Làng nghề truyền thống chạy nước rút cho vụ Tết
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh / Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Làng nghề đất Cố đô tấp nập
Càng gần cuối năm, không khí làm việc tại các làng nghề truyền thống càng sôi động. Đây không chỉ là cơ hội để các ngành sản xuất, kinh doanh tăng doanh thu khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao mà còn là cơ hội để các làng nghề truyền thống thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn.
Những ngày Tết Nguyên đán cận kề, trong gian bếp của gia đình bà Vũ Thị Vinh, thôn Phong An, xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình lúc nào cũng đỏ lửa. Vào dịp tết đến xuân về, những chiếc bánh đa được làm hoàn toàn từ gấc chín và gạo nếp mang theo ước vọng của người dân về một năm may mắn, tròn đầy.
Bà Vũ Thị Vinh chia sẻ, những ngày cận Tết, người dân làm bánh đa đều phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị các công đoạn cần thiết. Đối với dịp giáp Tết, mặt hàng bánh đa gấc thường bán chạy hơn do người dân có quan niệm mua bánh đa gấc có màu đỏ để lấy may cho cả năm nên chúng tôi đã chuẩn bị nguyên liệu làm từ sớm và làm nhiều hơn so với ngày thường 10 đến 15% để đảm bảo cung ứng.
Làng Nộn Khê, thuộc xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình được biết đến là nơi có truyền thống khoa bảng và có nhiều phong tục tập quán độc đáo. Đặc biệt, nơi đây nổi tiếng với món giò trứng không chỉ là món ăn truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ, tết mà còn là niềm tự hào của người dân làng Nộn Khê khi đã góp phần tạo nên nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của vùng đất Cố đô.
Ông Nguyễn Văn Thái, cơ sở làm giò trứng tại xã Yên Từ, huyện Yên Mô cho biết: Món giò trứng thường được dùng trong các ngày lễ, Tết là biểu hiện tinh thần truyền thống quê hương và sự hiếu thảo của con cháu dâng lên ông bà tổ tiên. Trong làng, hầu như ai cũng biết làm giò trứng tuy nhiên để giò thật ngon, có thẩm mỹ, chuẩn vị truyền thống thì chỉ có 3 hộ gia đình đảm bảo tốt nhất và trở thành 3 cơ sở sản xuất uy tín. Khách hàng muốn mua số lượng giò trứng nhiều phải đặt trước mới có. Vào mùa, mỗi ngày, các cơ sở lớn bán ra với số lượng khoảng 100kg giò trứng, cao điểm có ngày lên đến 300 - 400 kg.
Ninh Bình hiện có 77 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Thời gian qua, sự hỗ trợ của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã góp phần quan trọng trong việc khơi dậy sức sống ở các làng nghề qua đó tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về không khí nhộn nhịp ở các làng nghề mang theo hi vọng về một năm mới nhiều khởi sắc và thành công.
Ổn định thị trường dịp Tết
Để ổn định thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình đã triển khai đồng bộ, toàn diện, đạt hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu để bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh trong thời điểm cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cho biết, sở đã có các giải pháp, phương án cân đối cung cầu, bình ổn thị trường đảm bảo khả thi và được thực hiện tập trung, nghiêm túc, thực chất; bám sát nhu cầu tiêu dùng và thực tiễn sản xuất, kinh doanh ở địa phương góp phần hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Sở Công Thương đã chủ động tham mưu UBND tỉnh các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường.
Theo đó, để mọi người, mọi nhà đều vui Xuân, đón Tết, Sở Công Thương tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp tập trung thực hiện Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2024, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp, kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Các chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh thường xuyên duy trì hoạt động của các chợ nhằm bảo đảm cung ứng, trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Các đơn vị trực thuộc Sở đã hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh thương mại triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, tham gia các chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản thực phẩm an toàn; đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa nhất là các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm cung ứng tốt hàng hóa bình ổn nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân; tích cực tham gia các Chương trình hỗ trợ cho người dân diện chính sách, người dân ở các vùng khó khăn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo