Tin tức - Sự kiện

Cần có cơ chế tạm ứng vốn linh hoạt để rút ngắn thời gian thực hiện dự án

DNVN - Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, việc tạm ứng vốn tại các dự án đầu tư công trên địa bàn thời gian qua có sự kiểm soát khá chặt chẽ. Tuy nhiên trên thực tế, việc tạm ứng hạn mức thấp đã gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư.

Quảng bá du lịch Đà Nẵng tại hội chợ lớn nhất Ấn Độ / Biệt thự nghỉ dưỡng: Xu hướng chia sẻ doanh thu dần thay thế chia sẻ lợi nhuận

Như tin đã đưa, qua giám sát tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng (Ban KT-NS) đã có Báo cáo 37/BC-HĐND ngày 21/2/2023 kiến nghị, đề xuất với UBND TP Đà Nẵng một số giải pháp cần tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.

Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung có quy mô tạm ứng vốn năm 2022 là700 tỷ đồng

Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung có quy mô tạm ứng vốn năm 2022 là 700 tỷ đồng.

Một trong những điểm đáng chú ý là Ban KT-NS chỉ ra những bất cập trong quy định về vốn tạm ứng của các dự án đang được TP Đà Nẵng áp dụng. Ban này cho hay, tại khoản 3 Điều 8 Thông tư 08/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước có quy định mức tạm ứng vốn tối đa không quá 50% giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên tại khoản 2 Điều 12 Quyết định 32/2021/QĐ-UBND, UBND TP Đà Nẵng quy định mức vốn tạm ứng tối đa là 20% giá trị đối với hợp đồng thi công xây dựng trên 50 tỷ đồng. Theo Ban KT-NS, việc tạm ứng vốn thời gian qua có sự kiểm soát khá chặt chẽ, nhưng trên thực tế, việc tạm ứng hạn mức thấp đã gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư, nhất là đối với các hợp đồng mua sắm trang thiết bị, chuẩn bị vật tư, nguyên nhiên vật liệu.

Ban KT-NS cũng cho biết, tại Thông báo số 542/TB-VP ngày 2/11/2022, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng thông báo kết luận của UBND TP cho phép thực hiện việc tạm ứng vốn theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Theo đó, “tổng mức vốn tạm ứng bảo đảm không vượt quá 30% giá trị hợp đồng (bao gồm cả dự phòng nếu có); trường hợp cần tạm ứng với mức cao hơn thì báo cáo Sở KH&ĐT kiểm tra, tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng xem xét, quyết định”. Điều này đã tạo linh hoạt trong việc xử lý tạm ứng cho các dự án đầu tư.

Tuy nhiên, Ban KT-NS cho biết, nội dung vừa nêu trên lại không thể áp dụng cho các dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu (do trong hợp đồng đã quy định tỷ lệ tạm ứng thấp theo chủ trương trước đây). Vì vậy, Ban KT-NS đề nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu cơ chế tạm ứng linh hoạt hơn cho các dự án này gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc rút ngắn thời gian thực hiện.

Đối với nguồn vốn tạm ứng của kế hoạch vốn năm 2022 là 2.305 tỷ đồng, Ban KTNS đề nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án khẩn trương thi công, bảo đảm khối lượng và thủ tục để thanh toán số vốn đã tạm ứng, hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Một số dự án có quy mô tạm ứng năm 2022 lớn là đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung 700 tỷ đồng; đầu tư xây dựng nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi 176 tỷ đồng; cải tạo và bổ sung trang thiết bị Bệnh viện Phụ sản - Nhi 129 tỷ đồng…

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm