Tin tức - Sự kiện

Mũi đột phá nào để Cần Thơ tăng tốc phát triển?

DNVN - Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị được triển khai sẽ tạo điều kiện, động lực lớn để ĐBSCL vươn lên phát triển mạnh mẽ khẳng định vùng chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế chính trị, an ninh quốc phòng… Là “thủ lĩnh” của vùng, Cần Thơ đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá để bức tốc phát triển trong thời gian tới.

ĐBSCL: Thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, 486 ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt do tác động của môi trường và con người / ĐBSCL: Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2022

Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược, quan trọng của quốc gia

Mới đây, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, theo hình thức trực tuyến. Hội nghị khẳng định vùng ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần phát huy cao hơn, tiềm năng, lợi thế to lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng và cả nước trong thời kỳ đổi mới.

Việc nghiên cứu ban hành và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết sẽ góp phần để ĐBSCL vươn lên phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới; tập trung khắc phục triệt để những hạn chế yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua, tạo bước đột phá, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 13 . nhấn mạnh yêu cầu tạo bước chuyển có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 13 . nhấn mạnh yêu cầu tạo bước chuyển có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

Chủ trì và phát biểu tại hội nghị quan trọng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cần khơi dậy và phát triển mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tính chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng, quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm, quyết không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh, vùng khác.

Đồng thời, cần tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác giúp đỡ của các địa phương khác trong cả nước, nhất là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ để phát triển nhanh và bền vững hơn, giàu có hơn, trù phù hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đạt mức cao hơn mức bình quân cả nước trên cơ sở từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng để phát huy tốt hơn nữa tiềm năng lợi thế to lớn vốn có của vùng. Đây là nơi có lợi thế bậc nhất nước ta bởi đất đai phì nhiêu, thiên nhiên ủng hộ… mà không phát triển lên được thì đó là trách nhiệm của chúng ta”.

Trên cơ sở đổi mới về tư duy nhận thức, đẩy mạnh việc xây dựng hoàn thiện các thể chế, chính sách phát triển vùng. Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng. Tổ chức thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện, phù hợp với tổng thể quy hoạch quốc gia.

Ông Lê Quang Mạnh - Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết: “Nghị quyết 13 giao nhiệm vụ cho Cần Thơ đến năm 2030 thành trung tâm phát triển của vùng, có dịch vụ, thương mại, giáo dục y tế, khoa học công nghệ công nghiệp chế biến hiện đại… Đây là niềm tự hào và cũng là thách thức của đảng bộ đòi hỏi sự quyết tâm, sự đồng thuận cao của chính quyền và nhân dân thành phố”.

Nghị quyết 13 và Nghị quyết 59, Nghị quyết 45 đang tạo cho Cần Thơ cơ hội về cơ chế, chính sách, nguồn lực phát triển. Chính quyền thành phố đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để Cần Thơ phát triển đột phá trong thời gian tới. đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường hợp tác các địa phương, trở thành hạt nhân phát triển vùng theo tinh thần của Nghị quyết.

TP Cần Thơ trên đường phát triển để khẳng định vị trí trung tâm, động lực hạt nhân phát triển vùng ĐBSCL.

TP Cần Thơ trên đường phát triển để khẳng định vị trí trung tâm, động lực hạt nhân phát triển vùng ĐBSCL.

Với vai trò “thủ lĩnh”, Cần Thơ làm gì để bức tốc?

Theo Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh, để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, Cần Thơ cần mạnh dạn triển khai nhanh, kịp thời, hiệu quả những cơ chế đặc thù về quản lý tài chính như được vay thông qua phát hành trái phiếu, vay từ các tổ chức tài chính và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay cho thành hố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố hưởng theo phân cấp; được áp dụng đối với một số loại phí, lệ phí…

Trong đó, ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội và các nhiệm vụ chi khác; về quản lý đất đai: thành phố được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng; về thu nhập của cán bộ công chức, viên chức: được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; được áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư tại các khu liên kết, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL…

“Nguyên nhân lớn trong việc cản trở sự phát triển của TP Cần Thơ thời gian qua do chúng ta không phát huy được lợi thế rất lớn từ vị trí trung tâm của ĐBSCL, ở trung tâm nhưng chúng ta không phát huy được vai trò trung tâm, chưa phải là trung tâm kinh tế lớn thực sự để dẫn dắt các địa phương khác trong vùng. Vì chúng ta thiếu một sự kết nối, với các tỉnh thành trong vùng và với TP Hồ Chí Minh. Hiện từ Cần Thơ đi TP Hồ Chí Minh cũng mất 4 tiếng đồng hồ, đây là rào cản thu hút các nhà đầu tư. Nguồn lực để thực hiện các công trình, dự án lớn còn thiếu. Trong nhiều năm qua, chúng ta thu chỉ đủ để chi”, ông Mạnh chia sẻ.

Vấn đề tiếp theo theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ là về tỷ lệ cơ cấu kinh tế, trong những năm vừa qua cơ cấu kinh tế có chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ giảm tỷ trọng nông nghiệp xuống còn 8,6% trong tổng cơ cấu GRDP, nhưng thực tế mới tạo cho người dân có công ăn việc làm chứ chưa có những công trình công nghiệp trọng điểm lớn để có thể tạo sức mạnh kinh tế, tạo sự lan tỏa sang các địa phương khác… chúng ta chưa thể hiện được vai trò trung tâm là như vậy.”

Nghị quyết của Trung ương sẽ tháo gỡ nút thắt cùng những hạn chế kìm hãm sự phát triển trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, Cần Thơ đã và đang tập trung chạy nước rút để cơ bản hoàn thành bản quy hoạch tổng thể đầu tiên TP Cần Thơ 2030 đến 2050 (từ quy hoạch địa chính, giao thông, văn hóa đến quy hoạch xây dựng đô thị..), từ đó, xác định lợi thế, tiềm năng , nhất là lựa chọn mô hình phù hợp để thành phố phát triển trở thành trung tâm động lực về nhiều mặt của vùng ĐBSCL.

Điều đáng phấn khởi là giao thông - "điểm nghẽn", nút thắt kìm hãm sự phát triển của vùng thì trong thời gian tới đây sẽ được đầu tư mạnh mẽ, tạo kết nối vùng bằng những trục cao tốc dọc và ngang. Trục dọc có tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau; trục ngang có tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc. tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã hoàn thành giai đoạn 1, chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2, cùng với đó là cầu Rạch Miễu 2, cầu Đình Khao nối Vĩnh Long- Bến Tre, cầu Đại Ngãi nối Sóc Trăng – Trà Vinh lần lượt được khởi công, tuyến đường ven biển Tây từ Hà Tiên (Kiên Giang) - Bạc Liêu - Sóc Trăng - Trà Vinh - Bến Tre cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Phát huy sự kết nối này, Cần Thơ sẽ dành nguồn lực để đầu tư các tuyến đường xương cá kết nối các trục như khởi công cầu Cờ Đỏ, cầu Tây Đô, đường 917, 918 nối trung tâm công nghiệp Trà Nóc về Phong Điền, đường 921 nối trung tâm Thốt Nốt với Nông trường Sông Hậu; thành phố cũng sẽ tập trung xây dựng con đường hành lang phía tây kết nối các quận Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng, tạo không gian phát triển mới về phía Tây. Từ đó, tạo hướng cho các công trình dự án lớn có thêm dư địa để phát triển trong 5 năm tới.

Cũng theo ông Mạnh, ĐBSCL đường thủy nội địa chưa được phát huy nhiều do khả năng kết nối giữa các đường thủy nội địa với giao thông đường bộ chuyển sang các cầu cảng lớn chưa có, cho nên phần lớn hàng hóa xuất khẩu ở miền được vận chuyển về các cảng ở TP HCM và Vũng Tàu rất tốn kém, đội chi phí của mỗi tấn thóc lên khoảng 10 USD, hết phần lãi của người nông dân. Vì vậy việc nạo vét, tạo luồng cho tàu có tải trọng lớn được vào cảng Cái Cui ở Cần Thơ là yêu cầu cấp thiết để hàng hóa trong vùng được xuất khẩu tại đây, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho bà con.

Sân bay Quốc tế Cần Thơ, một trong 6 sân bay lớn nhất nước đang là cửa ngõ kết TP Cần Thơ với cả nước và quốc tế.

Sân bay Quốc tế Cần Thơ, một trong 6 sân bay lớn nhất nước đang là cửa ngõ kết TP Cần Thơ với cả nước và quốc tế.

Về đường hàng không, trước khi dịch COVID-19 xảy ra, sân bay Cần Thơ có tốc độ tăng trưởng rất lớn, trong quý 3 và quý 4 năm 2019, liên tục mở 6 đường bay quốc tế chưa kể các đường bay trong nước, lượng khách tăng 30%. Tuy nhiên, sân bay chỉ chở khách chứ chưa tính đến xuất khẩu hàng hóa bằng đường hàng không nhất là các thị trường khó tính, vì thế, Cần Thơ đã đề xuất và được Quốc hội cho phép Cần Thơ xây dựng Trung tâm liên kết sản xuất nông nghiệp ĐBSCL, được áp dụng những khung ưu đãi cao nhất về thuế, thủ tục hải quan, thủ tục thuê đất. Đơn cử doanh nghiệp nào đầu tư vào đây sẽ được miễn thuế trong 4 năm, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo, được ưu đãi cao nhất về thủ tục hải quan, đây một trong những điều kiện để chúng ta tạo được sức hút về đầu tư và phát huy lợi thế sân bay.

Ông Mạnh thông tin thêm: Ba dự án lớn mà thành phố đang tập trung triển khai, được xem mũi trọng tâm đột phá là dự án Trung tâm liên kết sản xuất nông nghiệp như nêu, trong tháng 6 này sẽ được khởi công xây dựng sát cạnh sân bay để xuất khẩu hàng hóa đi các nước, giai đoạn đầu là 150 ha, sang giai đoạn hai là 2 ngàn ha, bao gồm có 4 khu cụm: Cụm dự án đổi mới sáng tạo, chế biến các sản phẩm ĐBSCL; cụm liên quan đến xuất khẩu, tạm nhập tái xuất từ các nước; cụm kết nối sân bay bao gồm hạ tầng giao thông, các dịch vu logictic về lạnh, về vận tải, kết nối các phương tiện giao thông khác nhau; cụm gồm các hoạt động sản xuất, thương mại, liên quan đến hàng xa xỉ, hàng chất lượng cao và miễn thuế…

Dự án thứ hai là dự án Trung tâm năng lượng Ô Môn, đây là dự án trọng điểm quy mô rất lớn, bao gồm 5 nhà máy, mỗi nhà máy kinh phí hơn 1,3 tỷ USD, sẽ tạo ra nguồn thu ngân sách trong mỗi hàng ngàn tỷ, tạo được sự lan tỏa, phát triển cho cả vùng. Dự án thứ 3 được trông chờ là dự án khu công nghiệp Việt Nam- Singapore với khoảng 290 ha, nhà đầu tư cam kết sau khi xây dựng xong 12 tháng là lắp đầy 50%.

Bên cạnh, việc nâng cấp Đại học Cần Thơ, nâng cấp viện lúa ĐBSCL trở thành viện giống Asean, hay xây dựng các Trung tâm đổi mới sáng tạo nghiên cứu khoa học…cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Cần Thơ tăng tốc bức phá mạnh mẽ trong thời gian tới, đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo Trung ương, các địa phương trong vùng và nhân dân TP Cần Thơ.

Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm về dịch vụ thương mại, du lịch, logicstics, công nghiệp, giáo dục đào tạo, là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL.

Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm