Không tìm thấy xương cốt phi công vụ máy bay rơi 47 năm trước ở Tam Đảo
14 người chết vì tai nạn giao thông trong đêm ăn mừng Việt Nam vô địch / Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phát triển bền vững vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu
Thông tin này được Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ (Ban Chỉ đạo quốc gia 515) đưa ra tại Hội nghị kết luận về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ phi công Việt Nam và phi công Liên Xô (cũ) bị tai nạn trong khi bay huấn luyện ngày 30/4/1971 tại khu vực Tam Đảo.
Ban Chỉ đạo quốc gia 515 tỉnh Thái Nguyên tiến hành xác minh, kết luận, khoanh vùng vị trí xảy ra tai nạn là sườn phía Đông núi Tam Đảo, cách đỉnh núi khoảng 130m, thuộc địa phận xã Hoàng Nông, Đại Từ, Thái Nguyên. Ban Chỉ đạo 515 đã lập kế hoạch trình Quân khu I phê duyệt, huy động các lực lượng tham gia trinh sát thực địa, làm công tác chuẩn bị, hơn 120 lượt người đã tham gia với 432 ngày công tìm kiếm trên diện tích khoảng 6.000m2. Tham gia tìm kiếm còn có 2 thân nhân của liệt sỹ phi công Công Phương Thảo.
Lực lượng tìm kiếm phát hiện nhiều di vật tại vị trí máy bay rơi
Các mẫu vật tìm thấy gồm một số mảnh vỡ giống các chi tiết trên máy bay MIG-21: Bánh răng chuyển động của hộp phụ tùng động cơ; ống dầu nhờn (màu bạc) của hệ thống dầu nhờn động cơ; ống nối cao su bịt kín của hệ thống nhiên liệu máy bay; đầu nối thanh truyền điều khiển của hệ thống nhiên liệu máy bay; núm màu đỏ bằng gỗ phíp không xác định được; mảnh dù, mảnh lốp trước của máy bay; đế giày sĩ quan nam (cỡ 38)- phi công vẫn sử dụng để thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện và trực chiến.
Kết quả xác minh, kết luận của Quân chủng Phòng không - Không quân và kết quả giám định của Viện Pháp y Quân đội khẳng định: Các mẫu vật tìm được là của máy bay MIG-21. Tuy nhiên, không tìm thấy xương cốt của hai phi công.
Tuyên bố tạm dừng việc tìm kiếm máy bay và phi công trong vụ tai nạn máy bay nói trên, Thượng tướng Lê Chiêm cho biết: Mặc dù vụ tai nạn xảy ra đã lâu, nhưng với trách nhiệm cao, Ban Chỉ đạo quốc gia 515 đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức xác minh, tìm kiếm chặt chẽ, công phu, kết luận chính xác về vụ tai nạn máy bay và các mẫu vật tìm thấy. Đây là nhiệm vụ quan trọng, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, với trách nhiệm chính trị cao trước nhân dân và lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Thượng tướng Lê Chiêm yêu cầu Cục Đối ngoại, Bộ Quốc Phòng, phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam thông báo kết quả tìm kiếm cho phía Nga và thân nhân phi công; bàn giao mẫu tóc, móng tay của cháu nội phi công Yuri Poyarkov cho Viện Pháp y Quân đội; làm tốt công tác tư tưởng đối với thân nhân của phi công Liên Xô (cũ) để giúp họ hiểu sâu sắc thêm về truyền thống "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc Việt Nam; chia sẻ về sự hy sinh, mất mát của thân nhân hai gia đình phi công...
Ngày 30/4/1971, Trung đoàn 721, Sư đoàn 371 tổ chức huấn luyện bay chuyển từ loại MIG-17 sang máy bay MIG-21 đã xảy ra tai nạn vào hồi 10 giờ 43 phút cùng ngày. Sau khi xảy ra tai nạn và nhiều năm sau đó, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức lực lượng và phương tiện triển khai tìm kiếm máy bay và phi công, nhưng chưa có kết quả và chưa kết luận được việc tìm kiếm hài cốt phi công.
End of content
Không có tin nào tiếp theo