Tin tức - Sự kiện

Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Theo chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, ngày 29/10 Quốc hội thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Sóc Trăng ra công văn hỏa tốc phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 / Dự kiến chọn 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Sau phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Sau đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Quang cảnh Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều 28/10/2021. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.

Quang cảnh Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều 28/10/2021. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.

Cuối phiên họp cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng ngày 28/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, đã có 31 ý kiến đại biểu phát biểu và 2 ý kiến đại biểu tranh luận. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đồng tình với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội và cho rằng, hồ sơ dự án luật đã được Ban soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, công phu và tương đối đầy đủ.
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập của Luật hiện hành.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể của dự án Luật, như: Tên gọi của dự thảo Luật; về công tác thi đua, khen thưởng đối với khu vực ngoài nhà nước; việc sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua, đặc biệt là việc bổ sung tiêu chuẩn sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học làm cơ sở xét tặng danh hiệu thi đua; thẩm quyền phát động phong trào thi đua; thủ tục, tiêu chí, nguyên tắc bình xét thi đua, khen thưởng; việc đăng ký thi đua hằng năm; việc bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; tiêu chuẩn danh hiệu “Gia đình tiêu biểu”; việc thay đổi tên gọi danh hiệu thi đua đối với gia đình, thôn, bản, làng, ấp, tổ dân phố; các loại hình khen thưởng, hình thức khen thưởng; việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; về danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”, “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”; thời gian xét tặng các danh hiệu; nguyên tắc, thẩm quyền khen thưởng; các hành vi bị nghiêm cấm; về danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng; tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Đơn vị Quyết thắng”, “Huân chương Quân công”; xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng; khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng; trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc hướng dẫn về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, các Ban, các Tổ đại biểu của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Buổi chiều cùng ngày dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 23 ý kiến đại biểu phát biểu và 1 ý kiến đại biểu tranh luận.
Đa số ý kiến phát biểu đánh giá cao và tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung sau: mục đích, quan điểm xây dựng Luật; tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Luật; sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; bố cục của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh (thẩm quyền cấp phép phân loại phim; Hội đồng thẩm định và phân loại phim; phân loại phim; trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh); sản xuất phim; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phổ biến phim trên không gian mạng; quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; hành vi bị nghiêm cấm...
Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm