Nâng chất cho sản phẩm OCOP - Bài cuối: Sẵn sàng đầu tư công nghệ
Chủ động dự báo bão tại Việt Nam - Bài cuối: Hành động sớm - yếu tố quan trọng trong phòng, chống thiên tai / Chống khai thác IUU, phát triển bền vững kinh tế biển - Bài 1: Vào cuộc quyết liệt
Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở đó vẫn chưa đủ để đưa hình ảnh nông sản đặc sản chất lượng cao đến với người tiêu dùng. Tốc độ phát triển công nghệ thông tin như vũ bão hiện nay như tạo cho nông dân Việt Nam một lợi thế về quảng bá sản phẩm chất lượng, khi nông dân sử dụng tốt lợi thế này.
Tích hợp mạng xã hội
Trải qua nhiều biến động về kinh tế, xã hội và ứng phó dịch bệnh trong những năm qua, người sản xuất khu vực nông thôn cũng dần nâng cao kĩ năng bán hàng, cũng như tiêu thụ sản phẩm. Và nông dân cũng đã áp dụng những kĩ năng này trong tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chất lượng như sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
Nhiều địa phương đã tích hợp việc giao thương hàng hoá thông qua những lần tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, kí kết hợp tác trực tiếp, với việc liên kết công bố sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Đơn cử như tỉnh An Giang đã có sự phối hợp với các nhà tạo nội dung số, kênh thương mại điện tử như Facebook, Tik tok để có thể thực hiện "livestream" bán hàng, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang. Sản phẩm là nhiều mặt hàng đặc sản của An Giang như đường thốt nốt, mắm cá linh chưng, cá linh kho mía.
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang, toàn tỉnh có 120 sản phẩm OCOP. Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện quảng bá sản phẩm đến với người dùng trong cả nước, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thiết kế, xây dựng thương hiệu, kênh bán hàng. Nhiều doanh nghiệp cũng đã thành công trong việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử, được nhiều người tiêu dùng biết đến, tăng doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, đặc thù các mặt hàng OCOP này sinh ra từ làng và do chính tay người nông dân làm ra theo kinh nghiệm gia đình nên nhìn chung còn hạn chế về quy mô, cũng như việc kinh doanh qua mạng. Chính vì thế, Trung tâm xúc tiến thương mại An Giang kỳ vọng kết nối thương mại điện tử sẽ giúp các chủ thể doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP tự tin lan tỏa sản phẩm, cũng như vượt qua khó khăn ban đầu để tận dụng nền tảng số trong kinh doanh. Từ đó phát triển lâu dài, bền vững với kinh tế địa phương, giảm tình trạng tha hương tìm kiếm việc làm, ổn định nguồn lao động địa phương.
Có thể thấy, sản phẩm OCOP đã dần thay đổi cách thức tư duy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương của nhiều khu vực, trong đó có người dân nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc triển khai OCOP đã làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất - kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở nông thôn. Đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển; xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Còn tại Cần Thơ, để hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP phát triển và mở rộng thị trường, TP Cần Thơ cũng đã có nhiều kế hoạch cụ thể cho người sản xuất OCOP. Theo đó UBND thành phố Cần Thơ cũng đã ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND của UBND thành phố về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ; Kế hoạch số 98/KH-UBND của UBND thành phố về việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện số hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2025; nhiệm vụ khoa học công nghệ về “Xây dựng, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm thuộc Chương trình OCOP năm 2022-2025”…
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho biết, thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng, ngành nông nghiệp phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông - VNPT Cần Thơ xây dựng trang thông tin điện tử chonongsancantho.vn. Hiện có 114 đơn vị đăng ký, 168 sản phẩm, với 118.611 lượt truy cập.
Chị Ngô Thị Thảo, chủ vườn sầu riêng Chị Thảo, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ cho biết, sầu riêng Chị Thảo đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Bắt nhịp xu thế, những năm qua vườn cũng tăng cường bán hàng trên các kênh trực tuyến như Facebook, Zalo… và nhận thấy việc xây dựng niềm tin, chứng minh sản phẩm an toàn, chất lượng rất quan trọng. Vì vậy, ngoài chứng nhận OCOP vườn đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền sầu riêng Chị Thảo và gắn mã QR cho sản phẩm của mình. Tất cả các công đoạn này đều có sự hỗ trợ từ ngành chức năng và tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ này trong hành trình nâng hạng OCOP cho sản phẩm cũng như tiếp cận các khóa đào tạo bán hàng, marketing trên nền tảng trực tuyến…”.
Định danh cho sản phẩm
Phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm OCOP là điều tất yếu trong xu thế tiêu thụ hiện nay. Nhiều đơn vị có sản phẩm OCOP chất lượng cao từ 4 sao trở lên cũng đã có nhiều hướng đi đặc biệt để làm nổi bật sản phẩm của riêng mình.Theo đó, các chủ thể sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP thực hiện thêm nhiều bước tiến để sản phẩm OCOP của địa phương có thêm “tên tuổi”, cũng như một cách khẳng định uy tín của người sản xuất.
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chia sẻ, để giúp sản phẩm OCOP bảo vệ được thương hiệu, cũng như thể hiện uy tín người sản xuất, UBND tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu các chủ thể quan tâm bảo vệ chất lượng và thương hiệu của sản phẩm, tiến tới đăng ký sở hữu trí tuệ, mạnh dạn có ý kiến để các cơ quan chuyên môn kịp thời hỗ trợ. UBND cấpxã cần động viên, tạo điều kiện cho các đơn vị có điều kiện xây dựng các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng phát triển hơn.
Tương tự, tỉnh An Giang cũng đã có phương hướng “định danh” cho sản phẩm OCOP, để bảo vệ sản phẩm bản địa của địa phương, cũng như uy tín người sản xuất trên vùng đất An Giang. Theo ông Lê Thái Định, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng An Giang, kể từ cuối năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang đã tuyên truyền tổ chức, cá nhân có sản phẩm phù hợp tham gia sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của An Giang. Qua đó, trao quyền sử dụng cho 31 tổ chức, cá nhân, gồm các sản phẩm nấm rơm; dưa lưới; cá lóc; gạo tẻ; nấm bào ngư; nấm linh chi; nước ép dâu tằm, mắm, khô cá các loại; trà linh chi túi lọc; gạo; nếp; rau thủy canh; nấm mối đen, đông trùng hạ thảo sấy; xoài cát Hòa Lộc; lúa giống; yến sào. Trong số này, có 17 sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, 4 sao; được xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Anh Trần Lê Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tiến Anh, đơn vị chuyên sản xuất bánh hạnh nhân trong 30 năm qua cho biết, sản phẩm bánh hạnh nhân được hai lần được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Đồng bằng sông cửu Long và cấp quốc gia. Đây còn là sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh An Giang. Công ty đã đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất khép kín, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào, chế biến… cho đến khâu vận chuyển. Được công nhận sản phẩm OCOP đã tạo cơ hội cho công ty được xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP đến nay, sản lượng tiêu thụ bánh hạnh nhân cải thiện rất nhiều so với trước.
Còn chị Châu Ngọc Dịu, Giám đốc Công ty cổ phần Palmania, huyện Tri Tôn, cũng đã có sản phẩm OCOP và chứng nhận nhãn hàng chia sẻ, để thực hiện ý tưởng sản xuất mật thốt nốt, chị Dịu đã tìm đến các hộ dân làm nghề nấu đường lâu năm ở địa phương, đồng thời thuyết phục họ tham gia quy trình sản xuất sạch. Trong quá trình sản xuất, các hộ dân cam kết không sử dụng chất bảo quản, chỉ sử dụng gỗ sến để giữ hương vị truyền thống. Đây là dòng sản phẩm đặc trưng của địa phương và được làm ra bằng những công thức truyền thống tại Tri Tôn.
Như vậy, Chương trình mỗi xã một sản phẩm là sân chơi của đại đa số các hợp tác xã và tổ hợp tác tại các khu vực nông thôn, bên cạnh với các doanh nghiệp cũng đầu tư chất lượng sản phẩm để tạo nên thương hiệu chung cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Đây vừa là sân chơi để các đơn vị có thể quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, cũng là nơi các đơn vị sản xuất có động lực hướng đến một chất lượng cao hơn để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo