Đà Nẵng: Giải pháp nào để người dân không phải thấp thỏm lo lắng về các trận mưa 40 - 50mm/h?
Cao su Đà Nẵng tham gia triển lãm chuyên ngành ô tô lớn nhất thế giới tại Mỹ / Đà Nẵng: Tổ chức phiên chợ phát động ngày mua sắm Online Friday
Mặc dù lượng mưa không lớn bằng các đợt mưa hồi giữa tháng 10 vừa qua hay cực đoan như giữa tháng 10/2022 nhưng trong ngày 7/11/2023, tình trạng ngập úng diện rộng do mưa lớn lại tiếp tục xảy ra tại TP Đà Nẵng, đặc biệt là trên địa bàn quận Liên Chiểu, trước cổng KCN Hòa Khánh, khu vực Mẹ Suốt – cầu Đa Cô… và một số tuyến đường nội thị.
TS Lê Hùng phát biểu tại hội thảo “Nhận diện các nguyên nhân gây ngập úng, đề xuất các giải pháp về thoát nước đô thị trên địa bàn TP” do Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng tổ chức đầu tháng 11/2023.
TS Lê Hùng nhấn mạnh: “Chúng ta có thể sợ mưa lớn, cực đoan gây lũ nhưng không thể cứ nơm nớp lo về các trận mưa 40 - 50mm/h được. TP Đà Nẵng cần phải có giải pháp hữu hiệu và quyết tâm cao thực hiện nhanh chóng để người dân không còn phải thấp thỏm âu lo chuyện ngập lụt mỗi khi có mưa”.
Ông có nhận xét gì về diễn biến tình hình mưa trên địa bàn TP Đà Nẵng thời gian gần đây?
TS Lê Hùng: Theo thống kê, trong hơn 10 năm qua tại Đà Nẵng đã xảy ra 6 trận mưa có tần suất vượt lượng mưa trước đó; từ năm 2018 trở lại đây đã xảy ra 3 trận mưa lớn. Riêng trong năm 2023 đến thời điểm này cũng đã xảy ra trận mưa hơn 72 mm/1h tại trạm Đà Nẵng, lượng mưa này cũng xấp xỉ tần suất 20-25%. Dù muốn hay không thì chúng ta cũng đã thấy sự thay đổi lượng mưa theo hướng gia tăng lớn đã xuất hiện tại Đà Nẵng.
Cùng với mưa lớn, một số thời điểm có mưa cực đoan, theo ông nguyên nhân gây ngập úng xảy ra khá thường xuyên tại Đà Nẵng trong một vài năm gần đây là gì?
TS Lê Hùng: Một trong những nguyên nhân gây ngập úng khi có mưa lớn ở Đà Nẵng thời gian qua là việc quá nhiều tuyến đường giao thông, nhất là các tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, tuyến đường Hoà Phước – Hoà Khương, đường ADB… chưa xem xét kỹ về vấn đề thoát lũ, dẫn đến số lượng cống bố trí còn hạn chế, làm cản trở dòng chảy và khiến nhiều khu vực ngập sâu.
Ở khu vực trung tâm TP Đà Nẵng, nhiều cống thoát nước bố trí dẫn đi quá xa, như một số cống dẫn từ khu vực Phước Tường ra sông Phú Lộc, dẫn ngược lên vùng thượng lưu sông Cẩm Lệ như cống thoát nước dọc đường Lê Thanh Nghị… làm hạn chế khả năng thoát nước nhanh chóng.
Một số khu vực phải chịu lưu vực thoát nước quá lớn dẫn đến quá tải như sông Phú Lộc, trong đợt mưa tháng 10/2023 mực nước gần khu vực cửa sông vẫn rất cao dù thời điểm đó thủy triều là rất thấp. Điều này làm giảm năng lực thoát nước của các tuyến cống chảy ra sông Phú Lộc, đây cũng là lý do chính làm giảm năng lực thoát nước của Cầu Đa Cô.
Cùng với đó, trên địa bàn hiện còn có quá ít các trục thoát nước chính ra cửa sông và biển, nên không tận dụng được lợi thế tiếp giáp với biển và có hai sông lớn để bố trí cửa xả. Đồng thời dẫn đến ngập cục bộ dễ dàng gia tăng trong bối cảnh hệ số thấm nước ngày càng giảm do quá trình đô thị hoá gia tăng, thậm chí các vỉa hè cũng bê tông hóa, không còn nơi để thấm nước mưa nên lượng nước mưa đổ dồn hết về các cống thoát và vượt quá năng lực của cống, dẫn đến ứ ngập.
Tình trạng ngập úng đô thị khi có mưa lớn xảy ra khá thường xuyên ở Đà Nẵng trong vài năm gần đây.
TS Lê Hùng: Giải pháp đầu tiên mà chúng tôi đề xuất là TP cần ưu tiên mở một số cửa sông/biển và phân chia lại một số lưu vực thoát nước; trước hết là giảm mực nước các sông suối. Đối với khu vực đô thị trung tâm, khi không còn nhiều cơ hội làm chậm lũ, giảm lũ thì căn cơ nhất là cần mở thêm các lối thoát nước ra biển (xem xét các tuyến đường Phùng Hưng, Hồ Quý Ly, Lý Thái Tông…).
Ví dụ như khu vực Phú Lộc, cần mở rộng các cửa xả ra biển sông để giảm và hạ mực nước cho các tuyến cống hiện nay đã quá tải như cống Phú Lộc. Kiên cố hóa và mở rộng kênh thượng lưu cầu Đa Cô, mở rộng cầu Đa Cô, thay hình thức thoát nước từ bằng cống sang bằng cầu để giảm tổn thất. Ngoài ra có thể xem xét mở cửa xả từ nút giao Hà Huy Tập – Hà Khê ra biển sẽ vừa giảm tải cho sông Phú Lộc vừa có thể giảm ngập cho khu vực Hà Huy Tập – Trần Cao Vân… và lân cận.
Đối với khu vực cầu Trần Thị Lý, đường Phan Đăng Lưu, Lê Thanh Nghị cần mở thêm các cửa xả tại hồ Đảo Xanh, không chỉ sẽ giảm ngập cho khu vực Núi Thành mà còn làm nền tảng cho việc có thể phân lưu đoạn Nguyễn Hữu Thọ - Xô Viết Nghệ Tĩnh – Lê Thanh Nghị - 30/4 chảy về sông Hàn thay vì dẫn lên cầu Đò Xu. Lúc đó sẽ giảm ngập cho khu vực đường 30/4 - Lê Thanh Nghị luôn rất ngập sâu.
Các đợt mưa lớn ngày hôm qua 7/11 tiếp tục khiến khu vực đường Mẹ Suốt – cầu Đa Cô trở thành điểm nóng về ngập úng. Ông có đề xuất gì để có thể nhanh chóng khắc phục tình trạng?
TS Lê Hùng: Theo tôi, cần mở các tuyến cống ra biển trên các đường Lý Thái Tông, Hồ Quý Ly, Phùng Hưng. Khi mở các tuyến cống này thì sẽ giảm tải một phần cho lưu vực khoảng 19 km2 trên tổng lưu vực Mẹ Suốt – cầu Đa Cô khoảng gần 36km2, tùy số lượng cống mở sẽ cắt được hết lưu vực 19km2 hay không.
Theo tính toán sơ bộ của tôi thì phải 8 - 10 cống (3,5x2) thì mới cắt hết lưu vực này. Đây là giải pháp chung, còn về kích thước chuẩn thì chúng tôi sẽ tiếp tục tính toán, bổ sung cụ thể.
Nếu lưu vực 19km2 này được cắt và giảm tải một phần thì mực nước sông Phú Lộc sẽ giảm, dẫn đến các tuyến kênh và cống dẫn ra sông Phú Lộc sẽ tăng khả năng thoát, ngoài ra cũng tăng khả năng thoát tại cầu Đa Cô. Đây là tiền đề để giải quyết giảm ngập khu vực Mẹ Suốt.
Ngoài ra, như đã nêu trên, cầu Đà Cô phải mở rộng thoát nước, thay hình thức cống hiện tại bằng cầu để giảm tổn thất; kiên cố hóa các đoạn kênh thượng lưu cầu Đa Cô. Khu vực Mẹ Suốt ngoài mở rộng khẩu độ cống qua đường Mẹ Suốt để luôn chuyển nước về cầu Đa Cô thì cần nghiên cứu làm cống dọc đường Mẹ Suốt về phía đường Phạm Như Xương để luôn chuyển nước về phía hạ lưu cầu Đa Cô thông qua đường Tôn Đức Thắng.
Nhiều tuyến đường nội thị Đà Nẵng bị giăng dây phong tỏa do ngập lụt nặng trong đợt mưa tháng 10/2023.
TS Lê Hùng: Đúng vậy, việc rà soát lại các tuyến cống thoát nước của các trục chính trên địa bàn TP sẽ là cơ sở đánh giá lại các vị trí ngập cục bộ. Hiện có một số vị trí bất hợp lý gây ngập cục bộ và sâu, như tuyến cống đường Hoàng Hoa Thám cần mở rộng để khớp nối với tuyến cống đường Hải Phòng, đoạn cửa vào hồ Công viên 29/3 ra cống Lê Độ.
Thực tế các trận mưa lớn vừa rồi, cống ra Lê Độ vẫn còn khả năng thoát trong khi đó hồ Công viên 29/3 lại bị tràn. Điều này chứng tỏ chưa tận dụng hết năng lực thoát nước từ hồ Công viên 29/3 ra cửa xả Lê Độ. Do vậy, cần xem xét sửa lại các vị trí này thì cũng là nền tảng để chuyển nước từ hồ Thạc Gián sang hồ Công viên 29/3.
Cũng có tình trạng một số vị trí bị ngập ở thượng lưu trong khi hạ lưu vẫn còn đủ khả năng thoát. Do vậy, cần xem xét lại hiệu quả của các trạm bơm ứng với giai đoạn hiện nay, trong đó có thể điều chỉnh lại khả năng tự chảy của trạm bơm Trương Chí Cương vì mực nước sông bây giờ đã thấp hơn nhiều so với lúc xây dựng năm 2012, do ảnh hưởng của các công trình giao thông và hệ thống hồ chứa thủy điện làm cho mực nước sông giảm.
Đối với các khu vực ngập lụt do chịu tác động dòng chảy của sông tràn vào thì xử lý như thế nào, thưa ông?
TS Lê Hùng: Cần xem xét lại tần suất tính toán chống lũ cho đô thị Đà Nẵng. Việc xây dựng các tần suất 1%, 5% cho các khu đô thị Đà Nẵng là rất khó khả thi. Đối với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tần suất lũ 20 - 25% (tức 4 - 5 năm/1 lần) thì gần như ngập một vùng rộng lớn, đa số các sông trên lưu vực này sẽ bị tràn bờ.
Do đó cần xem xét đánh giá toàn bộ khu vực thay vì đánh giá từng công trình dẫn đến tần suất mỗi khu vực khác nhau. Đối với các khu vực này cần xây dựng phương án phòng chống lụt bão hợp lý, vì lũ lụt do sông tràn trên một lưu vực rộng lớn nên lượng nước về nhiều và thời gian ngập lũ cũng kéo dài.
Để giúp số đông người dân chủ động nắm bắt, ứng phó theo thời gian thực, việc sử dụng công nghệ nên được triển khai thế nào để đạt hiệu quả thưa ông?
TS Lê Hùng: Đà Nẵng cần xây dựng bản đồ ngập lụt chi tiết hơn trên App Smart City. Đồng thời sớm xây dựng bản đồ ngập lụt đô thị ứng với 3 - 5 cấp độ mưa, bản đồ hướng di chuyển tránh các điểm ngập, rồi căn cứ vào điều kiện dự báo lượng mưa để làm cơ sở cho ứng phó.
TP cũng cần tập huấn, phổ biến cho từng hộ dân tải các phần mềm dự báo thời tiết. Hiện nay các app này dự báo rất chính xác, chi tiết, người dân có thể theo dõi lượng mưa, mây, thời điểm mưa kết thúc... để từ đó chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, cần xây dựng bản đồ ngập, thông tin cảnh báo thiên tai, khu vực các đường ngập để người dân biết.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo