong nghèo khó, lạc hậu.

Thác Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa là một trong những thác nước đẹp nhất tỉnh Quảng Trị, nằm sâu giữa đại ngàn, có dòng nước đổ từ núi cao xuống, mát rượi quanh năm. Bên dưới thác là hồ nước xanh màu ngọc bích, cây cối tươi tốt quanh năm, vẻ đẹp hùng vĩ. Tận dụng cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, anh Hồ Văn Giỏi (người Vân Kiều ở bản Trăng Tà Puồng) và một số hộ dân đồng bào Vân Kiều ở xã Hướng Việt đã tiên phong xin chính quyền khai thác du lịch cộng đồng tại thác Tà Puồng.

Sau khi được học cách làm du lịch, năm 2021, Tổ du lịch cộng đồng ra đời gồm 22 hộ gia đình người Vân Kiều. Họ cùng nhau phát triển con đường đi bộ vào thác Tà Puồng để du khách đi lại được dễ dàng. Phần mặt bằng trước hồ nước và chung quanh được dựng 15 lán tre nứa đón khách, mỗi lán đủ rộng để khoảng 10 người nghỉ ngơi trong thời gian trải nghiệm. Hiện thác Tà Puồng đã trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài tỉnh đam mê du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên.

Chú thích ảnh
Nữ du khách người Nhật Bản trải nghiệm công việc đi lấy củi khô hàng ngày về để đun nấu của người phụ nữ Cơ tu. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Theo anh Hồ Văn Giỏi, năm 2023 có hơn 5.000 lượt khách trải nghiệm thác Tà Puồng. Cao điểm khai thác du lịch tại thác Tà Puồng từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Các dịp lễ, ngày cuối tuần, thác Tà Puồng thu hút cả trăm người đến. “Số tiền thu được từ phục vụ ẩm thực và các dịch vụ, sau khi cân đối sẽ được chia đều cho các thành viên. Mỗi tháng người dân có thêm thu nhập từ 5-6 triệu đồng/hộ. Nhờ tham gia vào tổ khai thác du lịch nên bà con dân bản đoàn kết, gắn bó với nhau hơn; đời sống vật chất tinh thần ngày được cải thiện”- anh Giỏi chia sẻ.

Những năm gần đây, suối Tà Lao ở xã Tà Long hiền hòa, hoang sơ giữa đại ngàn Trường Sơn luôn là sự lựa chọn số một của du khách khi đến huyện miền núi Đakrông du lịch trải nghiệm. Người sáng lập tour du lịch trải nghiệm suối Tà Long là chị Hồ Thị Thương, người dân tộc Bru-Vân Kiều. Từ năm 2020, chị Thương đã vận động các hộ gần suối chế biến các món ăn dân dã mang hương vị núi rừng cùng thực hiện tour du lịch trải nghiệm 199k. Theo chị Thương, du khách có thể trải nghiệm lòng suối Tà Lao, mang trang phục truyền thống của người đồng bào chụp ảnh, thưởng thức các đặc sản bản địa và được người hướng dẫn tham quan, giới thiệu về văn hóa, đời sống của đồng bào dân tộc miền Tây Quảng Trị. Dọc hệ thống suối dựng các cầu khỉ, các lán trại và trang trí giản đơn những địa điểm ấn tượng để du khách check-in. Hiện điểm du lịch cộng đồng này thu hút khoảng 100 lượt người đến tham quan mỗi ngày, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 phụ nữ địa phương, thu nhập mỗi tháng từ 5-7 triệu đồng.

 

Nhằm góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch, trong thời gian qua, nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như: Khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài; Làng Toom Sara đã đưa các chương trình văn hóa của người đồng bào Cơ Tu vào trình diễn phục vụ du khách với các show biểu diễn múa tung tung dza dzá, múa cồng chiêng, trò chơi bắn nỏ, dệt thổ cẩm và thưởng thức ẩm thực đồng bào; đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan trải nghiệm các hoạt động du lịch.

Tham quan làng du lịch sinh thái Toom Sara, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, anh Lý Lâm Thông chia sẻ, các hoạt động trải nghiệm ở làng rất thiết thực, du khách được hòa mình trong khung cảnh thiên nhiên núi rừng, được tận mắt xem người Cơ Tu biểu diễn múa tung tung dza dzá, thưởng thức ẩm thực, tham gia các trò chơi trải nghiệm của người đồng bào rất vui và cho chúng ta có thêm cơ hội hiểu biết về các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, các hoạt động văn hóa truyền thống của người Cơ Tu gắn với việc phát triển du lịch trên địa bàn đều hoạt động thường xuyên, hiệu quả, mang lại những giá trị lớn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Qua đó quảng bá được vẻ đẹp và sự độc đáo của văn hóa cộng đồng người Cơ Tu, hướng tới đẩy mạnh, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại địa phương.

Bài cuối: Sức bật lớn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm