Miến dong ôm mộng ra nước ngoài
Cao Bằng: Giảm nghèo từ miến dong / Vừa vào cổng đã thấy cả tạ miến dong bị vứt dưới sân và hắt nước ướt sũng, tôi lắp bắp hỏi chồng thì anh nói một câu khiến tôi bàng hoàng đau đớn
Tìm đường sang châu Âu
Cùng với Mỹ, Nhật Bản, châu Âu là một trong thị trường được đánh giá khó tính bậc nhất thế giới. Ngoài rào cản kỹ thuật, nông sản Việt còn gặp khó khăn về khoảng cách địa lý, cũng như các vấn đề liên quan tới logistics khi tìm đường sang lục địa này.
Không ít khó khăn, trắc trở nhưng những người làm miến dong ở HTX Nông nghiệp & Dịch vụ Bình Lư vẫn tìm cách đưa sản phẩm vừa được chứng nhận OCOP 3 sao sang châu Âu. Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc HTX, một cựu chiến binh cho biết, cơ sở đã liên kết với một số doanh nghiệp, nhằm xúc tiến đưa miến của HTX ra châu Âu, cụ thể là Ukraine ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
“Mục tiêu trước mắt của chúng tôi là tham khảo thị trường. Miến dong Bình Lư đã có tiếng ở trong nước rồi, nhưng giờ cần ra nước ngoài vừa để biết mình đang ở đâu, vừa để tăng thêm thu nhập cho thành viên HTX”, ông Ánh nói.
Người dân thu hoạch miến tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường, Lai Châu
HTX Nông nghiệp & Dịch vụ Bình Lư có 12 thành viên, sản xuất lượng miến dong khoảng 200 tấn mỗi năm. Miến dong thành phẩm được bán theo giá đổ cho lái buôn là 50.000 đ/kg và giá bán lẻ là 60.000 đồng. Theo ông Ánh, sau khi trừ chi phí nguyên liệu đầu vào, những thành viên sản xuất nhiều trong HTX có thể đạt lợi nhuận 200 - 300 triệu đồng/năm.
Lợi thế của làng miến là các hộ nằm dọc Quốc lộ 4D. Xe khách, xe cá nhân nếu đi cao tốc Hà Nội – Lào Cai, muốn lên TP Lai Châu thì đều phải qua Bình Lư. Sản phẩm làm ra hầu như không đủ bán, đặc biệt là vào dịp cuối năm, giáp Tết. Tiếng lành đồn xa, thương lái ở các tỉnh miền xuôi đặt hàng miến dong liên tục, không chỉ riêng HTX của ông Ánh.
Không còn phải lo cái ăn, cái mặc như thuở mới lên Bình Lư làm miến cuối thập niên 1980, nhưng tinh thần dám nghĩ dám làm vẫn vẹn nguyên ở ông Ánh. Người đàn ông sắp 70 tuổi kể, qua hai năm dịch bệnh vừa qua, ông cùng các thành viên HTX vẫn “sống khỏe” với nghề. Trong khi con cái ông đi làm kinh tế ở xa hầu như đều bị ảnh hưởng. Người giảm lương, người phải chuyển việc để bám trụ nơi thành phố.
“Càng trong khó khăn, mới càng thấy lợi ích của làm nông nghiệp. Tôi đã động viên các thành viên HTX tìm tòi những hướng đi mới. Mình phải làm thế nào để giàu trên chính mảnh đất quê hương”, ông Ánh chia sẻ về quyết tâm đưa miến dong Bình Lư sang châu Âu.
Làng nghề 40 năm tuổi
Nhấp một ngụm trà, ông Ánh nhớ lại những ngày đầu làm miến. Vốn quê Thái Bình, ông nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước xung phong lên vùng Tây Bắc xây dựng vùng kinh tế mới. Cách quê cả ngày đi đường, ông cùng nhiều người đồng hương tại bản Km2 đã mày mò tìm cách nấu một bát canh miến riêu cua ấm áp hương vị quê hương.
Mang “công nghệ” làm miến dong từ dưới xuôi lên, ban đầu ông Ánh cùng các hộ dân trong vùng chỉ là để chống đói. Sau họ phát hiện củ dong tại Bình Lư phát triển đặc biệt tốt, cho nhiều bột. Bột dong Bình Lư khi làm miến vừa trong, vừa dẻo, sợi miến làm ra dài tới cả mét mà không bị đứt, gãy. Miến nấu lên vừa mềm, vừa dai và trơn mát, thậm chí ngon hơn cả sợi miến quê nhà.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh cắt miến thành phẩm, trước khi đóng gói
Theo kinh nghiệm của ông Ánh, để miến ngon, cần chú ý đến mọi công đoạn của quá trình sản xuất. Đầu tiên là chọn địa điểm phơi, phải lựa khoảng sân hoặc vườn sạch sẽ, thoáng và là nơi hấp thụ tốt ánh sáng mặt trời. Các cột bằng tre, bê tông được dựng cách mặt đất chừng 60cm để tránh bụi, ẩm. Kế đó, bột dong phải là loại tốt, nguyên chất, đánh bột vừa tới. Khi miến đạt độ se nhất định, người sản xuất cần chuyển sang dây phơi cao hơn, từ 1,5m trở lên, cho đến khi khô hẳn, có thể gấp và buộc thành từng bó miến thành phẩm.
Tính đến năm 2022, làng miến dong Bình Lư đã tồn tại ngót nghét 40 năm. Từ một vài hộ ban đầu, nay toàn xã Bình Lư có hơn 1.000 hộ thì trên 300 hộ trồng dong riềng, hơn 10 cơ sở sản xuất bột dong và trên 50 hộ sản xuất miến dong. Trung bình mỗi hộ xuất ra thị trường khoảng 100 tấn.
Từ trước Tết khoảng một tháng, hình ảnh đặc trưng của Bình Lư là những dòng xe chở miến ngược xươi. Dọc Quốc lộ 4D, đâu cũng bắt gặp những tấm phên phơi đầy miến dong được bày ra la liệt khắp nơi từ trong sân cho đến ngoài ngõ, thậm chí sát đường. Hiện sản phẩm miến dong Bình Lư có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố, và là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Lai Châu.
Thổ nhưỡng Tam Đường đặc biệt phù hợp với dong, riềng. Năng suất có nơi đạt 60 tấn/ha
Ông Nguyễn Hồng Quân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Đường cho biết, trong quy trình sản xuất miến, mỗi hộ có bí quyết riêng nhưng vẫn đảm bảo sự thơm ngon của miến dong Bình Lư nói chung.
“Trước đây nghề làm miến dong nơi đây rất vất vả. Chỉ đến khi các hộ làm miến đưa được máy móc vào sản xuất, chất lượng cũng như mẫu mã của miến dong Bình Lư ngày càng đẹp hơn. Cùng với sự phát triển của nghề, nhiều dịch vụ khác như chế biến, xay xát bột dong, kinh doanh sản phẩm nở rộ tại Tam Đường. Một số hộ có nguồn vốn lớn đã đứng ra bao tiêu, thu mua sản phẩm”, ông Quân chia sẻ.
Theo ông Quân, nhờ năng suất củ đạt khoảng 60 tấn/ha, nhiều hợp đồng làm miến dài hạn đã được ký kết giữa người trồng dong, riềng và người sản xuất miến. Các cơ sở sản xuất cũng được yêu cầu ký cam kết, đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường trong quá trình sản xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo