Tin tức - Sự kiện

Lỏng lẻo quản lý khai thác khoáng sản

Từ nhiều năm qua, việc thiếu sự giám sát, kiểm tra luôn là nguyên dân dẫn đến tình trạng vi phạm về khai thác khoáng sản.

Cần có cơ chế tạm ứng vốn linh hoạt để rút ngắn thời gian thực hiện dự án / Cà phê đá Việt Nam ngon thứ 2 thế giới

Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản, xếp thứ 65 về tuổi địa chất, có 60/200 loại khoáng sản phổ biến trên thế giới. Đặc biệt, một số loại khoáng sản quy mô trữ lượng đáng kể, tầm cỡ thế giới, có ý nghĩa chiến lược và là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Trung bình mỗi năm, ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam cung cấp cho nền kinh tế khoảng 90 triệu tấn đá vôi xi măng, khoảng 70 triệu m3đá vật liệu xây dựng thông thường, gần 100 triệu m3cát xây dựng, cát san lấp, trên 45 triệu tấn than, trên 3 triệu tấn quặng sắt...

Những con số này cho thấy, khoáng sản đang được khai thác khá mạnh ở nước ta, nhưng thực tế lĩnh vực này lại chỉ đóng góp khoảng 10% GDP, quá khiêm tốn so với tiềm lực.

Vậy quản lý hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam đã thực sự hiệu quả hay chưa, từ quy trình đầu tiên là khoanh vùng khu vực, cho đến đấu giá cấp quyền khai thác và sau đó là quản lý sau khi cấp phép còn tồn tại những vấn đề gì?

Sai phạm trong cấp phép khai thác khoáng sản

Mỏ đá khai thác được 3 năm, với diện tích 50 ha, mỏ đá được tỉnh Bình Phước cấp giấy phép khai thác cho Chi nhánh Công ty cổ phần Vật liệu và xây dựng Bình Dương mà không phải qua đấu giá. Trong khi đây lại là khu vực phải thực hiện đấu giá.

Lỏng lẻo quản lý khai thác khoáng sản - Ảnh 1.

Thực tế cho thấy đại đa số các mỏ khoáng sản hiện nay tập trung ở khu vực không đấu giá. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Tình trạng cấp giấy phép khai thác khoáng sản sai quy định không qua đấu giá còn tồn tại ở nhiều khu vực khác tại tỉnh Bình Phước. Sai phạm bắt nguồn từ việc địa phương này đã ban hành các quyết định khoanh định 6 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản không phù hợp.

"Sở TN&MT đang tham mưu cho UBND tỉnh là ra soát lại toàn bộ các dự án, không riêng gì khu vực đó và kiến nghị đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh các khu vực phải đấu giá hay không đấu giá để báo cáo kiểm toán theo quy định", ông Phạm Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước, cho biết.

Theo quy định, hoạt động khai thác khoáng sản được chia làm 2 khu vực với những điều kiện khác nhau: khu vực đấu giá và khu vực không phải đấu giá. Khu vực không phải đấu giá vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ mà nhiều doanh nghiệp muốn có được. Để đạt được mục đích đó, cách thức là bổ sung khu vực không đấu giá, cho dù căn cứ đưa ra hết sức vô lý.

"Nhiều địa phương, đặc biệt là khai thác vật liệu thông thường như khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng than bùn nhỏ lẻ, khoáng sản chưa thực hiện một cách đầy đủ. Ở đây có mấy điều chưa thực hiện đây đủ như thông tin chưa kịp thời, không công khai minh bạch, đối với những khu vực không phải đấu giá, quy hoạch không rõ ràng, phân chia ranh giới quy hoạch cũng không rõ ràng nên dẫn đến việc lẫn lộn khai thác, đây là thực trạng cần phải khắc phục", Tiến sĩ Lê Đình Thăng, Kiểm toán viên cao cấp, Kiểm toán nhà nước Việt Nam, đánh giá.

Thực tế cho thấy đại đa số các mỏ khoáng sản hiện nay tập trung ở khu vực không đấu giá. Còn với những mỏ khoáng sản phải đấu giá, những người kinh doanh trong ngành khoáng sản cho biết dù có năng lực tốt thế nào cũng không dễ gì trúng đấu giá, bởi ngay bước đầu tiên, để nộp được hồ sơ tham gia đấu giá đã rất khó khăn.

 

"Bán hồ sơ thì trong đó có 8 phần mục thì những lúc mình đi mua chỉ có 6 thôi, còn 2 hạng mục mình không biết, đến lúc mình đi nộp người ta bảo chị thiếu 2 cái này, người ta không tiếp nhận. Khi doanh nghiệp muốn hỏi lý do tại sao lúc mua chúng tôi không có thì người ta bảo chắc anh chị có nhầm không chứ đã bán là đủ, nhưng lúc đó có ai chứng minh là đủ đâu, ví dụ bây giờ bán treo công khai, chúng tôi kiểm tra thấy thiếu thì chúng tôi bảo thiếu, không có người công khai minh bạch thiếu ở đâu, đủ ở đâu đến lúc nộp mới thấy thiếu thì mình trượt vòng đầu tiên", doanh nghiệp khai thác khoáng sản cho biết.

Hiện nay, trong hàng nghìn giấy phép khai thác đã được cấp thời gian qua, có nhiều giấy phép cấp khi chưa có quy hoạch được duyệt, cấp khi chưa có đánh giá tác động môi trường, cấp khi chưa có đánh giá về trữ lượng và cấp khi chưa làm các thủ tục về đất đai.

Đó là thực trạng về quy trình để có được giấy phép khai thác khoáng sản, còn sau khi được cấp phép, sự chấp hành về pháp luật của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ra sao?

71 giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực, nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ, kéo dài qua nhiều năm. Đây là con số đã được Kiểm toán Nhà nước công bố vào cuối năm 2022 về công tác quản lý sau thu hồi các mỏ khoáng sản trên cả nước.

Tràn lan mỏ khoáng sản không đóng cửa trái quy định

 

Cầu Hưng Hà, cây cầu huyết mạch nối hai tỉnh Hà Nam và Hưng Yên. Ngay dưới chân cầu thuộc địa bàn xã Chân Lý huyện Lý Nhân, hai tàu cát ngang nhiên khai thác cả nửa ngày nay, nhưng không hề có sự can thiệp nào của các cơ quan chức năng.

Sạt lở quá nhiều, người dân đã nhiều lần xua đuổi, chủ tàu đều lấy lý do đã được cấp phép khai thác.

Theo hồ sơ do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lý Nhân cung cấp, trên địa bàn xã Chân Lý năm 2022 có 4 mỏ khai thác cát được tỉnh Hà Nam cấp phép, trong đó năm nay có một mỏ đã hết hạn.

Dù đã không còn hiệu lực, nhưng khi tìm theo mốc tọa độ và vị trí trong hồ sơ, thời điểm nhóm phóng viên ghi nhận vẫn có 6 tàu đang khai thác.

Đoạn sông Hồng qua xã Chân Lý là địa bàn tiếp giáp của 3 tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và Thái Bình. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chính quyền ở cả 3 địa phương khó khăn trong việc quản lý khai thác cát trong suốt nhiều năm qua. Giấy phép có thể là thứ đã không còn quan trọng.

 

"Một số doanh nghiệp lợi dụng trong việc cấp phép có thể khai thác ngoài ranh giới hoặc không đúng các quy định, hoặc hết giấy phép mà vẫn tiếp tục khai thác thì chúng tôi sẽ kiên quyết chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý nghiêm theo quy định", ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, nhận định.

Với những câu chuyện như ở tỉnh Hà Nam có thể thấy, trên phạm vi cả nước, con số 71 trường hợp mỏ hết hạn nhưng vẫn khai thác có lẽ chưa phản ánh đúng thực tế.

Mỗi ngày lợi nhuận từ việc khai thác đất san lấp cũng mang lại cả trăm triệu đồng. Do đó việc doanh nghiệp cố tình làm thêm bất chấp bị xử phạt là chuyện không hiếm. Vì thực tế, mức xử phạt hành chính hiện nay còn quá nhẹ so với nguồn lợi khi vi phạm.

Từ nhiều năm qua, việc thiếu sự giám sát, kiểm tra luôn là nguyên dân dẫn đến tình trạng vi phạm về khai thác khoáng sản.

"Hiện nay lực lượng quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn mỏng. Lực lượng biên chế của Sở Tài nguyên và Môi trường có 4 người làm công tác quản lý khoáng sản. Do đó, việc kiểm soát lượng mỏ đang hoạt động cũng như hết hạn giấy phép còn hạn chế", ông Ngô Trí Dũng, Trưởng phòng quản lý Tài nguyên và Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, cho hay.

 

Đến nay, Luật khoáng sản đã đi vào cuộc sống gần 13 năm. Luật quy định chỉ một số trường hợp đặc biệt mới không phải đấu giá. Đây là nội dung từng được đánh giá là đột phá khi lần đầu được đưa vào Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, theo dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra những con số đáng thất vọng.

Theo đó, đến tháng 6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới tổ chức đấu giá thành công 6 khu vực khoáng sản, chiếm tỷ lệ 1,4% trong tổng số 421 giấy phép đã cấp. Như vậy ở cấp bộ, có đến hơn98% giấy phép được cấp theo kiểu xin - cho.

Còn ở địa phương, con số cũng không cao hơn là bao. Chỉ hơn 9% trong tổng số gần 4.280 giấy phép là được cấp theo hình thức đấu giá. Như vậy, 91% giấy phép cũng đang cấp theo kiểu xin - cho.

Cơ bản, khoáng sản được cấp phép không qua đấu giá, cùng với đó là việc quản lý trữ lượng, khối lượng khai thác khoáng sản chỉ mới dừng lại ở việc dựa trên kê khai của doanh nghiệp được cấp phép, đó chính là những bất cập hiện nay trong công tác quản lý khai thác khoáng sản ở nước ta.

Bất cập quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

 

Với một số lượng mỏ khoáng sản chiếm phần lớn được cấp phép không qua đấu giá, các chuyên gia cho rằng muốn khống chế và triệt tiêu tận gốc cơ chế xin cho tồn tại trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, trước hết cần phải ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý.

"Theo Luật Đất đai 2013 có quy định tại điều 62, nó cản trở rất nhiều công tác đấu giá của các địa phương vì sau khi trúng đấu giá, các chủ đầu tư trúng đấu giá mới bắt đầu thỏa thuận đền bù và giải phóng mặt bằng, như vậy gây khó khăn rất lớn, hầu hết không thỏa thuận nổi", TS Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam, nhận xét.

"Tất cả các điểm mỏ mà tỉnh Yên Bái đấu giá đều từ năm 2019 trở về trước, có nghĩa tại thời điểm đấy, Nghị định 23/2020 chưa được ra đời, do vậy trong quá trình triển khai thực hiện có lẽ vấn đề chuyển tiếp của Nghị định chưa đề cập đến vấn đề cấp phép, đấu giá trước đấy, cũng đề nghị các bộ, ngành, trung ương tổ chức đoàn kiểm tra đồng loạt trên địa bàn để cho ý kiến một lần đối với tất cả các điểm mỏ đã đấu giá, nhưng chưa được cấp phép khai thác", ông Lê Công Tiến, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, cho biết.

Các thủ tục trong công tác đấu giá chưa được công khai đầy đủ cũng là một trong những yếu tố quan trọng có thể dẫn tới việc triển khai đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản khó đạt được hiệu quả và minh bạch như mong muốn.

"1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 những hồ sơ gì thì nên cho doanh nghiệp biết luôn và điều kiện như thế nào đủ cung phải cho biết luôn, thêm nữa chúng tôi đề nghị thời gian bán hồ sơ kéo dài, càng đông càng tốt, đấy mới gọi là công khai minh bạch, chứ chỉ bán 1, 2 ngày xong, ví dụ treo hồ sơ ở cửa, nơi bán hồ sơ cho đấu, đến mua thì hết rồi", doanh nghiệp khai thác khoáng sản cho hay.

 

Bên cạnh những tồn tại về hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản, công tác quản lý những mỏ đã được cấp phép cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Bởi hiện nay, tình trạng khai thác vượt quá ranh giới, quá trữ lượng cho phép diễn ra khá phức tạp ở nhiều địa phương.

"Phải tăng cường giám sát cộng đồng và của tổ chức đoàn thể. Trong tất cả các luật, chúng ta đều có nêu vấn đề này nhưng cộng đồng người ta giám sát thế nào, bây giờ khai thác cát ở sông, tàu bè hút giữa sông, bà con hai bên đứng nhìn, giao cho xã, phường giám sát, xã, phường làm gì có phương tiện nào để giám sát, làm thế nào để biết tàu hút bao nhiêu là vừa sản lượng, đây là điều cực kỳ khó", Tiến sĩ Lê Đình Thăng, Kiểm toán viên cao cấp, Kiểm toán nhà nước Việt Nam, nhận định.

Lỏng lẻo quản lý khai thác khoáng sản - Ảnh 2.

Hiện nay, tình trạng khai thác vượt quá ranh giới, quá trữ lượng cho phép diễn ra khá phức tạp ở nhiều địa phương. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Việc quản lý trữ lượng, khối lượng khai thác khoáng sản hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc dựa trên kê khai của doanh nghiệp được cấp phép, nhà nước chưa có biện pháp quản lý tốt khâu xác định trữ lượng, khối lượng khai thác được. Thêm vào đó, Luật Khoáng sản cũng chưa quy định rõ ràng về định giá khoáng sản, định giá mỏ, chưa có công cụ tài chính phù hợp để quản lý giá trị khoáng sản nói chung và quản lý đấu giá khoáng sản nói riêng.

Trong 8 mỏ khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Nôi trường đã đấu giá, có những mỏ giá trúng cao hơn gấp 2 lần so với giá khởi điểm. Với tổng số tiền cấp mỏ xác định được trong 10 năm là 55.000 tỷ đồng, chỉ cần giá trúng cao hơn giá khởi điểm 20%, ngân sách có thêm hơn 10.000 tỷ đồng. Còn nếu mức tăng gần 80% như các mỏ đã đấu giá, thì ngân sách sẽ thu thêm được 40.000 tỷ đồng.

 

Có thể nói, khai thác tài nguyên là một trong những lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong việc cấp phép khai thác… Từ khi phân cấp quản lý về cho các địa phương và cho phép các chủ thể được quyền quyết định các khu vực không đưa ra đấu giá khai thác khoáng sản, việc cấp phép khai thác ở một số nơi diễn ra tràn lan và tùy tiện khiến dư luận không thể không đặt ra những nghi vấn về sự câu kết giữa các "nhóm lợi ích" trong thực thi chính sách khai thác tài nguyên.

Công khai minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản là chìa khóa để các doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm, có điều kiện tham gia một cách bình đẳng vào quá trình khai thác, sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách, hạn chế đáng kể "nhóm lợi ích" trục lợi.

Công khai, minh bạch thông tin cũng là phương pháp hữu hiệu nhằm cảnh báo, ngăn ngừa, hạn chế một số cán bộ thoái hóa, biến chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với các "nhóm lợi ích" để biến khai thác tài nguyên khoáng sản thành đặc quyền, đặc lợi.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm