Tin tức - Sự kiện

Mỗi địa phương quy định một kiểu đang "làm khó" người dân về quê ăn Tết

Các chuyên gia cho rằng, các địa phương không nên "làm khó" người dân về quê ăn Tết, thay vào đó cần linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu xem xét mở cửa trường học trở lại / Công bố kế hoạch thanh tra mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế

Chỉ còn 2 tuần nữa đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đây cũng là thời điểm người lao động lên kế hoạch trở về quê nghỉ Tết.
Lo ngại bùng dịch, nhiều địa phương đã áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp, có địa phương vận động, hay viết thư ngỏ kêu gọi người dân không về quê nếu không cần thiết. Việc "mỗi nơi một kiểu" đã thực sự đang gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là những người lao động xa quê chỉ mong trở về bên gia đình vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.


Liên quan đến việc một số địa phương đưa ra quy định không hợp lý về cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về quê đón Tết, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng Bộ Y tế cũng vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp.
Theo ông Phu, khi Việt Nam chấp nhận chuyển từ "Zero Covid" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả", nghĩa là chuyển sang kiểm soát rủi ro thay vì "ngăn sông cấm chợ". Các địa phương nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn, thực hiện thống nhất, tránh mỗi nơi mỗi kiểu gây "cát cứ" như trước đây.
Ông Phu cho biết, Bộ Y tế đã có quy định cụ thể về cách ly và xét nghiệm người về từ các địa phương khác. Theo đó, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở…
Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, bất tiện vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh khi có kết quả xét nghiệm âm tính.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay việc tiêm phủ vaccine đã đạt tỷ lệ rất cao, hầu hết các bệnh nhân COVID-19 đều có triệu chứng nhẹ. Chính quyền các địa phương nên tạo thuận lợi cho người dân về quê dịp Tết.
"Tôi nghĩ rằng chính quyền chỉ cần yêu cầu khai báo, thống kê danh sách, tuyên truyền cho người dân về việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch, khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với người trở về là đủ để đảm bảo an toàn"- ông Nga cho hay.
TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP Hà Nội cho rằng, Bộ Y tế là cơ quan chuyên môn cần phải tuýt còi những địa phương có những quy định “ngăn sông, cấm chợ”; đồng thời phải liệt kê những việc được làm, không được làm, áp dụng vào những tình huống cụ thể. Khuyến khích các tỉnh, thành thực hiện những biện pháp mở cửa hơn để phát triển chứ không phải đi ngược lại Nghị quyết 128 như những biện pháp quá chặt chẽ như hiện nay.
"Những người ở nước ngoài về đã xét nghiệm âm tính cũng chỉ cách ly 3 ngày, vậy mà người dân trong nước từ vùng dịch hôm nay xanh mai cam, đỏ là chuyện bình thường lại bị cách ly, theo dõi sức khỏe 7-14 ngày. Như vậy là không nhất quán trong vấn đề chống dịch và gây đảo lộn nhiều cho cuộc sống sinh hoạt cho người dân"- ông Hùng nêu ý kiến.
Theo các chuyên gia dịch tễ, một trong những mục đích của Nghị quyết 128 chính là tránh tình trạng các địa phương có quy định khác nhau. Vì vậy, ông Trần Đắc Phu cho rằng các tỉnh, thành phố cần làm đúng quy định của Trung ương.
Tỉnh Hưng Yên yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày với người từ nơi khác về quê ăn Tết nhưng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, 14 ngày với người chưa tiêm đủ.
Trong khi đó, Phú Thọ yêu cầu người từ vùng đỏ và cam cách ly tại nhà 7-14 ngày.
Tại tỉnh Ninh Bình, đối với người về từ vùng dịch cấp độ 4 (màu đỏ), nếu tiêm đủ liều vaccine hoặc đã qua thời gian theo dõi sau điều trị COVID-19, tỉnh Ninh Bình yêu cầu cách ly tập trung 7 ngày, tiếp tục cách ly tại nhà/nơi lưu trú thêm 7 ngày; lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR ít nhất 3 lần vào ngày 1, 7 và 14 trong toàn bộ giai đoạn cách ly hoặc ngay khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19.
Nếu người ở vùng đỏ trở về chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, tỉnh tổ chức cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày, tiếp tục cách ly tại nhà/nơi lưu trú thêm 14 ngày sau đó; lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR ít nhất 4 lần vào các ngày 1, 7, 14 và 28 của toàn bộ giai đoạn cách ly hoặc ngay khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19.
Tỉnh Thái Bình quy định những người đến từ vùng dịch cấp độ 3 và 4 phải xét nghiệm SARS-CoV-2 khi đến tỉnh vào ngày thứ nhất. Những trường hợp phải cách ly y tế 7 ngày tại Thái Bình gồm những người đến/về địa phương từ địa bàn có dịch hoặc vùng cách ly y tế. Những người này tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tại nhà hoặc nơi lưu trú; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày 1 và 7.
Một số địa phương như Hải Phòng, Hải Dương, Tuyên Quang yêu cầu cách ly tại nhà với người về từ vùng cam và đỏ...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm