Môi trường

Tiền Giang: Trang bị 70 vòi nước công cộng cho người dân vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn

DNVN - Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài nhiều ngày qua dẫn đến các kênh, mương bị khô cạn. Để cung cấp nước ngọt cho người dân, cơ quan chức năng đã lắp 70 vòi nước công cộng trên địa bàn huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Tháo gỡ khó khăn cho dự án khai thác mỏ bô xít Nhân Cơ / Gần 80 triệu USD hỗ trợ các dự án biến đổi khí hậu tại miền Trung

Thời gian qua, nhiều người dân tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang ảnh hưởng nặng nề trước tình trạng thiếu nước tưới tiêu, thiếu nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt.

Các

Các kênh, mương đang bị khô cạn nước.

Bà Nguyễn Thị Ngọc (ngụ xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông) là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, đã phải mua nhiều can nhựa để lấy nước ngọt từ các vòi nước công cộng rồi mang về cho gia đình sinh hoạt.

Qua tìm hiểu, hiện nhiều kênh, mương trên địa bàn xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông đang khô cạn. Ông Trịnh Minh Quốc (ngụ xã Phước Trung) cho biết, do nắng nóng kéo dài từ nhiều ngày qua, các tuyến kênh, ao gần nhà đã khô cạn nước. Hệ thống nước máy không đủ cung cấp sinh hoạt cho gia đình, vòi nước chỉ chảy nhỏ giọt nên người dân nơi đây chỉ biết trông chờ vào các vòi nước công cộng.

Người dân dùng xe

Người dân lấy nước ngọt rồi dùng xe chở về nhà.

Không chỉ riêng xã Phước Trung gặp tình trạng này, người dân các xã Tăng Hòa, Gia Thuận, Tân Phước… (thuộc huyện Gò Công Đông) cũng rơi vào cảnh thiếu nước ngọt tương tự.

 

Theo ông Nguyễn Văn Quí - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, trước tết Nguyên đán, trong vùng ngọt hóa Gò Công có nguồn nước dồi dào. Tuy nhiên, cuối tháng 2/2024, tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp nên hệ thống cống ngăn mặn khép kín.

Không những thế, diện tích cây ăn trái, hoa màu trên địa bàn huyện cần lượng nước lớn để tưới, làm mực nước các kênh trong vùng ngọt hóa xuống nhanh. Nắng nóng kéo dài nên gây ra tình trạng khô, cạn nước mặt trên các kênh nội đồng.

Đến chiều ngày 5/4, UBND huyện Gò Công Đông phối hợp với đơn vị cấp nước tiến hành khảo sát vị trí nguồn nước mạnh, sau đó lắp đặt 70 vòi nước công cộng trên địa bàn 11 xã và 1 thị trấn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt miễn phí cho người dân, ông Quí chia sẻ.

Theo thông tin từ ông Quí, những vòi nước này được UBND các xã trên địa bàn cử cán bộ giám sát, quản lý. Khi người dân đến các vòi nước công cộng thì có thể lấy nước thoải mái, tuy nhiên phải xếp hàng trật tự. Riêng về kinh phí, sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn, căn cứ vào chỉ số đồng hồ báo nước, UBND huyện Gò Công Đông sẽ chịu trách nhiệm thanh toán cho đơn vị cấp nước.

Người dân dùng những can nhựa để đựng nước ngọt.

Người dân dùng những can nhựa để đựng nước ngọt.

 

Trước tình trạng trên, UBND huyện Gò Công Đông yêu cầu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn tập trung chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân về diễn biến của tình hình thời tiết để chủ động ứng phó với tinh thần tích cực, khẩn trương, nhất là diễn biến của tình hình hạn, xâm nhập mặn. Đồng thời, triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn huyện.

Để bảo đảm đủ nước sạch tiêu dùng, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông phối hợp cùng các ngành có liên quan, UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra chất lượng nguồn nước trên hệ thống công trình thuỷ lợi, rà soát những khu vực có khả năng thiếu nước. Đặc biệt quan tâm giải pháp trữ nước cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.

Viết Hiếu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm