Không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động
Chính phủ yêu cầu hạn chế tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế / Xuất nhập khẩu 2022 dự kiến lập đỉnh mới
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá kỹ lại thị trường lao động, dứt khoát không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, có biện pháp khắc phục hiệu quả, phù hợp, cơ cấu lại thị trường giữa số lao động mất việc và nhu cầutuyển dụng lao động. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên họp Thường trực Chính phủ mới diễn ra.
Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp: Khuyến khích doanh nghiệp có biện pháp thiết thực cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho lao động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cuối năm cho lao động, động viên người lao động sau Tết sớm trở lại làm việc; hỗ trợ lao động có hoàn cảnh khó khăn được vui đón Tết; hạn chế phát sinh tranh chấp lao động trước, trong và sau Tết.
Tăng cường giám sát, đảm bảo quyền lợi người lao động dịp cuối năm
Trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trao đổi với phóng viên VTV, đại diện Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đang theo dõi tình hình cắt giảm lao động ở các DN, kịp thời báo cáo Chính phủ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các chế độ cho người lao động; rà soát tình hình nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để có phương án tổ chức kết nối cung - cầu; tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm; cùng các địa phương xây dựng, triển khai ngay chính sách hỗ trợ lao động khó khăn, thiếu việc, nhất là vào dịp Tết.
Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: "Đối với tình trạng người lao động bị sa thải, chúng tôi có chỉ đạo hệ thống trung tâm việc làm, có sự kết nối thông tin, tư vấn, kết nối việc làm cho người lao động, có những giải pháp hỗ trợ 2 bên doanh nghiệp và người lao động, tiến hành đối thoại để xây dựng quan hệ lao động ổn định, tránh phát sinh vấn đề tranh chấp lao động phức tạp".
Hình minh họa.
Doanh nghiệp cân đối thưởng Tết, chăm lo cho người lao động
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Tết nguyên đán - thời điểm mà người lao động mong chờ nhất trong năm, bởi họ được đón Tết sau 1 năm lao động và quan trọng là có thêm thưởng Tết.
Đa số các doanh nghiệp cho biết sẽ cố gắng thưởng Tết cho người lao động tối thiểu 1 tháng lương, vừa là để giữ chân người lao động, vừa là tri ân người lao động sau 1 năm "đồng cam cộng khổ" cùng doanh nghiệp.
Chị Trần Thị Liên, công nhân Công ty TNHH Chang Shuen, nói: "Có thêm thưởng Tết, quà Tết giúp công nhân chúng tôi đón Tết đỡ tủi. Thêm nữa, công việc rất ổn định từ đầu năm tới giờ. Thu nhập cuối năm ổn định vì cũng gần Tết tới nơi".
Để giữ được việc làm ổn định, thưởng Tết từ 7.000.000 – 15.000.000 đồng cho người lao động, doanh nghiệp phải tìm mọi cách để có đơn hàng. Đơn hàng nhỏ, giá trị thấp cũng được doanh nghiệp "kéo" về để có việc cho công nhân.
Ông Nguyễn Bá Tường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Chang Shuen, nói: "Đơn hàng công ty nhận chủ yếu là để duy trì sản xuất, để lo đời sống cho công nhân. Công ty trích lợi nhuận ở mức tối đa để lo tháng lương 13 và các phần thưởng cuối năm cho công nhân, để họ yên tâm gắn bó".
Vừa tìm kiếm đơn hàng, vừa cân đối tài chính, Công ty may mặc NALT cũng quyết định thưởng Tết bằng 1 tháng lương cho công nhân. Bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc Công ty may mặc NALT, chia sẻ: "Các doanh nghiệp ngành may nói chung và doanh nghiệp tôi đều cố gắng ít nhất có thưởng Tết tháng lương thứ 13, dù là mức lương cơ bản. Anh em công nhân cũng hiểu được tình hình đơn hàng như thế nào và họ cũng rất chia sẻ với mình".
Các doanh nghiệp cho biết, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, những chính sách kịp thời của Chính phủ như miễn giảm thuế, tiền thuê đất…, đặc biệt là việc nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước mới đây đã giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để ổn định sản xuất, chăm lo và giữ chân người lao động.
Tập trung hỗ trợ, chăm lo Tết cho người lao động bị ảnh hưởng
Nỗ lực của doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có 528 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do giảm đơn hàng với số lao động bị tác động là hơn 637.000 người; trong đó, hơn 53.000 người lao động thiếu việc làm, tương đương khoảng 8% số lao động bị ảnh hưởng.
Thiếu việc làm vào thời điểm cuối năm là điều mà cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều không mong muốn khi Tết Nguyên đán đang cận kề. Chính vì vậy, chăm lo Tết cho người lao động, đặc biệt là lao động khó khăn là ưu tiên của các cấp, công đoàn thời điểm này.
Những phần quà an sinh được trao tận tay công nhân, đã phần nào giúp họ vơi bớt áp lực khi phải tạm dừng việc ngay ở thời điểm cuối năm.
Chị Phạm Thị Hồng Thắm, tỉnh Vĩnh Long, nói: "Công đoàn công ty cho chút ít quà, rồi công đoàn quận cũng có hỗ trợ, nói chung mấy chị em công nhân ai cũng mừng. Đang túng thiếu, thất nghiệp vậy đó mà được người ta quan tâm vậy thì cũng đỡ buồn".
Ưu tiên chăm lo cho người lao động thiếu việc, có hoàn cảnh khó khăn, Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết, sẽ dành hơn 140 tỷ đồng để chăm lo Tết. Các hoạt động thường niên như Tết sum vầy, tặng quà, vé tàu, xe về quê đón Tết... vẫn tiếp tục được thực hiện.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Chúng tôi sẽ cùng với doanh nghiệp hỗ trợ chăm lo đặc biệt cho những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, động viên giúp họ an tâm hơn, rồi tuyên truyền giải thích cho người lao động hiểu hơn về tình hình hiện nay".
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, gói hỗ trợ khoảng 500 tỷ đồng đang được phân bổ về các địa phương để chăm lo Tết cho công nhân. Dự kiến có khoảng 1 triệu đoàn viên, người lao động khó khăn… được hỗ trợ mức 500.000 đồng/người.
Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nói: "Người lao động cũng tìm ra những phương án cho bản thân mình, đến với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn để có phương án tốt nhất như trung tâm đào tạo nghề, giới thiệu lao động tìm việc làm mới, nguồn việc mới hoặc có tài chính tạm thời để trang trải".
Năm nay, lần đầu tiên các cấp công đoàn tổ chức 22 chợ Tết cho công nhân trên toàn quốc. Người lao động được được mua các mặt hàng thiết yếu với giá giảm ít nhất 15% hoặc mua với giá 0 đồng. Công đoàn các địa phương cũng đang kêu gọi thêm nguồn lực để chăm lo được nhiều người lao động hơn.
Theo dự báo, tình hình việc làm của công nhân ở một số doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng đến hết quý I/2023. Bộ LĐTB&XH cho biết, giải pháp giúp doanh nghiệp duy trì, mở rộng thị trường và có thêm đơn hàng cũng là giải pháp cần thiết và đang được ngành chức năng tích cực triển khai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo