Lý giải nguyên nhân 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chậm tiến độ
Nối dài hành trình trồng cây bảo vệ rừng / Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Đà Nẵng 2022 sẽ diễn ra đầu tháng 12
Báo cáo Quốc hội về tình hình thực hện dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong 10 dự án thành phần đang triển khai xây dựng, 6 dự án thành phần vẫn có khối lượng thi công chậm so với kế hoạch yêu cầu.
Cụ thể, dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 hiện có sản lượng đạt khoảng 69,5% giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 1,5% so với kế hoạch.
Tại dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tính đến nay, sản lượng thi công đạt khoảng 50,65% giá trị các hợp đồng, chậm hơn 2% so với kế hoạch.
Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây chậm 0,69% so với kế hoạch. Sản lượng đến nay đạt khoảng 56,32% giá trị các hợp đồng.
Dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn cũng có sản lượng thi công chưa được như kỳ vọng, hiện đạt khoảng 52,53% giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 1,7% so với kế hoạch.
Trong 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) Diễn Châu - Bãi Vọt là dự án thành phần có sản lượng chậm so với kế hoạch lớn nhất, chậm 7,7%, sản lượng thi công mới đạt khoảng 13,7% giá trị các hợp đồng.
Tại dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo, sản lượng thi công đến nay đạt khoảng 24,3% giá trị các hợp đồng, vẫn chậm khoảng 1,4% so với kế hoạch.
Ảnh minh họa.
Đánh giá nguyên nhân của sự chậm trễ trên, theo Bộ Giao thông Vận tải, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, sự bất thường của thời tiết, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, vướng mắc trong giải quyết thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu, biến động lớn về giá vật tư, vật liệu xây dựng là 5 nguyên nhân lớn khiến tiến độ thi công các dự án thành phần chưa đạt đúng kỳ vọng.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết khu vực miền Trung trong các năm gần đây mưa nhiều, mùa mưa đến sớm hơn thường lệ và kéo dài dẫn đến thời điểm triển khai thi công (đắp nền đường, các lớp móng đường và thảm bê tông nhựa) tại một số dự án thành phần bị chậm hơn so với kế hoạch ban đầu.
Điển hình, tại các dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây (địa bàn tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai) trong năm 2021 đã có 130 ngày mưa. Từ đầu năm 2022 đến nay có khoảng 80 ngày mưa.
"Tại dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, trong năm 2021 mưa kéo dài từ tháng 7 đến hết tháng 10. Sang năm 2022, tính từ tháng 5 đến tháng 8, địa bàn triển khai các gói thầu của dự án có tổng cộng 52 ngày mưa. Tình trạng mưa tiếp tục kéo dài đến nay.
Tại dự án Cam Lộ - La Sơn (địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) trong năm 2021 có khoảng 140 ngày mưa. Từ đầu năm 2022 đến nay có khoảng 100 ngày mưa", Bộ Giao thông Vận tải thông tin.
Về giá vật liệu xây dựng, theo Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn từ quý IV/2020 đến quý I/2022, giá nhiên liệu, một số loại vật liệu xây dựng biến động tăng lớn (xi măng, đá các loại, nhựa đường có mức tăng giá trên 20%, một số loại vật liệu như thép, nhiên liệu tăng đến 80 - 90%) nằm ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan, việc tính toán trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa phản ánh được mức độ biến động giá. Thực trạng đó khiến các nhà thầu khó khăn về tài chính, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Riêng vướng mắc về nguồn vật liệu thi công, quá trình thực hiện các dự án thành phần, mặc dù các mỏ đất tại khu vực dự án đi qua (gồm cả các mỏ đang khai thác và đã có trong quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng của đạ phương nhưng chưa được cấp phép khai thác) đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu đất đắp nền đường.
Tuy nhiên, do các gói thầu, dự án thành phần triển khai đồng loạt trong cùng một thời gian, thủ tục cấp giấy phép khai thác vật liệu xây dựng theo quy định gồm nhiều bước với thời gian thực hiện kéo dài từ 9 - 15 tháng nên giai đoạn đầu triển khai thi công, nguồn vật liệu đất đắp cung cấp cho các dự án không đáp ứng được tiến độ thi công.
"Tháo gỡ vướng mắc trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 tháo gỡ, giảm bớt được thủ tục nâng công suất khai thác và thủ tục đấu giá quyền khai thác các mỏ vật liệu.
Song, tại dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến tháng 4/2022 mới khai thác được mỏ đầu tiên, riêng mỏ Hòn Lúp công suất gần 0,8 triệu m3 mới bắt đầu khai thác. Tại dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây, đến cuối tháng 2/2022, tỉnh Đồng Nai mới giải quyết xong thủ tục khai thác, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án", Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Đề cập đến thách thức trong công tác giải phóng mặt bằng, theo Bộ Giao thông Vận tải, cho đến nay, một số công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa được hoàn thành di dời, đặc biệt có 2 vị trí đường điện cao thế (tỉnh Bình Thuận) nằm trong mặt bằng công trình làm ảnh hưởng đến việc triển khai thi công và tiến độ dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Trong giai đoạn bắt đầu triển khai thi công, mặc dù mặt bằng chưa bàn giao chỉ chiếm khoảng 10% chiều dài tuyến nhưng ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ do nhiều đoạn mặt bằng bàn giao không liên tục. Riêng tại dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn, các vị trí vướng mắc về giải phóng mặt bằng trùng với các vị trí phải xử lý nền đất yếu, tiến độ thi công kéo dài
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km.
Tính đến nay, 1 dự án thành phần (Cao Bồ - Mai Sơn) đã được hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 2/2022. 4 dự án thành phần cơ bản hoàn thành trong năm 2022, gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
4 dự án thành phần dự kiến hoàn thành trong năm 2023, gồm: Cầu Mỹ Thuận 2, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và Nha Trang - Cam Lâm. 2 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo